Đặc biệt lưu ý đến công tác sơ tán người dân trong bão số 8

Đăng ngày: 13-10-2021 | Lượt xem: 2355
Xác định bão số 8 là cơn bão lớn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương tập trung cao nhất trong việc ứng phó với bão số 8, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Đặc biệt lưu ý đến công tác sơ tán người dân.

 

Cuộc họp Ban Chỉ đạo ứng phó với bão số 8 chiều 12/10.

Bão số 8 di chuyển nhanh, cường độ mạnh

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai dự báo, bão số 8 di chuyển nhanh, đạt cường độ mạnh nhất cấp 11, giật cấp 14 trong ngày 12-13/10 khi di chuyển trên khu vực bắc Biển Đông đến gần đảo Hải Nam, Trung Quốc. Đồng thời, dự báo, bão đi vào vịnh Bắc Bộ với sức gió cấp 8, giật cấp 10 vào rạng sáng 14/10. Dự kiến, bão đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa - Quảng Bình trong sáng đến trưa 14/10.

Từ ngày 10-12/10, do ảnh hưởng của bão số 7, Bắc Bộ có mưa lớn 150-300mm, một số trạm mưa lớn: Tà Si Láng (Yên Bái) 488mm, Làng Nhì (Yên Bái) 357mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 328mm; hiện tại mưa đã giảm. Cảnh báo, từ chiều 13-14/10, Bắc Bộ và Quảng Trị có mưa từ 100-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt; Thanh Hóa - Quảng Bình có mưa 150-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt.

Từ ngày 15/10, Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt mưa lớn. Triển khai ứng phó với bão số 8, các địa phương đã kiểm đếm, hướng dẫn 53.944 tàu/233.335 lao động; hiện còn 3 tàu/29 người (Quảng Ngãi) hoạt động ở Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa, các tàu này đã nắm được thông tin về bão và dự kiến khu vực tránh trú.

Hiện có 7 tỉnh duy trì cấm biển gồm: Quảng Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Về nuôi trồng thủy sản, có 60.644 ha, 8.053 lồng bè, 401 chòi canh nuôi trồng thủy sản từ Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế. Các tỉnh đã tổ chức chằng chống, gia cố từ trong bão số 7.

Về chăn nuôi, hiện có 3,6 triệu con gia súc (600.000 con trâu; 1 triệu con bò; 2 triệu con lợn); 67 triệu con gia cầm từ khu vực từ Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế.

Để chủ động ứng phó với bão số 8, các địa phương đã lên kế hoạch sơ tán 65.425 hộ/247.997 người từ Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế với bão cấp 9-10 đổ bộ. Với người lao động (khoảng 26.000 người) di chuyển từ phía Nam ra Bắc có thể bị ảnh hưởng do bão, mưa lũ.

Họp Ban Chỉ đạo ứng phó với bão số 8 chiều 12/10.

Hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban chỉ đạo ứng phó với bão số 8, chiều 12/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, công tác phòng, chống bão càng được quan tâm, càng được tập trung thì thiệt hại càng giảm. Nếu chúng ta chủ quan, gặp bão lớn thì thiệt hại rất lớn.

Xác định bão số 8 là cơn bão lớn, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần tập trung cho công tác ứng phó để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay nhiều người dân chưa về tới khu vực an toàn, không chỉ ở trên biển mà tại một số địa phương bà con còn đang đi sản xuất. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị cần chuyển tải thông tin đến các tổ dân phố, tới các phường, xã để kêu gọi tàu thuyền về, cố gắng không để bà con ở trên biển khi cơn bão số 8 tới gần,…

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến công tác sơ tán người dân, nhấn mạnh đây là công tác rất quan trọng, nhất là trong các khu vực đô thị, nhà xuống cấp và trong các khu vực do ảnh hưởng của sạt lở.

Phó Thủ tướng yêu cầu, trong sơ tán người dân cần chú ý tránh tình trạng dồn vào khu cách ly mà cần tách riêng ra, ở các nhà văn hóa, các trường học,…

Đối với các khu cách ly tập trung và đối với bà con từ các vùng có dịch trở về, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương rà soát, với những khu vực chưa kiên cố cần có biện pháp bảo đảm an toàn, nhất là các khu vực phục vụ cho việc ăn uống, khu vực bếp,...

Về việc vẫn còn bà con từ vùng dịch ở phía nam di chuyển ra phía bắc, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương giúp bà con về các vấn đề về chỗ ở, ăn uống,… Sau bão, bà con sẽ di chuyển tiếp, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần có sự phân công các công việc cụ thể bảo đảm an toàn cho người dân di chuyển được thuận lợi.

Phó Thủ tướng lưu ý tới các biện pháp bảo đảm an toàn cho hồ đập và đê điều. Với các hồ đập đã đầy nước cần bố trí cho lực lượng trực; với đê điều, có những đoạn xung yếu, đoạn đang thi công, do đó, cần có biện pháp để bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, có những khu vực cần chuẩn bị sẵn vật tư để sẵn sàng khắc phục sự cố. Qua cơn bão số 7 vừa qua, vẫn có những thiệt hại về người, Phó Thủ tướng đề nghị cần tăng cường hơn nữa cho công tác tuyên truyền, đặc biệt, các bộ phận ứng cứu của các lực lượng cần thông tin, rà soát, cố gắng phối hợp thật tốt để hạn chế thiệt hại về người do thiên tai gây ra.

Theo Báo Nhân Dân

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: