Hội thảo "Thông tin báo chí dự báo xu thế tình hình khí tượng thủy văn (KTTV) năm 2025 và triển khai kế hoạch phối hợp thông tin giữa cơ quan KTTV và các cơ quan báo chí, truyền thông"

Đăng ngày: 17-01-2025 | Lượt xem: 74
Sáng ngày 17/1/2025, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn (KTTV) tổ chức hội thảo “Thông tin Báo chí dự báo xu thế Khí tượng Thủy văn năm 2024 và triển khai kế hoạch phối hợp thông tin giữa cơ quan Khí tượng Thủy văn và các cơ quan báo chí truyền thông", Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường tham dự và chỉ đạo tại hội thảo.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Đây là Hội thảo thường niên do Tổng cục KTTV tổ chức trước mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường nhận định năm 2024 là một năm đặc biệt với nhiều kỷ lục về thiên tai. Nhiệt độ trung bình toàn cầu và Việt Nam đã lập kỷ lục mới, cao hơn bao giờ hết. Tại Việt Nam cũng đã trải qua một mùa hè kỷ lục với đợt nắng nóng kéo dài đến 47 ngày tại Nam Bộ. Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, nhưng với sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục KTTV và các đơn vị truyền thông trong lĩnh vực KTTV, chúng ta đã cùng nhau vượt qua thách thức, giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ cộng đồng một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, năm 2024 cũng chứng kiến sự xuất hiện của bão Yagi, cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong vòng 30 năm qua tại Biển Đông. Bão Yagi không chỉ mang đến gió mạnh cấp 14, giật cấp 17 tại Quảng Ninh - Hải Phòng mà còn gây ra lũ lụt lớn và sạt lở đất ở nhiều khu vực khác nhau ở Bắc Bộ do mưa lớn sau khi bão đi qua. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đã phải hứng chịu hậu quả nặng nề với các đợt lũ diện rộng, gây thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng và đời sống người dân.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo tại Hội thảo

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết: Ở Việt Nam, nhiệt độ từ tháng 01 đến tháng 12 nói chung cao hơn từ 0,5°C đến 1,5°C so với mức trung bình. Đặc biệt, nhiệt độ vào tháng 04 rất cao, vượt trội mức trung bình lên đến 4°C ở các khu vực phía Bắc. Nhiệt độ trung bình cả nước năm 2024 là 24,87°C, cao hơn so với TBNN (thời kỳ 1991-2020) là 1,1°C. Với mức nhiệt độ trung bình này, chuẩn sai nhiệt độ năm 2024 của Việt Nam cao hơn trung bình toàn cầu 0,38°C và năm 2024 là năm có nhiệt độ trung bình năm toàn quốc cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc của Việt Nam.

Số lượng bão năm 2024 ở mức xấp xỉ so với mức trung bình với 10 cơn bão và 01 áp thấp nhiệt đới, nhưng đã xảy ra bão rất mạnh và siêu bão gây ra tác động đáng kể. Trong đó, bão Yagi, cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong vòng 30 năm trên Biển Đông, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Quảng Ninh-Hải Phòng, gây ra gió mạnh cấp 10-12, giật cấp 13-15, riêng trạm Bãi Cháy mạnh cấp 14, giật cấp 17. Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8-10, giật 12-14. Thành phố Hà Nội có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Những trận lụt lớn xảy ra thành nhiều đợt trong năm, với một số khu vực ghi nhận mức nước lũ lịch sử vượt qua các mức báo động 1, 2, một số sông vượt báo động 3. Miền Trung và miền Bắc của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lớn, cộng thêm tác động của bão đã gây ra lụt lộng rộng khắp và gây thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng và tài sản. Tại các tỉnh Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi xuất hiện 5 đợt lũ diện rộng, đặc biệt từ ngày 07-15/9 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (Yagi), trên phần lớn các sông ở Bắc Bộ  đã xuất hiện 01 đợt lũ lớn và lũ lịch sử như trên sông Thao tại Lào Cai, Bảo Hà, Yên Bái; sông Chảy tại thủy điện Thác Bà; sông Đáy tại Phủ Lý; sông Cầu tại Gia Bẩy, Phúc Lộc Phương; sông Ninh Cơ tại Trực Phương; sông Kinh Môn tại An Phụ, sông Gùa tại Bá Nha, sông Trà Lý tại Thái Bình. Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội đã lên mức 11,30m, dưới BĐ3: 0,2m (mức lịch sử 20 năm qua), hạ lưu sông Thái Bình tại Phả Lại lên mức 6,25m, trên BĐ3: 0,25m, là đỉnh lũ lớn nhất từ năm 2003 đến nay. Đã có 20/25 tỉnh, thành phố phía Bắc xảy ra ngập lụt diện rộng. Do mưa lớn trong cơn bão số 3, tại các tỉnh miền núi Bắc Bộ đã xảy ra một chuỗi thiên tai lũ quét và sạt lở đất, nghiêm trọng nhất là trận lũ quét kinh hoàng xảy ra vào sáng 10/9/2024 tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.Hạn hán và xâm nhập mặn cũng là những vấn đề đáng kể, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi xâm nhập mặn sớm và gay gắt đã ảnh hưởng đến nông nghiệp và cuộc sống hàng ngày. 

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV phát biểu tại Hội thảo

Dự báo tình hình KTTV năm 2025, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV nhận định: hiện tại, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương (SSTA Nino 3.4) đang ở mức thấp hơn TBNN là -0,7oC trong tuần giữa tháng 01/2025. Dự báo, nhiệt độ mặt nước biển khu vực Nino 3.4 trong tháng 1 sẽ còn duy trì ở mức thấp hơn TBNN từ -0,5 đến -0,7 với xác suất gần 90%. Trong 3 tháng tiếp theo (tháng 02-4/2025) nhiệt độ mặt nước biển khu vực Nino 3.4 tăng chậm, duy trì ở mức thấp hơn TBNN dưới -0,5oC với xác suất khoảng 55-65%. Sau đó, hiện tượng ENSO có khả năng trở lại trạng thái trung tính với xác suất từ 55-65% trong khoảng thời gian 3 tháng (3, 4 và 5/2025) và có khả năng sẽ duy trì trạng thái trung tính trong những tháng còn lại của năm 2025.

Như vậy hiện tượng ENSO ở trong điều kiện La Nina có thể tồn tại trong thời gian ngắn (có thể chỉ trong vài tháng đầu năm 2025, chưa đủ dài để đạt chỉ tiêu về thời gian duy trì để xác định một chu kỳ La Nina), sau đó khả năng cao sẽ dần trở lại trạng thái trung tính và với diễn biến như vậy thì thời tiết, khí hậu năm 2025 cần lưu ý một số điểm như sau:

Trong điều kiện La Nina, ở khu vực Thái Bình Dương gió tín phong sẽ mạnh hơn trung bình, hoạt động đối lưu sẽ suy giảm ở khu vực gần Trung tâm Thái Bình Dương và gia tăng trên phần phía Tây Thái Bình Dương. Điều này sẽ khiến khu vực Đông Nam Á, đặc biệt khu vực Indonesia trong đó gồm cả khu vực phía nam của Việt Nam mưa sẽ có xu hướng cao hơn trung bình trong những tháng đầu năm 2025 (có khả năng khu vực phía Nam Việt Nam xuất hiện mưa trái mùa cục bộ trong những tháng mùa khô).

Hoạt động của bão, ATNĐ: Nhận định mùa bão trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện tương đương so với TBNN (khoảng tháng 6), số lượng bão/ATNĐ trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền có khả năng ở mức xấp xỉ TBNN (TBNN trên Biển Đông khoảng 11-13 cơn, ảnh hưởng đến đất liền khoảng 5-6 cơn). Nắng nóng: Hiện tượng nắng nóng có khả năng xuất hiện tương đương so với TBNN: nắng nóng có khả năng bắt đầu xuất hiện tại khu vực Nam Bộ vào khoảng nửa đầu tháng 3; khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây Bắc Trung Bộ vào khoảng tháng 4 và phía Đông Bắc Bộ, khu vực ven biển Trung Bộ từ khoảng tháng 5 trở đi. Nhiều khả năng nắng nóng trong năm 2025 sẽ không gây gắt và kéo dài như năm 2024.  

Dự báo Không khí lạnh hoạt động tương đương TBNN nên sẽ có khả năng xảy ra rét đậm, rét hại trong giai đoạn từ tháng 01-3/2025, trong đó cần đề phòng xuất hiện các đợt KKL có cường độ mạnh gây rét đậm, rét hại trên diện rộng, băng giá, sương muối ở khu vực vùng núi phía Bắc.

Tình hình mưa lớn diện rộng: Trong năm 2025 số đợt mưa lớn diện rộng xảy ra trên toàn quốc và ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm (khoảng 20 đợt). Các đợt mưa lớn diện rộng có khả năng bắt đầu từ tháng 6 ở Bắc Bộ, sau đó chuyển dần về phía nam và kết thúc vào khoảng tháng 12 ở các tỉnh Trung Bộ. 

Triều cường tại ven biển Đông Nam Bộ: Ven biển phía Đông Nam Bộ có 06 đợt triều cường cao, vào các ngày 01-06/3, 28/3-03/4, 27/4-03/5, 07-13/10, 04-10/11 và 04-10/12. Trong đó, đợt triều ngày 04-10/11 và 04-10/12, mực nước trạm Vũng Tàu có thể đạt trên 4,3m. Trong mùa khô đầu năm 2025, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn TBNN, từ tháng 02-4/2025 xâm nhập mặn tăng cao gây ảnh hưởng đến dân sinh, nông nghiệp tại các địa phương, tuy nhiên tình trạng xâm nhập mặn không nghiêm trọng như mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020. Từ tháng 3-7/2025, tình hình khô hạn thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi có khả năng xảy ra tại các tỉnh Phú Yên đến Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk.

Toàn cảnh Hội thảo

Trong dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ, có rất ít khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông; trong giai đoạn trước Tết thời điểm từ 17-25/01 (18-26 tháng Chạp), khu vực Bắc Bộ sáng có sương mù nhẹ, ngày trời nắng ráo trời tiếp tục rét; khu vực Trung Bộ, vùng từ Thanh Hóa-Huế, nhiều mây, hầu như không mưa, trời rét; khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận không mưa, đêm và sáng trời rét, ngày trời nắng nhẹ; Tây Nguyên và Nam Bộ đêm và sáng sớm mây nhiều, có sương mù và sương mù nhẹ, ngày trời nắng, không xảy ra nắng nóng.  Giai đoạn những ngày chính Tết (26-31/01, tức 27 Tết đến 03 Tết): Miền Bắc chịu tác động của gió mùa Đông Bắc, nền nhiệt độ ở mức xấp xỉ so với TBNN, trời rét, vùng núi có rét đậm, phía đông Bắc Bộ có ngày có mưa nhỏ, mưa phùn.  Khu vực Bắc Trung Bộ có mưa nhỏ vài nơi, trời rét. Khu vực Trung và Nam Trung Bộ có mưa, mưa rào rải rác (thời gian mưa tập trung vào trước ngày 28/1 (29 Tết). Tây Nguyên và Nam Bộ: Phổ biến ít mưa, trời nắng (không xảy ra nắng nóng).  Trong dịp Tết nguyên đán 2025, khu vực ven biển miền Đông Nam Bộ sẽ chịu ảnh hưởng của một đợt triều cường diễn ra từ ngày 30/01-02/02/2025 (mùng 2-5 Tết), đỉnh triều cao nhất trong đợt này có thể đạt 4,1m, gây ngập úng cục bộ cho một số khu vực ven biển, cửa sông.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Hoàng Đức Cường cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của các đại biểu và cho rằng hội thảo đã đánh giá tổng quan về tình thình thiên tai ở Việt Nam và trên thế giới năm 2024; cung cấp thông tin về dự báo xu thế khí tượng thủy văn và thiên tai KTTV năm 2025 cũng như thời tiết dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Năm 2024 đã chứng kiến nhiều biến động của thiên tai trên toàn thế giới và Việt Nam với nhiều kỷ lục, với các cơn bão, lũ lụt và động đất gây ra nhiều thiệt hại đáng kể. Những cố gắng của chúng ta trong việc cung cấp thông tin, đề xuất biện pháp ứng phó và hỗ trợ cho những khu vực bị ảnh hưởng đã đóng góp vào việc giảm thiểu tổn thất và hỗ trợ phục hồi. Tuy nhiên, ngành KTTV cũng không ngừng nhắc nhở về sự cần thiết của việc chuẩn bị và ứng phó với các tình huống khẩn cấp tiềm ẩn. Năm 2025 được dự báo có sự xuất hiện của hạn hán, xâm nhập mặn và nắng nóng dịp đầu năm; mưa, bão, lũ từ giữa đến cuối năm. Đặc biệt, với Tết Ất Tỵ sắp đến, ngành sẽ thực hiện đúng kế hoạch dự báo phục vụ để đảm bảo an toàn và thuận lợi cho mọi người trong kỳ nghỉ này. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, phối hợp và thông tin đến cộng đồng để mọi người có thể chuẩn bị và ứng phó tốt nhất trong mọi tình huống.

Trong năm 2025 là năm Ngành KTTV Việt Nam Kỷ niệm 80 xây dựng và phát triển, các sự kiện hoạt động thiết thực sẽ được xây dựng, hưởng ứng trong cả năm 2025, ông cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chia sẻ đồng hành của các cơ quan báo chí truyền thông đặc biệt là phóng viên nhà báo luôn theo dõi sát cánh cùng ngành KTTV trong các phong trào và hoạt động. Cuối cùng thay mặt cho Lãnh đạo Tổng cục KTTV, xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ và đóng góp của quý vị trong hội thảo này. Xin chúc quý vị sức khỏe, may mắn và thành công trong mọi nỗ lực của mình.

Ảnh kỉ niệm tại Hội thảo

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: