Cà Mau ứng phó trước nạn sạt lở bờ biển

Đăng ngày: 01-07-2021 | Lượt xem: 2161
Cà Mau là tỉnh cực Nam Tổ quốc có 3 mặt giáp biển. Tổng chiều dài bờ biển của tỉnh là 254km (bờ biển Tây dài 154km, bờ biển Đông dài 100km), trong đó có trên 80% tổng chiều dài bị sạt lở. Bờ biển Đông có chiều dài sạt lở nguy hiểm khoảng 48km, trong đó sạt lở rất nguy hiểm khoảng 29,5km, tập trung trên địa bàn các xã Tam Giang Đông (huyện Năm Căn); xã Đất Mũi, xã Tân Ân và thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển).

Bờ biển Tây sạt lở với chiều dài khoảng 57km, trong đó có nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ, hoặc đai rừng phòng hộ chỉ còn vài chục mét. Hiện, tình trạng sạt lở bờ biển Tây ngày càng nguy cấp hơn. Những cánh rừng phòng hộ ven biển dần biến mất nên đê biển Tây thường xuyên bị sóng to, gió lớn uy hiếp, nguy cơ vỡ đê rất cao, nhất là, vào mùa mưa bão, gió Tây Nam hoạt động mạnh cộng với triều cường dâng cao.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, từ ngày 2 đến 8-6 trên địa bàn tỉnh xảy ra 39 vụ sạt lở đất ven sông, ven biển với tổng chiều dài hơn 810m (trong đó có 199m đường bê tông), làm thiệt hại 19 căn nhà, hư hỏng 3 căn nhà, 3 trại tôm giống, ngã 2 trụ điện...

Sóng biển vượt qua kè hộ đê, bào mòn, gây sạt lở đai rừng phòng hộ ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau).

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ UBND tỉnh Cà Mau, cho biết tước những diễn biến sạt lở bờ biển ngày càng gia tăng, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định hộ đê khẩn cấp; huy động toàn lực, kể cả các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tập trung xử lý sạt lở, giảm thiệt hại thấp nhất do thiên tai gây ra, giúp người dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Đặc biệt, với tinh thần quyết liệt, tỉnh đã triển khai rất nhiều giải pháp để xử lý khắc phục sạt lở. Ngoài các giải pháp phi công trình (như tổ chức di dân, tái định cư; phát động phong trào trồng cây, gây rừng; tổ chức theo dõi diễn biến sạt lở ven biển về qui mô, cường độ, hướng dịch chuyển theo định kỳ...), tỉnh tập trung vào các giải pháp công trình kiên cố hóa đê biển, các công trình kè chống sạt lở, gây bồi tạo bãi, khôi phục rừng ngập mặn ven biển,...

Hiện Cà Mau đã thực hiện các giải pháp này với tổng chiều dài gần 49km (40km đê biển Tây và 9km đê biển Đông). Theo số liệu khảo sát mới nhất, phía sau công trình, bãi bồi đã hình thành, được bồi lấp liên tục theo từng năm. Bình quân chiều cao bãi được nâng lên từ 1 đến 1,5m phù sa so với trước khi có công trình. Cùng với việc phát huy hiệu quả giảm sóng, gây bồi, công trình còn tạo điều kiện tốt để trồng tái sinh rừng ngập mặn, đảm bảo an toàn cho nhà cửa dân cư phía trong đê cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân.

Để triển khai các giải pháp công trình và phi công trình ứng phó sạt lở bờ biển thời gian tới, tỉnh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính không áp dụng cơ chế vay lại các dự án ODA đối với các dự án ứng phó thiên tai, mà được áp dụng cơ chế ngân sách Trung ương cấp phát toàn bộ số vốn ODA đầu tư cho các dự án xây dựng đê biển, xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ chống sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, vì các dự án này không có khả năng thu hồi vốn.

Đặc biệt, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét có cơ chế để huy động vốn của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển, kết hợp với đầu tư khai thác du lịch sinh thái, điện gió, điện năng lượng mặt trời (các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư kè và được giao sử dụng đất rừng phòng hộ ven biển khôi phục thêm được từ dự án để kinh doanh du lịch sinh thái).

Cùng với đó, Trung ương sớm phân bổ kinh phí cho tỉnh Cà Mau xử lý tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển và nạo vét các cửa sông, cửa biển bị bồi lắng với tổng kinh phí khoảng 1.047 tỷ đồng, trong đó ưu tiên nguồn vốn xử lý đối với các công trình chống sạt lở khẩn cấp, đặc biệt nguy hiểm gần 800 tỷ đồng và kinh phí nạo vét các cửa sông, cửa biển bị bồi lắng trước mùa mưa bão năm 2021 khoảng 250 tỷ đồng…

Theo Báo Công an nhân dân

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: