Chủ động trước thiên tai ngày càng cực đoan

Đăng ngày: 16-06-2020 | Lượt xem: 1339
Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm 2020 đã tạo ra mốc lịch sử mới, khốc liệt hơn đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016 cả về thời gian và độ xâm nhập mặn, cho thấy sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp, khó lường.

Đại diện các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ ký chương trình phối hợp phòng, chống thiên tai năm 2020. Ảnh: TTXVN

Ngày 15/6, tại TPHCM, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (BCĐ) tổ chức Hội nghị phòng, chống thiên tai khu vực miền Nam năm 2020 với sự tham gia của 350 đại biểu đến từ các bộ, ngành và địa phương phía Nam.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, thiên tai năm 2019 ở Việt Nam không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước. Tại Nam Bộ đã xảy ra 14/21 loại hình thiên tai, 141 trận mưa đá, dông, lốc, sét (chiếm 55% cả nước), 564 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài trên 834 km... Mặc dù giảm thiểu nhưng thiên tai đã làm 16 người chết và mất tích, thiệt hại ước tính khoảng 466 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2018.

Riêng trong 5 tháng đầu năm 2020, ĐBSCL đã xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt khiến 54.700 ha lúa bị hư hại, 96.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, thiệt hại trên 3.000 tỷ đồng.

Dự báo, từ nay đến cuối năm sẽ xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Bão tập trung nhiều ở Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020. Lũ tại sông Cửu Long muộn và ở mức báo động 1-2. 

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm 2020 cũng đã tạo ra mốc lịch sử mới, khốc liệt hơn đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016 cả về thời gian và độ xâm nhập mặn, cho thấy sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp, khó lường.

Trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, Phó Trưởng ban BCĐ, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhận định, cả hệ thống chính trị và nhân dân phải chủ động và nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng, chống thiên tai thông qua việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai.

Trong thời gian tới, các thành viên BCĐ sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra những trọng điểm xung yếu trên hệ thống đê điều, hồ chứa, các khu neo đậu tàu thuyền, nuôi trồng thủy hải sản tại các địa phương ở Nam Bộ, đặc biệt là ĐBSCL; chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, vật liệu, nhân lực và kịch bản ứng phó đối với tất cả các tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho các công trình phòng, chống thiên tai; đưa ra nhiều biện pháp phòng, chống thiên tai hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác quốc tế…

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020. Trong đó, tập trung vào các giải pháp trọng tâm về kiện toàn ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp theo quy định; củng cố, nâng cao năng lực cơ quan tham mưu các cấp; rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai, nhất là phương án ứng phó với bão mạnh, lũ lớn.

Hội nghị cũng thảo luận, đề ra các giải pháp thiết thực, chủ động ứng phó với các kịch bản bất lợi nhất, phấn đấu đến năm 2025 giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015-2020; 100% lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng phòng chống thiên tai, chủ động trong dự báo, cảnh báo, phòng chống lũ quét, sạt lở đất.

Tại hội nghị, BCĐ cũng tổ chức lễ phát động phong trào thi đua đặc biệt “Chủ động phòng chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn” giai đoạn 2020-2025, triển khai trên cả nước dành cho các tập thể, cá nhân tham gia công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn./.

Theo baochinhphu.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: