Cảnh giác thời tiết bất thường khi Covid-19 diễn biến phức tạp

Đăng ngày: 11-09-2020 | Lượt xem: 2370
Công tác phòng chống thiên tai phải tiến hành đồng thời với công tác phòng, chống dịch bệnh...

Mưa lũ có thể xuất hiện dồn dập tại miền Trung trong các tháng cuối năm. Ảnh: Việt Hùng

Trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, dự báo từ nay tới cuối năm hiện tượng thời tiết nguy hiểm cũng diễn ra dồn dập, buộc ngành chức năng và người dân nâng cao cảnh giác.

Chuẩn bị kịch bản ứng phó “thảm họa kép”

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ tháng 9 cho tới cuối năm 2020, Biển Đông có thể xuất hiện khoảng 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và phía Nam. Ngoài ra cũng cần đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: Dông, sét, lốc, mưa đá; gió mùa Đông Bắc...

Trước tình hình trên, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) nhận định, hiện nay, công tác phòng chống thiên tai phải tiến hành đồng thời với công tác phòng, chống dịch bệnh. Việt Nam cần tìm giải pháp chủ động và phù hợp trong công tác chuẩn bị, phòng ngừa và ứng phó với các rủi ro và thảm họa kép.

“Ứng phó và khắc phục hậu quả sau lũ lụt hoặc hạn hán trong bối cảnh dịch bệnh sẽ càng phức tạp hơn và ngược lại. Các chiến lược và hành động giảm nhẹ rủi ro thiên tai được xây dựng nhằm ứng phó với tình hình đại dịch hiện tại sẽ giúp bảo vệ các khu vực bị ảnh hưởng không trở thành tâm điểm bùng phát đại dịch và hỗ trợ khôi phục nhanh chóng sau thiên tai”, ông Hoài nhấn mạnh.

Chia sẻ bài học kinh nghiệm từ công tác ứng phó bão số 2, ông Nguyễn Hiệp, Phó cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục thiên tai (Tổng cục PCTT) nhận định: “Các địa phương cần chủ động phối hợp với cơ quan y tế để xác định các tình huống có thể xảy ra trong điều kiện ứng phó dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, cần rà soát, xây dựng phương án PCTT&TKCN trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, theo phương châm 4 tại chỗ, trong đó sơ tán dân (ưu tiên sơ tán tại chỗ), đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm tại nơi sơ tán tập trung; đảm bảo trang thiết bị y tế, hóa chất khử trùng cho lực lượng huy động tham gia công tác PCTT&TKCN; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, ứng phó thiên tai (họp trực tuyến, cơ sở dữ liệu, bản đồ số…)".

Lồng ghép các hoạt động PCTT và phòng chống dịch bệnh

Mới đây, đối tác Nước toàn cầu về PCTT (GWP) đã đưa ra 10 khuyến nghị thiết thực trong việc ứng phó Covid-19 và phòng chống thiên tai.

Theo GWP, các thiên tai liên quan tới nước bao gồm mưa lớn, bão, lũ lụt, hạn hán, lở đất, dòng chảy bùn đá, sóng thần, triều cường, đất hóa lỏng, lũ do tràn hồ băng và các vụ ô nhiễm nước. Hơn 90% trong số 1.000 thiên tai lớn trong quá khứ có liên quan đến nước.

“Khi thiên tai liên quan đến nước xảy ra, hãy duy trì hoặc khôi phục càng nhanh càng tốt các dịch vụ cơ bản như điện, giao thông, nước và vệ sinh để phòng ngừa dịch bệnh lây lan và các hậu quả nặng nề do thảm họa kép xảy ra, trong đó có cả việc bảo vệ cán bộ y tế và lực lượng PCTT.

Hãy yêu cầu các lãnh đạo PCTT thực hiện các biện pháp chủ động như lập kế hoạch bảo vệ khẩn cấp cơ sở hạ tầng quan trọng và bố trí nguồn cung cấp vật tư/thiết bị dự trữ nhằm bảo đảm khắc phục hậu quả nhanh chóng”, GWP khuyến nghị.

Theo GWP, cần xây dựng ngay kế hoạch PCTT trong bối cảnh đại dịch để chuẩn bị cho tình huống sẽ xảy ra trong thực tế. Với mục tiêu vừa phòng chống thiên tai vừa chống lây nhiễm Covid-19, kế hoạch PCTT trong bối cảnh Covid-19 cần giải quyết các nhu cầu cụ thể của các đối tượng khác nhau như: nam giới, phụ nữ, thanh niên và trẻ em, người già, người tàn tật, người di cư, người tị nạn hoặc mất nhà cửa, công nhân, người sống ở khu nhà ổ chuột, người vô gia cư và những người dễ bị nhiễm Covid-19 (những người có bệnh nền).

Thu thập dữ liệu về các cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và thiên tai theo giới tính, tuổi tác, mắc/không mắc các bệnh nền, các nhóm như đã đề cập ở trên… làm cơ sở để xây dựng các Kế hoạch tổng hợp phòng chống thiên tai và Covid-19 hiệu quả.

Đặc biệt, ưu tiên cao nhất là tập trung nhân lực và tài chính cho hoạt động cấp nước và bảo đảm vệ sinh trong và sau thiên tai vì vệ sinh cá nhân, đặc biệt là việc rửa tay, là một yếu tố quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

“Mặc dù nếu bị ảnh hưởng bởi cả thiên tai và đại dịch một lúc sẽ là rất khó khăn và phức tạp, nhưng chúng ta vẫn cần ra quyết định và hành động từng bước một. Luôn cân nhắc yếu tố bệnh dịch trong quá trình đưa ra các quyết định về ứng phó thiên tai và ngược lại. Việc này sẽ giúp các hành động được thực hiện hiệu quả và tránh chồng chéo”, đại diện GWP nhận định.

Bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường

Thiên tai thường dẫn đến gián đoạn cấp nước và do đó sẽ có thể ảnh hưởng đến các nỗ lực ngăn chặn Covid-19. Ở những vùng cực kỳ khan hiếm nước, thiên tai có thể ảnh hưởng đến hoạt động rửa tay, quản lý chất thải và các hoạt động khác nhằm ngăn ngừa sự lây truyền từ người sang người của virus. Do vậy, cần chú ý đến các rủi ro do hạn hán gây ra vì thiếu nước có thể ngăn cản nỗ lực duy trì vệ sinh.

Theo baogiaothong.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: