Gỡ 'nút thắt' tiêu chí môi trường

Đăng ngày: 20-05-2019 | Lượt xem: 1153
Thời gian qua, Ủy ban MTTQ huyện và các xã, thị trấn huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Bằng những cách làm sáng tạo những mô hình tự quản đã được hình thành để giải bài toán ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư.

Trước đây tại các địa phương trong huyện Lục Nam chất thải rắn chủ yếu được các hộ gia đình xử lý bằng hình thức đốt hoặc chôn lấp, nước thải sinh hoạt hay chăn nuôi chuồng trại được xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. 

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lục Nam Dương Công Định để tháo gỡ “nút thắt” trong thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, MTTQ các cấp huyện Lục Nam phối hợp với các tổ chức thành viên và các ngành liên quan tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh môi trường. Ưu tiên hàng đầu đó là xóa bỏ các điểm tập kết, tồn lưu rác thải tự phát, vận động các hộ dân cam kết bảo vệ môi trường, tiến hành phân loại xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại hộ gia đình.

Những năm gần đây vấn đề rác thải sinh hoạt trên địa bàn thôn Già Khê xã Tiên Hưng là vấn đề bức xúc. Dọc theo quốc lộ 31, các điểm tập kết rác thải sinh hoạt tự phát gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan. Còn tại các xứ đồng tình trạng rác thải sau sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi không được thu gom khiến nguồn nước bị ô nhiễm.

Nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm rác thải, Ban Công tác Mặt trận thôn với vai trò chủ trì đã tuyên truyền vận động thành lập các tổ liên gia tự quản để tuyên truyền vận động người dân cùng giữ gìn vệ sinh môi trường, xóa bỏ các điểm tập kết rác tự phát, chỉnh trang đường làng ngõ xóm. Qua tuyên truyền vận động, đến nay 100% hộ dân đã tham gia đóng góp kinh phí để công ty vệ sinh môi trường thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở các khu dân cư. Ở mỗi xứ đồng các hộ nông dân cũng đóng góp kinh phí để xây dựng các điểm tập kết rác thải đồng ruộng. Các loại bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật được thu gom để tập trung xử lý.

Cùng với việc xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt, các tổ tự quản cũng đóng vai trò tích cực trong việc vận động nhân dân trong thôn chỉnh trang cảnh quan môi trường nông thôn mới trên địa bàn. Tại các trục đường chính của thôn người dân trồng cây xanh, trồng hoa. 

Còn tại xã Bảo Đài các tổ liên gia tự quản cũng được người dân tự nguyện thành lập để đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường. Đến thời điểm hiện tại MTTQ và các tổ chức thành viên đã phối hợp với UBND, công an xã tuyên truyền vận động thành lập được 130 tổ liên gia tự quản. Các tổ này đều xây dựng được quy ước hoạt động, bầu được ban quản lý để điều hành mọi hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy chi bộ và ban quản lý các thôn.

Song song với việc giữ gìn an ninh trật tự các tổ liên gia tự quản thường xuyên tuyên truyền vận động các thành viên và nhân dân tổ chức thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại hộ gia đình. Các hộ dân tại các thôn cũng tự nguyện đóng góp kinh phí để thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. 

Theo ông Dương Công Định, hoạt động của các mô hình tổ liên gia tự quản đã phát huy vai trò, trách nhiệm và tính chủ động trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội để tháo gỡ những vướng mắc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Theo thống kê, đến nay tại 339 khu dân cư trên địa bàn huyện, các tổ tự quản bảo vệ môi trường đã được thành lập với hơn 2.300 thành viên. Các tổ tự quản có từ 5 đến 45 hộ gia đình sống liền kề nhau để cùng giữ vệ sinh môi trường, tham gia làm sạch đường làng ngõ xóm, khu phố, thu gom xử lý rác thải. Hàng tháng, các tổ tự quản đều phát động ít nhất một buổi tổng vệ sinh chung như “Thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”.

Theo Đại Đoàn Kết

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: