Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá

Đăng ngày: 28-05-2022 | Lượt xem: 2334
Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 25-31/5/2022 của Bộ TN&MT vào sáng 27/5 tại Hà Nội do Báo Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) và Trường Đại học TN&MT Hà Nội tổ chức. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại của thuốc lá Bộ TN&MT tham dự buổi Lễ.

Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay (31/5) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn thông điệp là “Thuốc lá – mối đe dọa tới môi trường của chúng ta” nhằm thông tin tới cộng đồng những tác hại của thuốc lá đối với môi trường. Thông qua chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của việc sử dụng thuốc lá tới môi trường, không hút thuốc lá để hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường sống và làm việc.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Báo TN&MT)

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết: Tại Bộ TN&MT, công tác phòng chống tác hại thuốc lá luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá được triển khai đến từng đơn vị, đặc biệt là việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

Bộ TN&MT và các đơn vị đều thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ công chức, viên chức, người lao động, như xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, đăng tải các có nội dung về công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trên Cổng Thông tin điện tử, Báo, Tạp chí của Bộ; thường xuyên tuyên truyền cập nhật các tin tức, văn bản, quy định pháp luật mới liên quan về phòng, chống tác hại thuốc lá, các mô hình, sáng kiến hay của các tập thể, cá nhân trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá... Đặc biệt, nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ đã xây dựng thành công mô hình “Văn phòng xanh không khói thuốc”, “Học đường không khói thuốc”…

Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị và kêu gọi toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên thanh niên Bộ tiếp tục tăng cường quán triệt, phổ biến và thực hiện nghiêm quy định của Luật Phòng chống thuốc lá; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại các đơn vị.

Đồng thời, Lãnh đạo các đơn vị gương mẫu thực hiện quy định không hút thuốc lá nơi làm việc và các địa điểm có quy định cấm hút thuốc; các đơn vị đưa tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn đánh giá thi đua của cán bộ, viên chức, người lao động; có hình thức động viên, khen thưởng các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác phòng chống tác hại thuốc lá.

Ngoài ra, tăng cường hơn nữa các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống tác hại thuốc lá; lồng ghép tuyên truyền xây dựng “môi trường không khói thuốc” và gương điển hình trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá....; có những hành động thiết thực để từ bỏ thuốc lá, tuyên truyền, vận động đồng nghiệp, người thân, bạn bè từ bỏ sử dụng, buôn bán các sản phẩm thuốc lá nhằm hướng đến xây dựng một môi trường sống và làm việc xanh, trong lành và khỏe mạnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới có khoảng 780 triệu người muốn bỏ thuốc lá, đặc biệt trong đại dịch COVID-19 đã có thêm hàng triệu người muốn bỏ thuốc vì lo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm Covid 19, đặc biệt ở những người đã mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường.

Các quốc gia thành viên của WHO thành lập Ngày Thế giới không thuốc lá vào năm 1987 nhằm thu hút sự chú ý toàn cầu đối với nạn dịch thuốc lá và những tác hại gây chết người của nó. Đây là dịp để nhấn mạnh các thông điệp về kiểm soát thuốc lá cụ thể và tăng cường tuân thủ Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO. Hút thuốc là nạn dịch số một có thể ngăn chặn được mà cộng đồng y tế phải đối mặt. Từ đó đến nay, ngày này đã nhận được sự ủng hộ của những người không hút thuốc lá, các Chính phủ, tổ chức y tế, chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu.

Ngày Thế giới Không thuốc lá được kỷ niệm hàng năm nhằm nhấn mạnh những rủi ro sức khỏe liên quan đến sử dụng thuốc lá và ủng hộ các chính sách hiệu quả để giảm mức tiêu thụ thuốc lá. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà lẽ ra có thể phòng tránh được. Sử dụng thuốc lá hiện gây ra 10% trong số các ca tử vong có thể tránh được ở người trưởng thành trên toàn thế giới.

Mục tiêu của Ngày thế giới không thuốc lá là để bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai không chỉ khỏi những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe do thuốc lá, mà còn tránh khỏi các hậu quả về kinh tế, môi trường và xã hội của việc sử dụng thuốc lá và hút thuốc thụ động. 

Tất cả các nước đều cam kết thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững nhằm tăng cường hòa bình và xóa nghèo. Các yếu tố chính trong chương trình nghị sự này bao gồm việc thực hiện Công ước khung của WHO về Kiểm soát thuốc lá và đến năm 2030 giảm 1/3 số tử vong do bệnh không lây nhiễm, bao gồm bệnh tim và phổi, ung thư và tiểu đường, mà trong đó thuốc lá là một nhân tố gây bệnh đóng vai trò chính.

Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 40.000 người chết do thuốc lá. Theo ước tính của WHO, con số này có thể tăng thành 70.000 trường hợp mỗi năm nếu không có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Tổn thất về kinh tế của thuốc lá ước tính hơn 24.600 tỷ đồng hay 1,17 tỷ USD mỗi năm. Tác động gây hại của thuốc lá với sức khoẻ và nền kinh tế tích tụ theo thời gian, vì vậy cần phải có hành động để ngăn ngừa xu hướng tiếp tục gia tăng số tử vong do thuốc lá và những tổn thất kinh tế do nó gây ra trong những năm tới. Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, trong thời gian qua với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTH thuốc lá). Hoạt động PCTH thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo kết quả điều tra tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cho thấy so với năm 2015 tỷ lệ hút thuốc chung ở người trưởng thành giảm từ 22,5% xuống 21,7%. Tuy nhiên Việt Nam vẫn trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.

Tạp chí KTTV tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: