Các địa phương tập trung ứng phó với nắng nóng, hạn mặn

Đăng ngày: 06-05-2020 | Lượt xem: 1266
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng-thủy văn quốc gia, hôm nay 6-5, ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 đến 38 độ C, riêng vùng núi Bắc Bộ, các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có nơi hơn 39 độ C.

Kỹ sư Công ty Thủy điện Hòa Bình kiểm tra, bảo dưỡng tổ máy trước mùa mưa bão. Ảnh: DƯƠNG LINH

Từ ngày 7 đến 10-5, cường độ nắng nóng tiếp tục gia tăng. Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37 đến 40 độ C, có nơi hơn 40 độ C. Các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ, cục bộ ở Nam Trung Bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 đến 37 độ C, có nơi hơn 37 độ C. Khu vực Hà Nội có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất từ 36 đến 38 độ C. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: Cấp 1.

★ Từ hôm nay 6-5 đến ngày 10-5, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng dần và đạt mức cao nhất vào cuối tuần. Ðộ mặn cao nhất trong đợt này tại các trạm ở mức tương đương và cao hơn thời gian từ ngày 21 đến 30-4. Chiều sâu ranh mặn 1g/lít tại sông Vàm Cỏ Ðông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn từ 90 đến 135 km; sông Cửa Tiểu, Cửa Ðại phạm vi xâm nhập mặn từ 55 đến 70 km... Chiều sâu ranh mặn 4g/lít tại sông Vàm Cỏ Ðông, Vàm Cỏ Tây phạm vi xâm nhập mặn từ 80 đến 125 km; sông Cửa Tiểu, Cửa Ðại phạm vi xâm nhập mặn từ 50 đến 55 km; sông Hàm Luông phạm vi xâm nhập mặn 60 đến 75 km...

★ Công ty Thủy điện Hòa Bình cho biết, tổng lượng nước về hồ Hòa Bình trong bốn tháng đầu năm 2020 ở mức rất thấp, chỉ đạt 4.167 triệu mét khối bằng 89% trung bình nhiều năm. Hiện, công ty đang bảo dưỡng các công trình thiết bị liên quan trực tiếp đến chống lũ, bão như: các tổ máy; công trình đập tràn xả lũ, thiết bị thông tin liên lạc… phấn đấu hoàn thành trước mùa mưa bão.

★ Tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2020. Theo đó, các nguồn hỗ trợ của bộ, ngành Trung ương và nguồn ngân sách địa phương về phòng, chống thiên tai (PCTT), sẽ được phân bổ để mua sắm các phương tiện phục vụ công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”. Ðồng thời, cũng tranh thủ thêm nhiều nguồn vốn xã hội hóa khác cho công tác PCTT...

★ Nhằm đối phó tình hình hạn mặn trong mùa khô hạn 2019 - 2020, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư 227 tỷ đồng thực hiện nhiều công trình như: nạo vét kênh mương nội đồng trữ nước ngọt, phục vụ bơm tát chống hạn, tổ chức bơm chuyền hai - ba cấp cứu lúa tại những nơi khó khăn, vận chuyển nước ngọt về tưới chống hạn cho các vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản...

★ Ngày 5-5, Tổng cục Thủy lợi kiểm tra công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 tại tỉnh Bến Tre. Năm nay, xâm nhập mặn khiến 5.000 ha lúa đông xuân; hàng chục nghìn héc-ta dừa, cây ăn quả, rau màu bị thiệt hại; hơn 86 nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt... Hiện, tỉnh đang nạo vét 260 km kênh mương; sửa chữa, nâng cấp 19 công trình cống, sáu bờ bao. Vận hành hồ Kênh Lấp với trữ lượng 800 nghìn mét khối, phục vụ 200 nghìn hộ dân tại huyện Ba Tri; thực hiện đắp 17 công trình đập tạm để ngăn mặn, trữ ngọt...

★ Theo tin từ Tổng Cục lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong tháng 4, cả nước đã phát hiện 1.080 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Tổng số vụ vi phạm đã được xử lý trong tháng là 826 vụ; trong đó, xử phạt hành chính 795 vụ, xử lý hình sự 31 vụ; tịch thu 800 m3 gỗ; thu nộp ngân sách 6,58 tỷ đồng. Lũy kế trong bốn tháng đầu năm, cả nước đã phát hiện 3.252 vụ vi phạm về lâm nghiệp với tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 252 ha.

★ Ðể tăng cường phòng, chống cháy rừng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã làm nhiều đường băng cản lửa; lắp đặt hơn 1.100 bảng, biển các loại; xây dựng 17 chòi canh lửa rừng, bốn trạm quan trắc, dự báo cháy rừng; 133 hồ, bể, đập, bồn chứa nước các loại để phục vụ chữa cháy rừng.

★ Ngày 5-5, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã phê duyệt kế hoạch thực hiện dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ” của tỉnh (JICA2), vay vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, với tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng. Dự án JICA2 triển khai tại tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2012 đến năm 2021, tại chín xã thuộc bốn huyện miền núi; gồm các hạng mục chính: trồng mới rừng phòng hộ; bảo vệ rừng tự nhiên; khoanh nuôi có trồng bổ sung và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; xây dựng cơ sở hạ tầng sinh kế và hỗ trợ phát triển sinh kế trong vùng dự án. Tổng vốn của dự án gần 290 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA là 246,8 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh 42,7 tỷ đồng.

Theo nhandan.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: