Luật Tài nguyên nước năm 2013 đã có một điểm mới quan trọng là thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Nghị định 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 có hiệu lực ngày 1/9/2017 quy định mức thu, phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý, sử dụng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã cụ thể hóa vấn đề này. Sau hơn 01 năm triển khai thi hành trên phạm vi toàn quốc việc triển Nghị định đã thành công không chỉ ở Trung ương mà còn cả ở địa phương. Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường đã phỏng vấn ông Châu Trần Vĩnh – Phó Cục trưởng Cục quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) xung quanh vấn đề này.
Ông Châu Trần Vĩnh – Phó Cục trưởng Cục quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT)
PV: Thưa ông, xin ông cho biết kết quả thực hiện Nghị định 82/2017/NĐ-CP quy định mức thu, phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý, sử dụng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước?
Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Ngay sau khi Nghị định số 82/2017/NĐ-CP được ban hành, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tổ chức phổ biến và triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều hội nghị phổ biến, hướng dẫn với các Sở Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác tài nguyên nước thực hiện việc kê khai, tính toán xác định số tiền phải nộp và tổ chức thẩm định, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình khai thác nước. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, các cơ sở khai thác nước triển khai việc tính toán, kê khai và phê duyệt số tiền phải nộp làm căn cứ để các cơ quan thuế ở các địa phương thông báo, thu tiền.
Theo quy định của Nghị định 82, cơ quan nào cấp giấy phép khai thác sử dụng nước thì cơ quan đó sẽ phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho công trình đó và thông báo cho cơ quan thuế ở địa phương để tổ chức việc thu tiền. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ phê duyệt tiền cấp quyền đối với các công trình do Bộ cấp giấy phép, không thực hiện việc thu tiền. Cũng theo quy định của Nghị định nêu trên, mặc dù việc thu tiền chỉ tính từ ngày 1/9/2017 nhưng được áp dụng với tất cả các trường hợp đã cấp phép trước đó.
Sau hơn một năm triển khai thi hành Nghị định nêu trên, đến nay: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác cho 265 công trình khai thác sử dụng TNN, với tổng số tiền là 6.554 tỷ đồng; trong đó, số tiền phải nộp cho năm 2017 là 258 tỷ đồng, số tiền phải nộp cho cho năm 2018 khoảng 793 tỷ đồng. Các địa phương cũng đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác cho 621 công trình thác, với tổng số tiền khoảng 83 tỷ đồng; trong đó, số tiền phải nộp cho năm 2017 là 4,1 tỷ đồng, số tiền sẽ phải nộp cho cho năm 2018 khoảng 14,5 tỷ đồng.
PV: Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định trên Cục gặp thuận lợi và khó khăn gì? Giải pháp để khắc phục những bất cập và khó khăn trên?
Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Theo quy định của Nghị định, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là loại tiền gián thu, người sử dụng nước sau cùng phải trả tiền. Theo đó toàn bộ tổ chức, cá nhân sinh sống và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng nước cho các mục đích phải nộp tiền theo quy định của Nghị định sẽ là đối tượng phải chi trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Còn các doanh nghiệp khai thác nước chỉ là người thu hộ và được hạch toán vào chi phí giá thành sản xuất. Vì vậy, cũng thuận lợi hơn trong quá trình thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Còn một thuận lợi khác là, các chủ giấy phép cũng được tham gia nhiều cuộc hội thảo từ quá trình xây dựng dự thảo Nghị định và được góp ý trực tiếp cho dự thảo Nghị định. Ngay khi Nghị định ban hành, các chủ giấy phép cũng đã được tham dự nhiều cuộc tập huấn do Bộ và các Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức, nên các chủ giấy phép cũng đã hiểu được nghĩa vụ phải kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Bên cạnh những thuận lợi như tôi đã nêu ở trên, khi thực hiện Nghị định cũng còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định như:
Một là, trong quá trình triển khai Nghị định 82 có nhiều trường hợp công trình khai thác sử dụng tài nguyên nước nằm trên địa bàn hai hoặc nhiều tỉnh khác nhau; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vận dụng việc phân chia tiền cấp quyền giữa các địa phương có cùng công trình khai thác theo tỷ lệ như đóng thuế tài nguyên và có xin ý kiến của các UBND tỉnh liên quan về tỷ lệ này trước khi phê duyệt, các địa phương được xin ý kiến đều đồng thuận.
Hai là, tại khoản 3, điều 14 của Nghị định có quy định “Việc quản lý, sử dụng, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; ưu tiên sử dụng để đảm bảo cho hoạt động bảo vệ tài nguyên nước, cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước, giám sát hoạt động khai thác nước và các hoạt động phòng ngừa, ứng phó khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước nhưng không vượt quá 15%”. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế cho việc sử dụng nguồn kinh phí này.
Ba là, Mẫu Quyết định phê duyệt (hoặc điều chỉnh) tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 82/2017/NĐ-CP không có thông tin về mã số thuế, nên khó khăn cho Cục thuế địa phương vì tên của người nộp thuế có thể trùng nhau nên dễ dẫn tới nhầm lẫn đối tượng...
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên, tới đây, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu trình Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế cho việc sử dụng nguồn kinh phí này để phục vụ cho một số nội dung về bảo vệ tài nguyên nước, cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước, giám sát hoạt động khai thác nước và các hoạt động phòng ngừa, ứng phó khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước.
Hai là, để thuận tiện cho các Cục Thuế ban hành Thông báo nộp tiền, theo dõi nợ và đôn đốc thu nộp, trước mắt, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ bổ sung vào Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thông tin về mã số thuế của Chủ giấy phép.
Ba là, Cục sẽ tổng kết những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai Nghị định, trên cơ sở đó nghiên cứu trình Bộ xây dựng Thông tư hướng dẫn hoặc đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82 nếu cần thiết.
PV: Là cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, thời gian tới Cục có kế hoạch cụ thể gì để triển khai có hiệu quả Nghị định 82?
Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Ngay sau khi Nghị định ban hành, Cục đã trình Lãnh đạo Bộ gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Nghị định. Đồng thời, Bộ cũng đã tổ chức 03 hội nghị phổ biến, quán triệt và hướng dẫn trực tiếp cho các Sở tài nguyên và Môi trường, một số cơ quan có liên quan và một số tổ chức khai thác nước lớn tại 03 miền. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã cử cán bộ tập huấn cho một số địa phương triển khai Nghị định nêu trên.
Trong thời gian tới, để triển khai có hiệu quả hơn nữa Nghị định số 82/2017/NĐ-CP Cục dự kiến tập trung:
Một là, sẽ rà soát, đôn đốc các chủ giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất đã được Bộ cấp phép thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định tại Điều 3 của Nghị định mà chưa thực hiện việc nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Hai là, tổng hợp kết quả thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước của các địa phương trong năm 2018 và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của địa phương khi triển khai thực hiện Nghị định. Trên cơ sở đó, Cục sẽ xây dựng trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Ba là, đẩy mạnh công tác hướng dẫn địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của Nghị định thông qua việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phúc đáp văn bản của địa phương, tổ chức, cá nhân.
Bốn là, tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với một số tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Báo TN&MT