MỤC LỤC TẠP CHÍ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN THÁNG 2 NĂM 2021

Đăng ngày: 26-01-2021 File đính kèm
Số 722 * Tháng 2 năm 2021

TT

Tên bài và tác giả

Số trang

1

Xác định mối tương quan giữa nhiệt độ không khí với lượng CO2 trao đổi thuần của hệ sinh thái trong quá trình quang hợp của thực vật ngập mặn tại khu vực (huyện) Cần Giờ

Nguyễn Văn Thịnh1*, Đỗ Phong Lưu1, Hồ Công Toàn2, Trần Tuấn Hoàng2, Phạm Thanh Long2

1Trung tâm Nhiệt đới Việt–Nga, Chi nhánh phía Nam;

2Phân Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu;

Tóm tắt: Mục đích của bài báo này là xác định mối tương quan giữa lượng CO2 trao đổi thuần của hệ sinh thái (NEE) với nhiệt độ không khí trong quá trình quang hợp của thực vật ngập mặn, dựa trên chuỗi số liệu đo đạc tại tháp quan trắc khí hậu ở rừng ngập mặn Cần Giờ. Đầu tiên, chuỗi số liệu quan trắc về NEE và nhiệt độ không khí từ tháng 6/2019 đến 5/2020 được kiểm tra tính đồng nhất về mặt dữ liệu dựa trên các kiểm định Pettitt và kiểm định đồng nhất độ lệch chuẩn thông thường (Standard Normal Homogeneity Test–SNHT). Tiếp theo, nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp xu thế Sen và kiểm định Mann–Kendall để đánh giá mức ý nghĩa thống kê của chuỗi số liệu NEE và nhiệt độ không khí. Kết quả phân tích cho thấy, với mức ý nghĩa 0,05, giá trị đo đạc NEE có xu thế giảm trong khoảng thời gian đo đạc, khoảng –1,23x10–7 (gC/m2.phút)/30 phút và nhiệt độ không khí có xu thế tăng 2,69x10–5 ( o C/30 phút) theo phương pháp đánh giá xu thế Sen. Cuối cùng, tương quan giữa NEE và nhiệt độ không khí trong quá trình quang hợp của thực vật ngập mặn được xác định dựa trên tương quan tuyến tính. Với mức ý nghĩa 0.05 trong 1 năm liên tục đo đạc NEE có tương quan nghịch, tuy nhiên, chỉ có 1,4% sự thay đổi của NEE được giải thích bởi nhiệt độ không khí theo phương trình hồi quy tuyến tính y = –0,237x + 6,551, xu thế cận trên y = –0,207x + 7,400 và xu thế cận dưới y = 0,267x + 5,703. Và cũng ở mức ý nghĩa đó, nghiên cứu đã xác định được mối tương quan tuyến tính giữa NEE và nhiệt độ không khí vào mùa mưa và mùa khô lần lượt là y = –0,003x + 0,089 và y = –0,498x + 13,641.

Từ khóa: Tương quan tuyến tính; Tính đồng nhất; Lượng CO2 trao đổi thuần của hệ sinh thái (NEE).

1

2

Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ giám sát hoạt động mạng lưới trạm khí tượng thủy văn

Vũ Ngọc Linh1, Nguyễn Minh Hải2*, Nguyễn Văn Lịch2, Trịnh Đăng Ba3

1Vụ Quản lý dự báo khí tượng thủy văn; vnlinh@monre.gov.vn

2Trung tâm Quan trắc khí tượng thủy văn;

3Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ;

Tóm tắt: Hiện nay việc sử dụng các sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, giám sát ở các ngành, lĩnh vực đang rất phổ biến và hiệu quả. Theo quy định của Luật Khí tượng thủy văn năm 2015, hồ sơ kỹ thuật các trạm là một trong các loại thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn cần được quản lý, giám sát. Nhằm đáp ứng các yêu cầu về quản lý hoạt động mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn theo hướng tự động, hiện đại, nghiên cứu này đã phát triển thành công bộ công cụ phần mềm quản lý hoạt động mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, phần mềm có thể cài đặt trên các thiết bị di động thông minh, cho phép người sử dụng dễ dàng truy cập, quản lý, theo dõi trực tuyến tình hình hoạt động của từng trạm quan trắc, giúp nhà quản lý có thể đưa ra các quyết định kịp thời để xử lý các tình huống, sự cố cũng như phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hằng ngày đối với hoạt động của mạng lưới trạm.

Từ khóa: Ứng dụng quản lý, giám sát mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn; Hồ sơ kỹ thuật trạm; Quản lý hoạt động trạm quan trắc khí tượng thủy văn.

15

3

Nghiên cứu xu thế biến đổi và dự tính khí hậu trong tương lai cho tỉnh Ninh Thuận

Nguyễn Hoàng Tuấn1*, Trương Thanh Cảnh1

1Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG.HCM-VN;

Tóm tắt: Mục tiêu của nghiên cứu là phân tích và dự tính xu thế biến đổi các yếu tố khí hậu trong tương lai của tỉnh Ninh Thuận. Phương pháp kiểm định phi tham số sẽ được sử dụng trong nghiên cứu này bằng hai phân tích Mann–Kendall và Theil–Sen. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy nhiệt độ trung bình có xu hướng tăng với trung bình năm tăng 0,01 o C, lượng mưa trung bình năm tăng thêm 11,01 mm, độ bốc thoát hơi tiềm năng tăng 0,013 mm, và độ ẩm trung bình năm giảm 0,01%. Bên cạnh đó, kết quả dư tính xu thế so với giai đoạn nghiên cứu cho thấy đến cuối thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình năm tăng 0,8 o C, lượng mưa tăng trên 880,8 mm, lượng bốc thoát hơi tiềm năng tăng 9,04 mm, và độ ẩm giảm 1,0%. Kết quả nghiên cứu đã đóng góp thêm vào cơ sở dữ liệu cho áp dụng kiểm định phi tham số trong lĩnh vực quản lí Tài nguyên và Môi trường. Cùng với đó, nghiên cứu đã cung cấp thêm cho địa phương một công cụ nghiên cứu về xu thế biến đổi đặc điểm khí hậu, giúp các cơ quan, tổ chức hiểu hơn về đặc điểm khí hậu để từ đó có những chiến lược, giải pháp để thích ứng và giảm nhẹ tác động của hạn hán đến kinh tế–xã hội của địa phương.

Từ khóa: Nhiệt độ; Lượng mưa; Độ ẩm; Bốc thoát hơi tiềm năng; Mann–Kendall; Theil– Sen.

23

4

Thử nghiệm tích hợp mô hình Tank và Sóng động học một chiều để dự báo thủy văn hạn vừa trên lưu vực sông

Ba Bùi Văn Chanh1*, Trần Ngọc Anh2,3, Nguyễn Quốc Huấn1, Nguyễn Thị Hoan1

1Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, Tổng cục Khí tượng Thủy văn;

2Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi Trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội;

3Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội;

Tóm tắt: Mô hình Tank đã được ứng dụng trong thời gian dài, ở nhiều nơi trên thế giới và trở thành công cụ hữu hiệu trong nghiệp vụ dự báo hiện nay. Tuy nhiên, Tank là mô hình mưa dòng chảy thông số tập trung, không mô phỏng được quá trình truyền lũ và tập trung dòng chảy trên lưu vực nên mô phỏng còn hạn chế. Với các lưu vực nhỏ, mô hình Tank được đánh giá là sử dụng có hiệu quả cao vì quá trình tập trung và truyền dòng chảy ít ảnh hưởng đến diễn biến lưu lượng tại cửa ra. Ngoài ra, những tác động đáng kể của hồ chứa đến dòng chảy lưu vực cũng không được tính toán trong mô hình Tank nên chất lượng mô phỏng chưa cao. Để sử dụng mô hình Tank được cho lưu vực lớn và mô phỏng tác động của hồ chứa đến dòng chảy trong sông, nghiên cứu đã tích hợp mô hình Tank với mô hình Sóng động học một chiều phi tuyến và phương pháp diễn toán dòng chảy qua hồ Runge – Kutta bậc 3. Bộ mô hình tích hợp được ứng dụng thử nghiệm để dự báo thủy văn thời hạn 5 ngày trên lưu vực sông Ba cho kết quả mô phỏng và dự báo tốt hơn việc chỉ sử dụng mô hình Tank. Kết quả nghiên cứu đã xây dựng được công cụ dự báo thủy văn hạn vừa tại trạm thủy văn Củng Sơn tại Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ bằng việc ứng dụng bộ mô hình trên.

Từ khóa: Mô hình Tank; Sóng động học; Lưu vực sông Ba.

38

5

Nghiên cứu, xây dựng bộ công cụ lưu trữ, xử lý số liệu điện báo khí tượng, thủy văn, hải văn phục vụ công tác dự báo

Trịnh Thế Thành1, Trần Tuấn Hiệp1, Lê Hữu Huấn1, Đào Anh Công1*

1Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ;

Tóm tắt: Hằng năm, khu vực Bắc Trung bộ hứng chịu nhiều loại hình thời tiết nguy hiểm như Bão, Áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, lũ quét sạt lở đất, nắng nóng, hạn hán, rét đậm rét hại,… với cường độ và tần suất ngày càng tăng. Trong bối cảnh yêu cầu của xã hội về chất lượng, cũng như tính kịp thời của bản tin ngày càng cao, quy trình xử lý số liệu cũ thủ công và lạc hậu, vận hành không ổn định và có nhiều nhược điểm không thể khắc phục đã không còn khả năng đáp ứng và cần có một giải pháp khác để giải quyết triệt để những vấn đề này. Nhóm tác giả đã đề xuất và xây dựng thành công bộ công cụ giải mã và lưu trữ loại số liệu KTTVHV truyền thống cũng như xây dựng website hiển thị số liệu. Bộ công cụ cho thấy sự nhanh chóng, ổn định và tiện lợi cho việc khai thác các loại số liệu và góp phần nâng cao chất lượng dự báo cũng như tính kịp thời của các bản tin.

Từ khóa: Giải mã số liệu; Điện báo; Xử lý số liệu.

49

6

Nghiên cứu xác định năng lượng sóng biển khu vực Nam Trung Bộ

Ngô Nam Thịnh1,2*, Đỗ Vĩnh Nguyên1, Lê Thị Phụng1 , Nguyễn Thị Bảy3

1Trường Đại học Tài nguyên và Môi Trường Thành phố Hồ Chí Minh;

2Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh;

3Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG–HCM;

Tóm tắt: Năng lượng sóng biển là một dạng năng lượng tái tạo dựa trên việc sử dụng cơ năng từ dao động tuần hoàn của sóng biển để tạo ra điện. Năng lượng tái tạo từ sóng biển được đánh giá là một nguồn năng lượng sạch và hầu như không làm suy thoái môi trường. Theo đánh giá từ một công trình nghiên cứu của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam vào năm 2019, tổng công suất năng lượng sóng năm trên toàn dải ven biển Việt Nam đáp ứng được 90% nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam trong cùng kỳ. Vùng Nam Trung Bộ được xác định là nơi có trữ lượng năng lượng sóng lớn nhất trên toàn dải ven biển Việt Nam. Trong báo cáo này, các tác giả đã ứng dụng mô hình Mike 21 SW để tính toán đặc trưng sóng biển và xác định chuyển tải năng lượng sóng biển tại khu vực biển Nam Trung Bộ biến thiên trong hai mùa gió thịnh hành năm 2017.

Từ khóa: Năng lượng sóng biển; MIKE; Nam Trung Bộ.

58

7

Giới thiệu bộ công cụ mô hình Wflow trong mô phỏng dòng chảy các lưu vực sông Việt Nam. Phần 1: Mô hình Wflow_sbm

Trần Ngọc Anh1,2*, Nguyễn Văn Nguyên3, Đặng Đình Đức1, Nguyễn Thanh Tùng1, Phạm Duy Huy Bình1

1Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội;

2Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội;

3Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Tóm tắt: Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công cụ tính toán và năng lực máy tính, việc phát triển và ứng dụng các bộ mô hình thông số phân bố đang ngày càng được chú trọng và có xu hướng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thực tiễn về độ chi tiết theo không gian của các đầu ra mô hình. Nghiên cứu này nỗ lực giới thiệu đến với cộng đồng nghiên cứu Việt Nam bộ công cụ mô hình Wflow vốn đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới và là một mô hình mã nguồn mở đã được tích hợp trong bộ phần mềm hỗ trợ dự báo Delft– FEWS. Mô hình Wflow_sbm đã được thử nghiệm trên một số lưu vực thượng nguồn dòng chính sông Mã (đến trạm Xã Là) và sông Chu (đến hồ chứa Hủa Na) cho kết quả tương đối khả quan và cho thấy khả năng ứng dụng trong tương lai ở các lưu vực sông tương tự ở Việt Nam.

Từ khóa: Mô hình Wflow; Sông Mã; Mã nguồn mở; Mô hình thông số phân bố.

68

8

Đánh giá biến động cửa sông Tiên Châu, tỉnh Phú Yên bằng công nghệ viễn thám

Phạm Duy Huy Bình2*, Hoàng Thu Thảo1, Nguyễn Thanh Bình2

1Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội;

2Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội;

Tóm tắt: Cửa Tiên Châu, sông Kỳ Lộ nằm ở phía nam vịnh Xuân Đài thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Trong những năm gần đây cửa sông và khu vực trong cảng cá Tiên Châu bị bồi lấp rất nặng nề, tàu thuyền ra vào cảng khó khăn, đã có một số tàu khi vào cảng neo đậu bị nghiêng và chìm ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế của tỉnh. Để thực hiện việc nạo vét cát tại cửa sông hiệu quả cũng như phục vụ cho công tác thiết kế các công trình tại cửa sông sau này, việc nghiên cứu lịch sử biến động của cửa sông là rất cần thiết. Bài báo ứng dụng công nghệ viễn thám nghiên cứu hình thái khu vực cửa sông qua một giai đoạn dài từ năm 1988–2019, từ đó tìm ra được những xu thế biến động hình thái khu vực cửa sông Tiên Châu tỉnh Phú Yên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khu vực cửa sông bị bồi lấp chủ yếu gây bởi sự thay đổi của dải bờ biển phía Bắc cửa. Trong đó, chiều dài cửa sông dao động khá ổn định trong khoảng 50–150 m. Dải đường bờ phía Bắc cửa sông có xu thế cong lõm vào trong đất liền.

Từ khóa: Biến động cửa sông; Viễn thám; Ảnh vệ tinh; GIS.

77

Tin tiêu điểm
Tin mới nhất