Chủ động phòng, chống thiên tai

Đăng ngày: 10-05-2022 | Lượt xem: 2608
Trong những năm qua, công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn Đồng Nai được cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Nhiều biện pháp hiệu quả trong phòng, chống thiên tai đã được triển khai, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Nhiều hộ dân tại H.Định Quán bị tốc mái sau cơn mưa dông ngày 27-3. Ảnh: CTV

Năm 2022, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục nắm chắc địa bàn, phối hợp chặt chẽ hơn để chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

* Diễn biến phức tạp, khó lường

Năm 2021, trên địa bàn Đồng Nai đã xảy ra các loại hình thiên tai như: hạn, xâm nhập mặn, mưa lớn kèm theo dông lốc, ngập lụt, sạt lở đất... Hậu quả đã làm tốc mái 60 căn nhà; ngập 1.233 căn nhà (thuộc các địa phương: Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất và Biên Hòa); khoảng 2.615 tấn cá chết, thoát ra sông; hơn 1,4 ngàn ha lúa và 15ha hoa màu bị ngập lụt; hơn 85ha cây ăn quả bị ngập lụt...; nhiều đoạn bờ sông tại khu vực xã Phú Bình (H.Tân Phú) và P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) bị sạt lở nặng nề. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 107 tỷ đồng.

Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vũ Quốc Việt cho biết thêm, trong 4 tháng đầu năm 2022, trên toàn tỉnh đã xảy ra mưa trái mùa trong nhiều ngày. Đặc biệt, mưa lớn kèm theo dông lốc ngày 27-3 và ngày 25-4 tại H.Định Quán làm 1 căn nhà bị sập, 44 căn nhà và 2 phòng học bị tốc mái; khoảng 5ha lúa bị ngã đổ, 5ha cây ăn trái bị rụng quả; gây ngập lụt cục bộ một số khu vực ở TP.Biên Hòa.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, năm 2022, mùa mưa bắt đầu sớm hơn trung bình nhiều năm, vào khoảng cuối tháng 4. Dự báo trong năm 2022, có từ 10-12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 4-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam (xấp xỉ trung bình nhiều năm) và có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Người dân cần đề phòng mưa lớn cục bộ, bão, áp thấp nhiệt đới có hướng di chuyển phức tạp hoạt động vào cuối mùa mưa.

* Chú trọng công tác phòng ngừa

Để chủ động phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đặt ra một số nhiệm vụ cụ thể; trong đó, chú trọng vai trò trách nhiệm của chính quyền các huyện, thành phố. Đặc biệt, trong việc rà soát, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án chống ngập, thoát nước; kiểm tra, khơi thông hệ thống cống, mương thoát nước trên các tuyến đường, khu dân cư. Đồng thời, phải sớm cảnh báo thường xuyên, liên tục cho người dân; cắt cử lực lượng ứng trực, điều tiết giao thông, hỗ trợ người dân khi có sự cố thiên tai xảy ra.

Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI đề nghị, để có thể huy động tối đa mọi nguồn lực ngay tại địa bàn trong phòng, chống thiên tai, lãnh đạo các địa phương có thể ký kết quy chế phối hợp với các đơn vị quân đội, doanh nghiệp trên địa bàn để khi xảy ra sự cố thiên tai có thể trưng dụng phương tiện, vật tư, huy động con người của các đơn vị, doanh nghiệp tại chỗ khắc phục hậu quả thiên tai.

Phó trưởng phòng Kinh tế TP.Biên Hòa Nguyễn Thành Trưởng cho hay, UBND TP.Biên Hòa đã giao Công an thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết phân luồng giao thông trên địa bàn khi có ngập lụt xảy ra; xây dựng kế hoạch điều tiết giao thông cụ thể, rõ ràng. Đội Cảnh sát giao thông bố trí 5 tổ tại 5 điểm khu vực thường xảy ra ngập nước, ùn tắc giao thông sau mưa lớn, kéo dài như: ngã tư Cầu Hang, khu vực ngã ba Chợ Sặt, khu vực ngã tư Tam Hiệp, khu vực quốc lộ 51. Đồng thời, bố trí 2 tổ phối hợp tuần tra, giải tỏa ách tắc giao thông trên các tuyến đường nội thành.

Bên cạnh đó, đơn vị quản lý các hồ, đập tràn được yêu cầu chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho tất cả các công trình thủy lợi, nhất là chú trọng đến các công trình hồ chứa trong mùa mưa lũ, duy trì hoạt động phục vụ sản xuất ổn định sau mùa mưa. Đặc biệt, ngay trước mùa mưa năm 2022, các đơn vị quản lý phải tiến hành kiểm tra đánh giá lại tình trạng và năng lực của từng công trình để có kế hoạch tu sửa.

Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai Lê Xuân Toàn cho hay, công ty đang quản lý 24 công trình thủy lợi toàn tỉnh, trong đó có 10 công trình hồ chứa nước, 10 đập dâng, 2 trạm bơm điện và 2 hệ thống đê ngăn mặn. Công ty lập đã cho dọn vệ sinh các đập chính, đập phụ, tràn, cống lấy nước; lát lại đá mái đập tại các vị trí đá bị xô lệch ở thượng lưu đập; phát dọn và khơi thông các rãnh thoát nước ở mái và mặt đập; tìm và xử lý tổ mối, hang ổ động vật trong thân đập; làm lại mặt đập, kiểm tra các bình đo mưa. Ngoài ra, công ty cũng cho sửa chữa những hư hỏng có ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình trong mùa mưa lũ, duy tu bảo dưỡng các máy đóng mở và cửa van các cống lấy nước.

Là một trong những lực lượng chính tham gia tìm kiếm cứu nạn, Công an tỉnh thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị, công an các huyện, thành phố về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trước mùa mưa bão. Ưu tiên bố trí kinh phí và trang cấp bổ sung phương tiện, vật tư phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và cứu nạn, cứu hộ. Rà soát, đánh giá lại trang thiết bị hiện có phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ để đề xuất lãnh đạo bộ quyết định điều chỉnh, bổ sung phù hợp trong thời gian tới.

Đăng Tùng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202205/chu-dong-phong-chong-thien-tai-3115356/

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: