Rác thải nhựa trên biển – Nỗi ám ảnh của đại dương

Đăng ngày: 29-03-2021 | Lượt xem: 19312
Rác thải nhựa và hạt vi nhựa được ghi nhận xuất hiện ở mọi nơi trong môi trường biển của Trái đất, kể cả dưới tầng sâu của Rãnh Mariana. Đặc biệt, rác nhựa trên biển có thể di chuyển và tản mạn xuyên biên giới.

Các đại dương trên thế giới hàng năm phải tiếp nhận hơn chín triệu tấn rác nhựa; điều này đe dọa môi trường sống và sự sinh tồn của các loài động vật hoang dã – với hơn 270 loài được ghi nhận có thể đã bị tổn thương bởi các ngư cụ bị vứt bỏ và các loại nhựa thải bỏ gây ra. Ngoài ra, 240 loài đã được ghi nhận có cá thể nuốt phải nhựa. Đây là vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe của hệ sinh thái biển và của loài người.

Vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa đại dương có liên quan đặc biệt đối với hầu hết chính phủ các quốc gia Đông Nam Á, do khu vực này là nơi gánh chịu phần lớn hệ quả từ sự quá tải và không hiệu quả của hệ thống tái chế toàn cầu. Ô nhiễm nhựa gây ra những tác động kinh tế tiêu cực đối với các ngành công nghiệp của khu vực, ước tính chạm mức 1,3 tỷ USD mỗi năm.

Từ những năm 1950, con người đã sản xuất ra 8.3 tỷ tấn nhựa, trong đó 6.3 tỷ tấn là rác thải nhựa. Chỉ một phần nhỏ lượng rác nhựa mà chúng ta thải ra được đem đi tái chế hoặc xử lý đúng cách. Trên thực tế, hơn 70% tổng số rác nhựa được đổ ra các bãi rác hoặc vứt bỏ trực tiếp ra môi trường tự nhiên. Trong năm 2010, các đại dương đã phải hứng chịu khoảng 8 triệu tấn rác nhựa. Từ nay tới năm 2025, lượng rác nhựa thải vào đại dương có thể lên tới 155 triệu tấn. Giữa bang California và Hawaii đã xuất hiện một vùng biển bị che phủ bởi rác nhựa nổi, với diện tích lên tới 1.6 triệu km2, được các nhà khoa học đặt tên là “Bãi rác Khổng lồ của Thái Bình Dương”. Tác hại của nhựa ngày càng nghiêm trọng khi có tới hơn 800 loài sinh vật biển bị ảnh hưởng trực tiếp bởi rác nhựa, đó là chưa kể đến hậu quả đối với sức khỏe con người.

Với đường bờ biển trải dài hơn 3.000 km và vùng lãnh hải dài hơn 12 hải lý, Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm đa dạng sinh học của các vùng biển nhiệt đới, sở hữu nguồn cá dồi dào và các hệ sinh thái biển đa dạng như các rừng ngập mặn, rặng san hô và thảm cỏ biển. Vậy mà hiện nay, tình trạng suy thoái tài nguyên và ô nhiễm đại dương nghiêm trọng đã và đang diễn ra, mặc dù Việt Nam mới chỉ khai thác một phần tiềm năng kinh tế biển.

Cũng trong năm 2010, với khoảng 1.8 triệu tấn rác thải nhựa không được quản lý đổ ra biển, Việt Nam đứng thứ tư trong số năm quốc gia xả rác nhựa ra biển nhiều nhất thế giới. Trong bối cảnh rác thải nhựa đã trở thành một cuộc khủng hoảng cấp quốc gia và toàn cầu, WWF-Việt Nam, một thành viên của mạng lưới Sáng kiến Không còn Rác nhựa ngoài Thiên nhiên do WWF Quốc tế sáng lập, kêu gọi tất cả các bên liên quan cùng xây dựng nên những thành phố sử dụng nhựa thông minh trên khắp cả nước. Để đạt được mục tiêu này, WWF-Việt Nam đang thực hiện đồng thời nhiều dự án giảm nhựa tại Phú Quốc, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Long An.

Nguồn ảnh: Báo Thiên nhiên

Được chính phủ và các đối tác tin tưởng trong việc giải quyết các vấn đề bảo tồn biển, WWF-Việt Nam đang tập trung vào hai lĩnh vực hoạt động nhằm bảo vệ hệ sinh thái biển và ven bờ, các loài nguy cấp và sức khỏe của con người thông qua:

Gia tăng số lượng nghề cá tham gia vào quá trình chuyển đổi hoặc cải tiến hoạt động để đạt được các mục tiêu đánh bắt bền vững, đặc biệt các nghề có hoạt động đánh bắt liên quan tới những hệ sinh thái biển quan trọng và có khả năng đánh bắt không chủ đích; Ngăn chặn ô nhiễm đại dương, đặc biệt là ô nhiễm biển do rác thải nhựa.

Để giảm thiểu lượng rác nhựa thải ra đại dương, chúng tôi đang triển khai mô hình Đô thị Giảm Nhựa nhằm vận động các đối tác liên ngành với các mục tiêu:

  • Các thành phố cam kết loại bỏ rác thải nhựa, ban hành và thực thi các chính sách mới để hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần;
  • Doanh nghiệp cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa trong bộ máy vận hành, thiết lập ra và duy trì một nền tảng chia sẻ kinh nghiệm hiệu quả giữa các doanh nghiệp;
  • Trường học triển khai các chương trình giảng dạy thay đổi hành vi cho học sinh;
  • Cộng đồng địa phương áp dụng các hệ thống thu gom và phân loại rác.

Trong thời gian tới, WWF-Việt Nam sẽ nỗ lực hơn nữa trên hành trình giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa cho đất nước của chúng ta và cho toàn thế giới.

Nguồn ảnh: Báo Lao động

Biên tập: Tạp chí Khí tượng Thủy văn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: