Đảm bảo an toàn hồ chứa trước mùa mưa lũ

Đăng ngày: 27-06-2019 | Lượt xem: 1264
Thời điểm hiện tại, nước ta đã vào đầu mùa mưa lũ, câu chuyện đảm bảo an toàn hồ chứa, nhất là các đập, hồ thủy điện tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu với người dân vùng hạ du.
T7
Hồ chứa Nhà máy Thủy điện Sơn La. Ảnh: Hoàng Minh

Vướng xác định vùng hạ du

Tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá, trong mùa lũ 2017 - 2018, thực tế còn một số vùng hạ du đập thủy điện bị thiệt hại nặng.

Nguyên nhân chủ yếu do mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng, như trường hợp trên lưu vực sông Hồng vào tháng 10/2017 hay trên sông Cà cuối tháng 8 đầu tháng 9/2018. Ở giai đoạn đầu, các hồ chứa thủy điện tham gia có hiệu quả vào việc cắt/giảm/làm chậm lũ cho vùng hạ du nhưng khi đã đạt mực nước cao nhất cho phép thì phải xả bằng lưu lượng về để an toàn cho công trình, lúc này hồ chứa không còn vai trò điều tiết lũ (coi như không có hồ chứa và lưu lượng lũ về hạ du bằng lưu lượng lũ tự nhiên).

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành chưa quy định về hành lang và quản lý hành lang thoát lũ các hồ chứa thủy điện nên thực tế có nhiều hộ gia đình xây dựng nhà ở, sản xuất, sinh hoạt trong vùng ngập khi hồ chứa thủy điện xả lũ. Có nơi mức xả mới đạt khoảng 30 - 50% lưu lượng thiết kế đã ảnh hưởng đến sinh hoạt, tải sản của nhân dân vùng hạ du.

Cũng theo ông Vượng, năm vừa qua, các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện đã vận hành hồ đúng theo Quy trình vận hành được cơ quan có thẩm quyền ban hành, trong đó, có quy định về vận hành xả lũ và vận hành phát điện. Quá trình này đã xuất hiện vướng mắc về xác định vùng hạ du. Theo Nghị định số 114/2018/NĐ-CP, “vùng hạ du đập là vùng bị ngập lụt khi hồ xả nước theo quy trình; xả lũ trong tình huống khẩn cấp hoặc vỡ đập”. Nhưng khi triển khai thực hiện, các chủ sở hữu đập, hồ chứa không biết xác định tiêu chí nào trong trường hợp nào là phù hợp. Ngoài ra, Nghị định chưa có trường hợp vùng hạ du đập các hồ chứa được xây dựng bậc thang hoặc xây dựng gần nơi hợp lưu với sông khác, tức là có sự ảnh hưởng của hồ chứa hoặc sông khác cần xác định thế nào.

Một bất cập nữa, theo quy định, chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập trong giai đoạn thi công và xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp trong giai đoạn khai thác. Tuy vậy, nội dung hai phương án đều có tình huống ứng phó với thiên tai, gây chồng chéo giữa hai phương án và cũng chồng chéo với nội dung phương án ứng phó thiên tai theo quy định tại Điều 22 Luật Phòng chống thiên tai. Hơn nữa, thẩm quyền phê duyệt hai phương án này là của UBND cấp xã/huyện/tỉnh (phân cấp phê duyệt tùy theo phạm vi vùng hạ du) nhưng phương án ứng phó với thiên tai do các đơn vị tự xây dựng và phê duyệt theo quy định tại Điều 22 Luật Phòng chống thiên tai… cũng gây những khó khăn nhất định.

Tăng cường thông báo, cảnh báo

Hiện nay, do nhận thấy một số nơi nhân dân vùng hạ du nhận thông báo, cảnh báo về xả lũ chậm nên không đủ thời gian ứng phó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương khảo sát để lắp đặt bổ sung hệ thống cảnh báo (chủ yếu bằng loa) tại những vị trí cần thiết thuộc vùng hạ du để thông báo, cảnh báo trực tiếp việc xả lũ đến người dân. Nội dung này cũng đã được Bộ Công Thương điều chỉnh trong các Quy trình vận hành đơn hồ ban hành lại từ cuối năm 2017 đến nay, đồng thời đưa vào dự thảo Thông tư quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện và dự kiến ban hành trong năm 2019.

Một khó khăn là hiện nay, các hồ chứa trong khu vực là hồ chứa vừa và nhỏ, sông suối ngắn và dốc, trong khi xu thế mưa cục bộ ngày càng phổ biến, thời gian truyền lũ ngắn làm hạn chế chất lượng cũng như thời gian cảnh báo, dự báo. Mật độ lưới trạm đo mưa, thủy văn trên hầu hết các lưu vực sông nhanh còn rất thưa, đặc biệt là vùng thượng lưu các hồ chứa. Theo thống kê, hiện nay, mật độ trạm đo mưa ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên trên các sông nhánh là 250 - 400 km2/trạm, khá thấp so với yêu cầu tính toán dự báo lũ cho phòng chống lũ ở các lưu vực sông cũng như vận hành hiệu quả các hồ chứa. Theo ông Vượng, Bộ Công Thương đã yêu cầu các chủ hồ chứa phải lắp đặt các trạm đo mưa ở toàn bộ lưu vực hồ chứa để có thông tin sớm trước vài tiếng trước khi lũ tràn hồ, nhằm chủ động thời gian vận hành, điều hành hồ chứa nước an toàn.

Để thực hiện tốt công tác vận hành, đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa thủy điện, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét tổng thể lại các lưu lượng xả nước môi trường trên cơ sở nhu cầu dùng nước ở hạ lưu, nên quy định linh hoạt lưu lượng xả trong mùa cạn. Trong đó, Bộ NN&PTNT sớm tham mưu cơ quan có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền cách xác định vùng hạ du đập, hồ chứa thủy điện và đẩy nhanh tiến độ xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du các hồ chứa để các chủ đập, hồ chứa thủy điện có cơ sở xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang quản lý 371 hồ chứa thủy điện, trong đó, khu vực Tây Bắc có 176 hồ, khu vực miền Trung có 52 hồ và khu vực Tây Nguyên có 143 hồ. Trong số này, có 43 hồ lớn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: