Trao đổi với Ông Trần Quang Năng, Phó Vụ Trưởng Vụ Quản lý Dự báo, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) về tình hình thiên tai Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2024 và tầm quan trọng của việc chủ động hành động trước thiên tai, Ông cho biết:

PV: Xin ông/bà chia sẻ về những khó khăn mà công tác dự báo khí tượng thủy văn gặp phải trong tình hình biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng hiện nay?

Chuyên gia: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, công tác dự báo khí tượng thủy văn đối diện nhiều thách thức. Các hiện tượng thời tiết cực đoan biến động mạnh hơn, nhanh hơn cả về không gian và thời gian, dẫn đến rất khó giám sát và dự báo. Có hiện tượng như mưa dông cục bộ xảy ra ở phạm vi hẹp, nằm ngoài phạm vi hệ thống quan trắc hiện có. Hiện nay, mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia vẫn còn thưa, đặc biệt là trên biển và vùng núi. Cơ sở vật chất và trang thiết bị quan trắc KTTV, mặc dù đã được đầu tư, nhưng chưa đáp ứng đủ yêu cầu thực tế, đặc biệt công nghệ quan trắc tự động chưa được triển khai rộng rãi, gây khó khăn cho công tác dự báo đòi hỏi ngày càng cao và chính xác. So với một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, mật độ trạm quan trắc của Việt Nam vẫn thấp, đặc biệt là ở những vùng hẻo lánh. Do đó, mặc dù đã nỗ lực trong công tác dự báo và cảnh báo, nhưng vì hạn chế về công nghệ quan trắc và giới hạn khoa học, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu chủ động phòng chống các loại hình thiên tai xảy ra trong thời gian ngắn và phạm vi hẹp như mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất. Đây cũng là thách thức chung của các cơ quan dự báo trên thế giới và cần được đầu tư nghiên cứu để cải tiến trong những năm tới.

PV: Xin ông/bà chia sẻ về những dự báo cho tình hình thiên tai tại Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2024

Chuyên gia: Hiện tượng ENSO hiện đang ở pha trung tính, nhưng từ tháng 7-9/2024 có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 65-75%. Tháng 7-8/2024, Bắc Bộ và miền Trung sẽ tiếp tục trải qua nắng nóng, có thể đặc biệt gay gắt. Bắc Bộ dự kiến có 1-2 đợt nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất lên tới 39 độ C, trong khi miền Trung có thể trải qua 3-4 đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trên 40 độ C. Dự báo có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó 5-7 cơn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung vào nửa cuối mùa bão (từ tháng 9-11/2024). Mưa lớn dự kiến xảy ra chủ yếu từ tháng 7-9 ở Bắc Bộ và tháng 9-11 ở Trung Bộ, có nguy cơ gây sạt lở, lũ quét và ngập úng đô thị, đặc biệt dưới tác động của La Nina vào nửa cuối năm 2024 sẽ cần đề phòng một năm mưa lũ nhiều ở miền trung.

PV: Ông/bà đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc chủ động hành động trước thiên tai? Theo ông/bà, để có thể chủ động hành động trước thiên tai thì cần những điều kiện gì?

Chuyên gia: Chủ động, hành động sớm để tăng cường khả năng chống chịu trước thiên tai là một chủ đề mà Liên hợp quốc đã phát động và nhấn mạnh trong những năm qua, nhằm nâng cao nhận thức của các quốc gia về cảnh báo, dự báo và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó trước thiên tai. Việc áp dụng các chính sách và chiến lược của Liên hợp quốc đã trở thành một phần quan trọng trong các hoạt động của Việt Nam, được triển khai tích cực trên nhiều lĩnh vực cả tại Trung ương và địa phương.

Để chủ động ứng phó trước thiên tai, công tác nâng cao nhận thức và năng lực ứng phó của cộng đồng là rất quan trọng. Việc này cần làm thường xuyên, liên tục, không chỉ trước mùa mưa lũ mà cả trước, trong và sau mỗi thiên tai, đối với cả người dân và các nhà lãnh đạo, nhằm nâng cao nhận thức về nguy cơ và biện pháp phòng chống. Bên cạnh đó, hệ thống dự báo và cảnh báo khí tượng thủy văn cần được đầu tư hiện đại, đảm bảo thông tin dự báo tin cậy, kịp thời và là một bộ phận rất quan trọng của hệ thống cảnh báo sớm phản ứng nhanh phòng chống thiên tai. Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống quản lý rủi ro và phòng chống thiên tai, hợp tác quốc tế là yếu tố quan trọng để tăng cường khả năng chủ động và bảo vệ an toàn cho cộng đồng.

Tạp chí KTTV