Bảo đảm an toàn thoát lũ cho hạ du sông Ba

Đăng ngày: 08-12-2021 | Lượt xem: 1925
Trận lũ trong các ngày 30/11 và 1/12 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho vùng hạ du sông Ba. Ngoài nguyên nhân khách quan do trời mưa to, nguyên nhân chính dẫn đến tai họa bất ngờ lần này là do các thủy điện ồ ạt xả lũ.

Thủy điện sông Ba Hạ xả lũ.

Tại hội nghị trực tuyến mới đây với 8 tỉnh miền trung-Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường năng lực phòng chống, ứng phó, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, đặc biệt là khi xả lũ phải thông báo trước, đúng quy trình, quy định.

Bất cập trong điều tiết cắt lũ

Ngay trong ngày 30/11, Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ nâng mức xả lũ từ 4.000 m3/s lên 9.400 m3/s. Hồ thủy điện sông Hinh cùng lúc xả lũ 2.000 m3/s, cộng với lưu lượng nước từ các sông, suối khác đã đẩy một lượng nước khổng lồ về hạ du.

Do vậy, chỉ trong 15 giờ, đến tối 30/11, nước sông Ba tạo nên cơn lũ lịch sử, làm 8 người chết, 58.000 ngôi nhà bị ngập; giao thông, thủy lợi, môi trường bị tàn phá lớn chưa từng có. Lần đầu tiên tỉnh Phú Yên công bố rủi ro thiên tai cấp độ 3 và ban bố tình huống khẩn cấp sự cố công trình hệ thống thủy nông Đồng Cam được xây dựng gần 90 năm qua.

Ngay sau lũ, ngày 4/12, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cùng đoàn công tác Trung ương về tỉnh Phú Yên kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Ông Hiệp khẳng định: “Chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề trong quá trình thực hiện quy trình vận hành liên hồ lưu vực sông Ba hiện nay cần rút kinh nghiệm, chỉ đạo quyết liệt hơn và kỹ hơn. Bản thân quy trình hiện nay đang nghiêng nhiều về an toàn hồ chứa, chưa tính toán nhiều đến việc cắt lũ hạ du. Cần phải tính toán lại”. Quá trình thực hiện quy trình này, theo ông Hiệp vẫn còn một số điểm nổi cộm. Đó là khi có dự báo, cảnh báo mưa lũ đặc biệt lớn, các hồ chứa thủy điện, thủy lợi phải chủ động xả giảm xuống mực nước có lũ để đón lũ.

Cường độ lũ quá lớn, quá nguy hiểm cho người dân Phú Yên, khiến dư luận đặt vấn đề trách nhiệm cho chính quyền, chủ hồ và sự phối hợp xả lũ trên toàn hệ thống liên hồ chứa phía thượng nguồn sông Ba.

Tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Báo Nhân Dân ghi nhận, trên lưu vực sông Ba, đoạn qua địa phận tỉnh Gia Lai có 9 công trình thủy lợi, thủy điện. Trong đó, có 4 công trình vận hành tràn xả lũ có cửa van, do trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh theo dõi, vận hành bằng lệnh xả lũ (gồm thủy điện Ka Nak, An Khê, thủy lợi Ayun Hạ và Ia M’lah); 5 công trình thủy điện vận hành tràn tự do, khi mực nước vượt ngưỡng tràn nước sẽ tự đổ về hạ du không kiểm soát (gồm Đắk Srông, Đắk Srông 2, Đắk Srông 2A, Đắk Srông 3A và Đắk Srông 3B).

Tổng lưu lượng xả 3 hồ (An Khê, Ia M’lah, Ayun Hạ) với lưu lượng xả lớn nhất 530 m3/s (trong ngày 30/11) và đến ngày 2/12 là 76 m3/s. Lưu lượng này chỉ gần bằng 5% so lưu lượng xả qua thủy điện sông Ba Hạ, không phải là nguyên nhân gây ngập lụt cho hạ du, trong đó có tỉnh Phú Yên. Lượng nước đổ về hồ thủy điện sông Ba Hạ từ nhiều nguồn lưu vực rộng lớn từ Đắk Lắk, Gia Lai như: Thủy điện Krông H’Năng, thủy điện Đắk Krông và các sông suối khác trên địa bàn lưu vực rộng lớn, qua các đập tràn không kiểm soát với lưu lượng lớn mới là nguyên nhân tạo áp lực cho hồ thủy điện sông Ba Hạ. Tại Gia Lai, thủy điện Đắk Srông 3B là đập dâng thiết kế xả lũ tự do không kiểm soát, địa phương không ban hành lệnh xả lũ.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai đề xuất: “Về mặt khách quan, do không có tài khoản để quan trắc nên lưu lượng nước về qua các đập Đắk Srông 3A, Đắk Srông 3B kể cả Gia Lai cũng như Phú Yên không thể biết sớm và chính xác được, nên sẽ bị động cho phía hạ du. Chúng tôi đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương cấp tài khoản để tỉnh có thể vào xem thông tin vận hành các hồ thủy điện nhằm phục vụ công tác điều hành phòng, chống thiên tai”.

Cần sớm có giải pháp

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thủy điện sông Ba Hạ có công suất 220 MW với 2 tổ máy, sản lượng điện hằng năm 835 triệu kWh, ngay từ lúc khảo sát, bên tư vấn đã đặt vấn đề dung tích hồ thủy điện sông Ba Hạ phải chứa được 1 tỷ m3 nước, ít nhất phải 800-850 triệu m3. Nhưng cuối cùng hồ chứa nước chỉ có dung tích hơn 165 triệu m3 nên không thể cắt lũ, điều tiết lũ đối với hạ lưu.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên nói: “Chúng tôi thấy rằng với hồ chứa có dung tích chỉ 165 triệu m3 như hồ thủy điện sông Ba Hạ, việc vận hành liên hồ chứa như thường lệ gặp khó khi các hồ bên trên xả lũ lượng cực lớn như vừa rồi. Do đó, tại thời điểm đó, tôi phải kiến nghị khẩn với bộ chức năng để chỉ đạo hai thủy điện bên trên phải giảm bớt xả lũ, đồng thời yêu cầu hai thủy điện sông Ba Hạ và sông Hinh giảm bớt lượng xả trong tối 30/11 khi thủy triều dâng cao, dù nước về hồ lúc đó lớn hơn. Chính vì thế nên lũ lụt ở hạ du sông Ba vừa rồi lớn, nhưng nếu không điều hành xả lũ linh hoạt thì lũ còn nghiêm trọng hơn”.

Theo ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, qua vụ việc này, tỉnh đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành Trung ương rà soát, kiểm tra, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định số 878/QĐ-TTg, ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ để phù hợp điều kiện thực tế và biến đổi khí hậu, bồi lắng, thoát lũ hiện nay.

Đồng thời sớm số hóa quy trình vận hành liên hồ chứa, cung cấp tài khoản cho các địa phương theo dõi, chỉ đạo, công khai minh bạch trách nhiệm để chủ động làm tốt công tác chỉ đạo, vận hành tại địa phương. Trung ương sớm quan tâm đầu tư triển khai các giải pháp một số hồ chứa và các công trình phòng tránh thiên tai khác trên lưu vực sông Ba để nâng cao khả năng tích nước, cắt lũ vào mùa mưa và tích nước phục vụ sản xuất sinh hoạt vào mùa khô.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, có hai giải pháp xử lý những khiếm khuyết, tồn tại trong việc xả lũ liên hồ gây ngập lụt vùng hạ du sông Ba vừa qua. Thứ nhất là giải pháp phi công trình, vận hành liên hồ chứa. “Chúng tôi sẽ tham mưu, tính toán lại quy trình vận hành xả lũ liên hồ chứa ở toàn bộ lưu vực sông Ba, tính toán chi tiết là hồ nào xả vào lúc nào để cắt lũ bớt cho các hồ bậc thang bên dưới và xả phải xen kẽ nhau, có như thế mới giảm ngập lụt cho hạ du. Thứ hai, là giải pháp về công trình, sẽ nghiên cứu nâng dung tích hồ chứa, giao một số hồ thủy điện xây mới các hồ thủy lợi để tăng dung tích cắt lũ lên tối thiểu phải 1 tỷ m3 để cắt lũ cho hạ du ■

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho biết, lưu vực sông Ba rộng đến 13.000 km2, có 280 hồ chứa tích nước đến 1,6 tỷ m3, nhưng chỉ có 6 hồ trong số đó có khả năng cắt lũ với dung tích khoảng 530 triệu m3.

Nguồn: nhandan.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: