Cần có hệ thống cảnh báo đa thiên tai hiệu quả

Đăng ngày: 03-09-2019 | Lượt xem: 2194
Phòng chống, giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra là công việc được đặt lên hàng đầu, trong đó, đặc biệt chú trọng đến nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo.
Untitled 1
Công nghệ giúp nâng cao chất lượng công tác dự báo thiên tai

Công nghệ cảnh báo còn lạc hậu

Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai, Việt Nam đang là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Các hiện tượng thời tiết dị thường cộng hưởng với tác động cực đoan của BĐKH ngày càng nguy hiểm và khó lường, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sản xuất của người dân.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNN, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho biết: Ở Việt Nam với tiềm lực khoa học công nghệ chưa cao, nền tảng hạ tầng còn hạn chế, nhưng nước ta đã đảm bảo an toàn tốt nhất cho người dân và giảm thiểu thiệt hại nhiều nhất cho nền kinh tế. Nhiều năm qua, Chính phủ vẫn luôn nỗ lực đảm bảo cung cấp khoảng 1,5% cho khoa học công nghệ trên tổng chi ngân sách Nhà nước. Tuy vậy, đến thời điểm này, chúng ta chưa có một hệ thống cảnh báo đa thiên tai hiện đại nào.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNN lấy ví dụ về việc hàn khẩu đê sông Hồng hay nâng cao trình đỉnh đê sông Bùi năm 2018, quy trình làm vẫn rất thủ công bằng cách sử dụng các bao tải cát, trong khi các nước châu Âu đã có hệ thống đê di động và lắp ghép từ hơn 50 năm trước.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, TS. Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho hay: Để phòng tránh thiên tai, các Bộ, ngành, địa phương cần tận dụng và nâng cao chất lượng các bản tin dự báo để triển khai phương án phòng tránh kịp thời khi có thiên tai xảy ra. Mặt khác, các địa phương cũng phải tiến hành quy hoạch, xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, môi trường đáp ứng phòng tránh các loại thiên tai phù hợp cho từng miền, từng khu vực một cách hợp lý.

Theo TS. Tô Văn Trường, hiện nay, Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng kết quả dự báo bão từ các mô hình toàn cầu của thế giới như Mỹ, châu Âu. Bởi vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cần đặt vấn đề với Bộ TN&MT nâng cao chất lượng của các mô hình dự báo bão để khai thác triệt để các nguồn số liệu quan trắc của Việt Nam cũng như nguồn số liệu có sẵn. Ngoài ra, để có thông tin dự báo phục vụ công tác chủ động ứng phó với bão, thời hạn dự báo cũng cần phải dài hơn.

Cần có sự vào cuộc của toàn xã hội

Theo bà Đoàn Thị Tuyết Nga - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Quan hệ quốc tế (Tổng cục Phòng chống thiên tai), việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong phòng, chống thiên tai, cảnh báo, dự báo, giám sát thiên tai, giải pháp công nghệ cần tập trung vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu thiên tai, cơ sở dữ liệu về đê điều, sạt lở, bản đồ ngập lụt, ảnh vệ tinh, công cụ quản lý và vận hành hồ chứa thời gian thực; các giải pháp về công nghệ trong các công trình phòng, chống thiên tai như: sử dụng các bao lớn để tăng cao trình đỉnh đê, túi đựng đá, kè bằng thảm vữa xi măng túi khuôn, sử dụng vải địa kỹ thuật cho công trình xói lở bờ biển, làm đập ngăn mặn trữ nước ngọt...

Đề cập đến việc ứng dụng công nghệ trong công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, ông Đặng Quang Minh, Quyền Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT nêu rõ: Việc ứng dụng tập trung vào sử dụng mạng xã hội Facebook, ứng dụng trên điện thoại thông minh (APP), sử dụng hệ thống đào tạo trực tuyến (E-LEARNING), truyền thông bằng hình ảnh trực quan. Việc sử dụng khoa học - công nghệ trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng được Tổng cục Phòng, chống thiên tai đầu tư và quan tâm. Hiện nay, Tổng cục đang rà soát và xây dựng lại các tài liệu hướng dẫn theo hướng trực quan dưới dạng các video clip sử dụng đồ họa 3D.

Hiện, Việt Nam đã và đang có nhiều mô hình về việc ứng dụng khoa học công nghệ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai được triển khai ở nhiều địa phương và được đánh giá có hiệu quả như: Ứng dụng công nghệ trong quản lý đê điều với các "tuyến đê kiểu mẫu"; công nghệ bãi nuôi, chống xói lở, tôn tạo bãi biển ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống thử nghiệm cảnh báo sớm lũ, lũ quét cho một số lưu vực sông với chức năng cảnh báo và nhằm di tản người dân dựa theo mức độ nguy hiểm, lượng mưa thực tế và dữ liệu về nước quan sát được từ máy đo. Cung cấp bản đồ lũ, bản đồ nguy hiểm và thông tin về dòng sông để đối phó với nguy cơ lũ quét ở khu vực miền núi…

Ứng phó với thiên tai là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và phải triển khai trên quy mô lớn, nên đòi hỏi phải có sự nghiên cứu toàn diện một cách khoa học các điều kiện khách quan của Việt Nam và học hỏi vận dụng kinh nghiệm của thế giới.

Cả nước đã có gần 1.600 trạm khí tượng (đo mưa, mực nước) và hơn 500 trạm thủy văn. Không chỉ hình thành mạng lưới dữ liệu về theo dõi diễn biến của bão, chúng ta cũng đã thiết lập được hệ thống theo dõi các tàu thuyền trên biển; cơ sở dữ liệu của 239 hồ lớn, thủy điện nhỏ, gần 3.000km đê cấp 3 trở lên; cơ sở dữ liệu về sạt lở, bản đồ ngập lụt, nước biển dâng, giám sát thiên tai qua ảnh vệ tinh.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: