Các nhà máy thủy điện sẵn sàng phương án ứng phó trước mùa mưa bão 2021

Đăng ngày: 13-07-2021 | Lượt xem: 1788
Trước tình hình cấp bách mùa mưa bão đang đến gần, các đơn vị thủy điện đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, sẵn sàng các tình huống ứng phó nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Sẵn sàng ứng phó

Là một trong những nhà máy thủy điện lớn nhất của Việt Nam có vai trò rất lớn trong lưu vực của sông Đà và sông Hồng trên cả vĩ tuyến từ thủy điện Lai Châu, thủy điện Hòa Bình và Huội Quảng – Bản Chát, những năm qua, Nhà máy Thủy điện Sơn La có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện cho các khu vực phía Bắc.

Theo ông Khương Thế Anh – Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La (đơn vị vận hành Nhà máy Thủy điện Sơn La và Nhà máy Thủy điện Lai Châu) cho biết: Năm 2020, sản lượng điện cả Nhà máy Thủy điện Sơn La và Lai Châu là 11,56 tỷ kWh điện, đạt 103% so với kế hoạch giao. Năm 2021, sản lượng điện cả 2 nhà máy là 4,17 tỷ kWh điện, đạt 36,7% so với kế hoạch giao.

Chia sẻ về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2020, ông Thế Anh cho hay, trong năm qua, công ty đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị, kiện toàn cơ cấu tổ chức PCTT&TKCN, kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo của các Bộ, ban, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để kịp đưa ra các kịch bản tại công ty. Nhờ đó, công ty đã hoàn thành tốt các kế hoạch đề ra và không có sự cố thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Các đơn vị thủy điện đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, sẵn sàng các tình huống ứng phó trước mùa mưa bão 2021

Để ứng phó với công tác PCTT&TKCN sắp tới tại công trình thủy điện Sơn La, Lai Châu, theo ông Thế Anh, công ty đã đề ra nhiều phương án, xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập tại Nhà máy Thủy điện Sơn La và Nhà máy Thủy điện Lai Châu kết hợp phương án ứng cứu thông tin khi sự cố mất thông tin trong mùa lũ bão.

"Công ty đã kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng các thiết bị công nghệ và trang bị 14 trạm cảnh báo hạ du tại Sơn La, 5 trạm cảnh báo hạ du tại Lai Châu để kịp thời thông báo, cảnh báo đến bà con nhân dân khi tổ máy thay đổi chế độ, thay đổi lưu lượng tổ máy và khi thực hiện thao tác đóng/mở cửa xả điều tiết hồ chứa. Ngoài ra, hệ thống thiết bị quan trắc địa chấn công trình thủy điện Sơn La với 11 trạm thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời số liệu khí tượng, thủy văn... Công ty cũng đã sẵn sàng chuẩn bị tốt vật tư, thiết bị, nhân lực, phương tiện, nhu yếu phẩm theo đúng phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng để ứng phó với mùa mưa bão năm nay” – ông Thế Anh cho biết.

Tại Điện Biên, nhiều nhà máy thủy điện cũng đã hoàn tất công tác PCTT&TKCN. Cụ thể như Nhà máy Thủy điện Pa Khoang thuộc Công ty TNHH Pa Khoang Điện Biên (bản Vang, xã Pá Khoang, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh với công suất 2,4M. Hàng năm, nhà máy đã đóng góp không nhỏ phục vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh cũng như tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương.

Theo ông Mai Duy Thiện – Chủ tịch Công ty TNHH Pa Khoang Điện Biên cho biết: Mặc dù mỗi năm nhà máy chỉ hoạt động từ 7-8 tháng do phải nghỉ tích nước từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 12, song sản lượng trong năm 2020 của nhà máy đã đạt 3.585.054 kWh. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng nhà máy đã vượt năm qua, đạt 4.404.244 kWh.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cùng đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thực tế tại Công ty Thủy điện Sơn La

Theo ông Thiện, để đảm bảo công trình vận hành an toàn, hiệu quả và bền vững, Nhà máy Thủy điện Pa Khoang luôn luôn tuân thủ tốt công tác quản lý chất lượng công trình, lập và lưu trữ hồ sơ tài liệu, bảo hành, bảo trì, vận hành công trình theo đúng quy định; kiểm tra duy tu bảo dưỡng công trình định kỳ. Tiến hành kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, kịp thời xử lý, hiệu quả các tình huống có thể xảy ra trước, trong và sau mùa lũ.

"Đặc biệt, để chủ động ứng phó với các sự cố do thiên tai trong mùa mưa bão năm nay, Nhà máy Thủy điện Pa Khoang đã tiến hành xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với tình hình, nguồn lực hiện có của đơn vị. Nhà máy cũng luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu ở địa phương, thực hiện nghiêm túc, triệt để các quy định về quan trắc mực nước hồ hằng ngày cũng như theo dõi quy trình vận hành xả lũ của hồ chứa nước Pa Khoang. Đồng thời, thực hiện phương châm 4 tại chỗ để chủ động ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn cho người và tài sản" - ông Thiện thông tin.

Không được chủ quan, lơ là

Theo báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh Điện Biên và Sơn La, các đơn vị thủy điện trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống thiên tai như xây dựng phương án kiểm tra, ứng phó; báo cáo thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thiết bị, phương tiện, nhân lực sẵn sàng ứng phó với sự cố xảy ra.

Ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Điện Biên cho biết, Sở Công Thương tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị đảm bảo vận hành các nhà máy thủy điện, hồ chứa, đặc biệt duy trì điều tiết, khai thác, chấp hành tốt quy định vận hành xả lũ, đảm bảo sinh hoạt, sản xuất đối với hạ du; Chỉ đạo các công ty điện lực đảm bảo các đường dây truyền tải an toàn, xử lý kịp thời các sự cố về điện.

 

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá cao sự chủ động tích cực của các đơn vị thủy điện trong việc việc thực hiện tốt các quy định về vận hành và chỉ đạo năm về phòng chống lũ lụt

Ngoài ra, Sở Công Thương Điện Biên cũng tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị trên địa bàn, yêu cầu các đơn vị bổ sung công tác, diễn tập phòng chống thiên tai, sau mùa mưa lũ cũng được quan tâm. Tập trung các đơn vị trong toàn ngành, củng cố, phân công, các đơn vị doanh nghiệp bổ sung, nắm bắt tình hình diễn biến thời tiết, chỉ đạo các đơn vị khắc phục những hậu quả, những vùng có nguy cơ gây mất an toàn, chủ động kịp thời những tình huống xảy ra trong mùa mưa lũ.

Thực hiện kế hoạch của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Trung ương 2021, mới đây, đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai, bão lụt tại 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La. Tại buổi làm họp với các đơn vị, Thứ trưởng đánh giá cao sự chủ động tích cực của các đơn vị thủy điện trong việc thực hiện tốt các quy định về vận hành, liên hồ chứa, và chỉ đạo năm về phòng chống lũ lụt.

“Về cơ bản, các đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó trước mùa mưa bão. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, lơ là, cần tiếp tục nâng cao sự chủ động, sẵn sàng trong mọi tình huống. Kiểm tra theo đúng quy trình, quy định của pháp luật và theo đúng kinh nghiệm của các công ty trong mọi vấn đề liên quan để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình cũng như cho hạ lưu” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu các tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng khó, khắc phục hậu quả do thiên tai. Đồng thời, các cấp, các ngành, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, phương án PCTT&TKCN của cấp mình, ngành mình phù hợp với tình hình thực tế; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu, thủy văn; thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước đảm bảo an toàn trong công tác PCTT&TKCN trong mùa mưa bão 2021.

Theo Báo Công thương

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: