Người dân kêu trời vì nguồn nước sông ô nhiễm

Đăng ngày: 12-04-2021 | Lượt xem: 4385
Nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại khu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã trở thành vấn nạn của thủ đô Hà Nội, ô nhiễm làm khổ cả người dân khu vực hạ lưu là tỉnh Hà Nam, Ninh Bình. Khi các cơ quan chức năng chưa thể tìm ra giải pháp triệt để, người dân sống ven khu vực sông vẫn ngày ngày phải “sống chung với ô nhiễm môi trường trầm trọng”, chịu đựng mùi hôi thối bốc lên.

Ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm?

Không chỉ người dân Hà Nội phải chịu trận, nước sông Đáy, sông Nhuệ khu vực tỉnh Hà Nam, Ninh Bình cũng phải chịu ô nhiễm do các nhà máy, khu công nghiệp của Hà Nội và tỉnh Hà Nam xả thải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt của hàng chục nghìn hộ dân tại các huyện Kim Bảng, thị xã Duy Tiên, thành phố Phủ Lý tỉnh Hà Nam và tỉnh Ninh Bình.

Không chỉ là nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp, mà đáng báo động hơn, các con sông này còn là nơi cung cấp nước cho hơn 400 nghìn người dân của toàn thành phố Phủ Lý và hàng trăm nghìn công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp.

Theo Anh Trần Văn Kính (thôn Lê Lợi, xã Phù Vân, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) thì kể từ năm 2016 đến nay, nguồn nước trên các con sông trong khu vực năm nào cũng ô nhiễm. Đỉnh điểm, có những thời điểm ô nhiễm hết sức nghiêm trọng do các nhà máy, khu công nghiệp ở địa phương và TP. Hà Nội thải ra.

Do dòng sông bị ô nhiễm nên lượng tôm, cá bị giảm sút rõ rệt. Có thời gian, cá, tôm, thậm chí là cả cá dọn bể, một loại cá có thể sống trong môi trường ô nhiễm cũng nổi lên, chết trắng cả một khúc sông, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

 

 

 

Những người dân ở đây cho biết, nguyên nhân ô nhiễm của các con sông ở đây là không chỉ bở nước thải từ các nhà máy, khu công nghiệp của Hà Nội và trên địa bàn tỉnh Hà Nam xả ra, mà mỗi khi Hà Nội triển khai việc thau, rửa sạch dòng sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Nhuệ, kênh ô nhiễm khác lại xả ra hạ nguồn khiến con sông Đáy do nằm cuối nguồn nên “hứng” hết, nên nước sông càng trở nên ô nhiễm.

Một người dân ở xã Phù Vân, TP Phủ Lý, Hà Nam bức xúc cho biết, do nguồn nướ ô nhiễm nên những người mưu sinh từ đánh bắt tôm, cá, thủy sản, trồng rau muống trên các dòng sông thì hiện nay cũng phải bỏ vì không có loài thuỷ sản nào sốg nổi.

Người dân kêu trời vì nguồn nước sông ô nhiễm - Ảnh 1

Nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại khu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã trở thành vấn nạn của thủ đô Hà Nội.

Theo người dân, không chỉ nước sông bị ô nhiễm, mà có thời điểm nước máy của Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam khai thác từ nước sông Nhuệ cũng gây mẩn ngứa, khó chịu. Nguyên nhân là do nước thải từ các khu, cụm công nghiệp, các trang trại, nông trại chăn nuôi gia súc và nước thải sinh hoạt của người dân từ Hà Nội và tại địa phương xả ra. Ngoài ra, nguồn nước từ các dòng sông của Hà Nội mỗi khi chảy về hoặc thau rửa cũng gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam cho thấy, các dòng sông trên địa bàn, nhất là 2 con sông lớn là sông Đáy, sông Nhuệ năm nào cũng bị ô nhiễm. Đặc biệt, thống kê từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, lưu vực sông Nhuệ - Đáy vẫn là một trong những lưu vực sông có chất lượng môi trường nước sông kém nhất trong số các lưu vực sông khu vực phía Bắc.  

Được biết, theo kiến nghị của Công ty cổ phần tập đoàn Xây dựng và du lịch Bình Minh, ngày 12/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho UBND TP. Hà Nội khẩn trương nghiên cứu, giải quyết kiến nghị của công ty này mở thông nước từ sông Đà vào sông Tích tiếp cho sông Đáy để phục vụ thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình. Thủ tướng cũng giao UBND TP Hà Nội xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến việc triển khai Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích … sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng, góp phần cải thiện môi trường nước sông Tích, sông Đáy.

Mặc dù đã có chỉ đạo như vậy nhưng trên thực tế người dân xung quanh sông Tích, sông Đáy vẫn sống chung với ô nhiễm. Việc mở thông nước từ sông Đà vào sông Tích, sông Đáy vẫn không được thực hiện. Câu hỏi đặt ra là ai, cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm khi hàng ngày, hàng giờ người dân Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình phải hứng chịu bởi nguồn nước ô nhiễm?

Theo báo Đời sống và Pháp luật

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: