Cần giải pháp ứng phó hiệu quả lâu dài với hạn mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Đăng ngày: 03-01-2020 | Lượt xem: 1762
Sáng 3/1, tại Bến Tre, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2019-2020.

Dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, vùng  ĐBSCL là vùng có rất nhiều tiềm năng triển kinh tế, là vùng đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước. Tuy nhiên, hạn mặn đang xảy ra rất nghiêm trọng, cần phải có giải pháp ứng phó hiệu quả không chỉ với tình hình hiện nay mà còn về lâu dài.

Chú thích ảnh
Cống Bảo Định (thành phố Mỹ Tho) đóng ngăn mặn bảo vệ sản xuất. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Mặn xâm nhập sớm và gay gắt

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xuất hiện sớm hơn so với năm 2015 (năm hạn mặn lịch sử gây thiệt hại lớn cho ĐBSCL), ở mức gay gắt và sẽ tiếp tục tăng cao, khả năng ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Đáng chú ý, mùa mưa 2019 trên lưu vực sông Mê Công xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm, tổng lượng dòng chảy năm ở mức thấp. Dòng chảy về ĐBSCL từ đầu mùa khô đến nay giảm nhanh, hiện đang ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho hay, mực nước bình quân tại trạm Kratie từ đầu tháng 1 đến nay thấp hơn gần 2,33 m  so với trung bình nhiều năm, thấp hơn 0,77m so với bình quân cùng kỳ năm 2015. Dung tích trữ trong Biển Hồ (Campuchia) đến nay ước tính khoảng 5,1 tỷ m3, giảm khoảng 33 tỷ m3 so với thời điểm cao nhất ngày 1/10/2019, thấp hơn so với trung bình nhiều năm (giai đoạn 2010-2018) khoảng 15,7 tỷ m3 và thấp hơn gần 340 triệu m3 so với cùng kỳ năm 2015.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo từ tháng 1/2020 đến tháng 2/2020, lưu lượng bình quân tại trạm Kratie thấp hơn gần 35% so với trung bình nhiều năm. Biển Hồ Campuchia ở mức trữ thấp, không còn bổ sung nguồn nước cho hạ du. Từ tháng 3/2020 đến tháng 5/2020, lưu lượng bình quân tại trạm Kratie khả năng sẽ tăng do các hồ chứa thượng nguồn tăng lưu lượng xả nước tương tự như một số năm gần đây.

Về sản xuất nông nghiệp, hiện tại các tỉnh vùng ĐBSCL đang canh tác vụ Mùa, Thu Đông 2019 và Đông Xuân 2019-2020. Cụ thể, vụ Mùa tổng diện tích đã xuống giống 160.580 ha, đã thu hoạch 24.800 ha, còn lại đang trong giai đoạn đòng, trổ và chín. Vụ Thu Đông đã xuống giống 719.100 ha, đã thu hoạch đạt 91%, hiện còn 65.100 ha đang trong giai đoạn trổ và chín. Phần lớn diện tích đang canh tác trong vùng đê bao bảo vệ và sẽ kết thúc thu hoạch sớm nên không có diện tích bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn.

Đối với vụ Đông Xuân 2019-2020, vùng ĐBSCL đã xuống giống 1.505.000 ha, đạt 95% kế hoạch. Trong số đó, diện tích cần tăng cường mạnh các giải pháp thủy lợi để đảm bảo cung cấp đủ nước tưới trong trường hợp xâm nhập mặn kéo dài khoảng 332.000 ha tập trung ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang và Kiên Giang.

Riêng đối với 100.000 ha thuộc vùng sản xuất lúa Đông Xuân hằng năm, nhưng có nguy cơ cao ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn năm 2019-2020, đã bố trí chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho khoảng 50.000 ha và chuyển dịch lùi thời vụ cho 50.000 ha còn lại. Ngoài ra, vùng ĐBSCL còn có khoảng 136.000 ha cây ăn quả có khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn, bằng 39,1% tổng diện tích cây ăn quả toàn vùng.

"Việc chủ động bố trí thời vụ xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển bảo đảm thuận lợi hơn cho việc cung cấp đủ nguồn nước tưới, tránh thời gian xâm nhập mặn lên cao, hạn chế thấp nhất thiệt hại", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho hay, dự báo hạn mặn mùa khô năm 2019-2020 diễn biến phức tạp, nên từ giữa năm 2019, tỉnh đã triển khai các giải pháp ứng phó. Đến nay, tỉnh đã bố trí 46 điểm đo mặn nhằm tăng cường đo kiểm tra trên các sông, kênh rạch, các công trình đầu mối, các nhà máy nước để vận hành công trình lấy, trữ nước hợp lý. Ngoài ra, tỉnh còn thi công nạo vét kênh mương với tổng khối lượng khoảng 557.000 m3…

Theo báo cáo của các địa phương, hiện tại có khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Số hộ bị thiếu nước sinh hoạt tập trung tại các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau và Tiền Giang. Nguyên nhân do nguồn nước có độ mặn vượt ngưỡng cho phép, các hộ dân thiếu dụng cụ trữ nước ngọt để sử dụng. Theo dự báo, trong thời gian tiếp theo của mùa khô, có khoảng 158.000 hộ thiếu nước sinh hoạt; trong đó, có 24.000 hộ ở vùng của công trình cấp nước tập trung; 134.000 hộ ở vùng cấp nước nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình.

Chủ động ứng phó

Chú thích ảnh
Công trình cấp nước tập trung cấp nước sạch cho người dân. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, trước diễn biến của hạn hán, xâm nhập mặn, Bộ đã tổ chức theo dõi, giám sát, dự báo tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn liên tục từ tháng 6/2019. Bên cạnh đó, đẩy sớm khung thời vụ sản xuất lúa Đông Xuân ngay từ tháng 10/2019 để tránh thời điểm xâm nhập cao trùng với thời kỳ nhạy cảm của cây trồng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư xây dựng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý…

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết, tỉnh đã thực hiện nạo vét các tuyến kênh cấp 2, cấp 3, đắp đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để bơm trữ nước vào hệ thống kênh, rạch nội đồng; tranh thủ vận hành lấy nước qua cống, trạm bơm Xuân Hòa, cống Rạch Chợ khi độ mặn cho phép; đồng thời, đảm bảo cho người dân không thiếu nước sinh hoạt trong các tháng mùa khô năm nay.

Theo ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức sớm hơn, sâu hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, trong một số thời điểm ranh mặn trên các sông có khả năng xâm nhập tương đương mùa khô năm 2015-2016.

Ngoài ra, xâm nhập mặn sẽ ở mức cao trong kỳ triều cường, nếu xuất hiện kết hợp gió từ phía Đông mạnh, có thể tăng đột biến trong thời gian ngắn. Mức độ xâm nhập mặn có thể thay đổi, tùy thuộc vào việc xả nước của các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Mê Công. Vùng dự kiến ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn tương tự năm 2015-2016, tác động đến 10/13 tỉnh, với tổng cộng 74/137 đơn vị hành chính cấp huyện ở khu vực ĐBSCL.

Với mục tiêu không để thiếu nước sinh hoạt cho người dân, bảo vệ an toàn vùng canh tác cây ăn trái và sản xuất lúa phù hợp với tình hình nguồn nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hơp với các địa phương tập trung các biện pháp ứng phó hiệu quả. Trước hết, đảm bảo cuộc sống cho người dân, không được để bất kỳ hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt và đảm bảo nước cho sản xuất; bảo vệ mùa màng và không để bùng phát dịch bệnh do thiếu nước.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường dự báo, cung cấp các bản tin nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan và các địa phương để chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Mặt khác, Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các nước thượng nguồn sông Mê Công để thu thập thông tin về nguồn nước và điều tiết các hồ chứa thủy điện ngoài lãnh thổ Việt Nam để phục vụ dự báo xâm nhập mặn; đề xuất tăng cường xả nước từ các hồ chứa thủy điện để đẩy mặn cho ĐBSCL trong trường hợp cần thiết.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cần tiếp tục tăng cường theo dõi sát tình hình, cập nhật hàng ngày diễn biến thời tiết, nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Công và ĐBSCL. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể cấp nước sinh hoạt, với phương châm không để người dân thiếu nước sinh hoạt, đối với vùng thường xuyên xảy ra thiếu nước sinh hoạt phải tự cân đối từ hộ đến thôn/ấp, xã, huyện, tỉnh. Đồng thời, chủ động bố trí ngân sách để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đến cấp nước sinh hoạt nông thôn; gia cố bờ bao, chủ động tích trữ nước trong các hồ, đầm, ao.

Về lâu dài, các địa phương đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động để kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan. Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi đã có, nạo vét các kênh trục chuyển nước, xây dựng các trạm bơm cột nước thấp trên kênh, xây dựng hạ tầng thủy sản… để chủ động kiểm soát triều, xâm nhập mặn. Trong đó, các địa phương ưu tiên các dự án thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé giai đoạn 2, hoàn thiện hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Nam Bến Tre, Nam Măng Thít, Bảo Định, Nhật Tảo, Tân Trụ…

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: