LHQ ký kết thoả thuận ngăn chặn xả rác thải nhựa ra biển

Đăng ngày: 11-05-2019 | Lượt xem: 917
“Khoảng 180 quốc gia đã đạt được thỏa thuận vào ngày 10/5 nhằm giảm mạnh lượng nhựa xả vào các đại dương trên thế giới”, LHQ cho biết.
Các chai nhựa đã qua sử dụng trước khi được xử lý tại nhà máy tái chế nhựa Mr.Green ở Nairobi, Kenya vào ngày 25/6/2018. Ảnh: Reuters / Baz Ratner
Các chai nhựa đã qua sử dụng trước khi được xử lý tại nhà máy tái chế nhựa Mr.Green ở Nairobi, Kenya vào ngày 25/6/2018. Ảnh: Reuters / Baz Ratner

Các quốc gia nhất trí sửa đổi Công ước Basel để xây dựng thương mại toàn cầu về chất thải nhựa minh bạch hơn và được điều tiết tốt hơn, đồng thời đảm bảo việc quản lý an toàn hơn cho sức khỏe con người và môi trường.
“Tôi tự hào rằng tuần này tại Geneva, Thuỵ Sĩ, các bên tham gia Công ước Basel đã đạt được thỏa thuận về cơ chế quản lý chất thải nhựa có tính ràng buộc toàn cầu, ràng buộc về mặt pháp lý”, Rolph Payet, thư ký điều hành của cơ quan Môi trường LHQ tại các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm cho biết trong một tuyên bố.
“Ô nhiễm do chất thải nhựa là một vấn đề môi trường gây lo ngại trên toàn cầu, với ước tính 100 triệu tấn nhựa được tìm thấy trong các đại dương, 80-90% trong số đó đến từ các nguồn trên đất liền”, tuyên bố cho biết.
Theo Payet, các cuộc đàm phán bắt đầu từ 11 ngày trước và đã thu hút 1.400 đại biểu tham gia, con số lớn hơn nhiều so với dự đoán.
Các quan chức cho rằng để có thể cải thiện vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, một phần cần nâng cao nhận thức cộng đồng trên toàn thế giới bằng các bộ phim tài liệu của nhà tự nhiên học người Anh David Attenborough và những người khác nói về sự nguy hiểm của ô nhiễm nhựa đối với sinh vật biển.
Marco Lambertini, Tổng Giám đốc Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) cho biết trong một thời gian dài, các nước giàu có đã thoái thác trách nhiệm đối với lượng chất thải nhựa khổng lồ và hiệp định mới là một bước tiến đáng tự hào trong việc khắc phục sự mất cân bằng và tạo trách nhiệm.
“Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần của con đường chúng ta cần đi. Những gì chúng ta và hành tinh cần là một hiệp ước toàn diện để giải quyết cuộc khủng hoảng nhựa toàn cầu”, ông nhấn mạnh.
Payet cho biết các quy tắc mới sẽ tạo tác động lớn đến vấn đề ô nhiễm đại dương và đảm bảo nhựa sẽ không kết thúc ở nơi mà chúng không nên kết thúc.
Paul Rose, trưởng nhóm thám hiểm của cuộc thám hiểm vùng biển địa lý quốc gia đánh giá việc thay đổi dư luận trên toàn thế giới về ô nhiễm nhựa đã đóng một vai trò tích cực trong các cuộc đàm phán.
Các quy tắc mới sẽ mất một năm để có hiệu lực. Tuy nhiên, theo Payet, các quốc gia tham gia ký kết cho rằng họ không muốn kéo dài sự chậm trễ.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: