Nghiên cứu, hoàn thiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường theo chế định mới

Đăng ngày: 12-01-2022 | Lượt xem: 2915
Từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành nên Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu, hoàn thiện nội dung Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường theo các chế định mới của Luật Bảo vệ môi trường mới để ban hành và áp dụng cho năm 2022. Bộ cũng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện đánh giá kết quả bảo vệ môi trường cho năm 2021 theo Bộ chỉ số đã ban hành.

Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình ra quân chiến dịch thu dọn rác trên bãi biển trong chương trình “Hãy làm sạch biển - Tử tế với đại dương”. Ảnh tư liệu - minh họa: Võ Dung/TTXVN

Năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện đánh giá theo Bộ chỉ số này nên các địa phương có sự bổ sung, hoàn thiện đến cuối năm 2021. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, thẩm tra thông tin, số liệu trên cơ sở kết quả tự đánh giá việc thực hiện Bộ chỉ số do các địa phương gửi về và tổng hợp kết quả điều tra xã hội học của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

Theo đó, các địa phương được phân loại theo 3 mức là tốt, khá và trung bình. Mức tốt có 5 địa phương gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Trà Vinh. Đây là các địa phương đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu về bảo vệ môi trường đề ra hoặc có kết quả thực hiện cao như: tỷ lệ các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để; tỷ lệ chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường…, đồng thời có tỷ lệ đánh giá của người dân về chất lượng môi trường sống trên địa bàn ở mức hài lòng cao.

 Mức khá có 34 địa phương gồm Bắc Kạn, Bắc Giang, Bình Định, Cần Thơ, Cao Bằng, Đắk Nông, Điện Biên, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào Cai, Long An, Ninh Thuận, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Sơn La, Tây Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Tuyên Quang, Vĩnh Long. 

Mức trung bình có 24 địa phương gồm An Giang, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Đắk Lắk, Gia Lai, Hà Nội, Hậu Giang, Hòa Bình, Kiên Giang, Lai Châu, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Sóc Trăng, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Yên Bái.

Các địa phương được xếp ở nhóm này chủ yếu do chưa hoàn thành nhiều chỉ tiêu về bảo vệ môi trường đề ra hoặc có kết quả thực hiện thấp như: tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh nước thải từ 50 m3/ngày trở lên có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn; tỷ lệ các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh/thành phố theo quy định của pháp luật; tỷ lệ đánh giá của người dân về chất lượng môi trường sống trên địa bàn ở mức hài lòng thấp…. Trong đó có một số địa phương chưa có kết quả đánh giá một số chỉ số được quy định trong Bộ chỉ số do không tổ chức thực hiện thu thập, tổng hợp số liệu.

Căn cứ kết quả đánh giá, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt, có giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, cải thiện kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường ở những năm tiếp theo.

Nguồn: baotintuc.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: