Chính quyền và người dân xã Dương Liễu mong có nhà máy xử lý nước thải

Đăng ngày: 07-11-2018 | Lượt xem: 1236
(TN&MT) – Kể từ khi nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) đi vào hoạt động, nước thải của 10 thôn ở Miền Làng (tức chỉ khu vực trong đê...

Miền Làng phấn khởi, Miền Bãi “khóc ròng”
 

Dương Liễu vốn là xã làng nghề chế biến nông sản truyền thống (tinh bột sắn, dong riềng, miến ...) nổi tiếng của huyện Hoài Đức. Theo thống kê của UBND xã Dương Liễu, xã có hai khu vực tập trung sản xuất lớn là Miền Làng (với 10 thôn và hơn 2500 hộ dân) và Miền Bãi (với 4 thôn với hơn 1000 hộ dân). Đây vốn là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường những năm vừa qua nhưng từ khi nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà đi vào hoạt động thì tình trạng ô nhiễm đã được cải thiện.
 

Có mặt tại khu vực Miền Làng của xã Dương Liễu, PV nhận thấy những thay đổi tích cực nơi đây. Nước thải đã có hệ thống cống thu gom nên nhìn khá sạch sẽ. Tuy nhiên ở một số khu vực, hệ thống cống lớn không có nắp che chắn nên mùi hôi thối vẫn bốc lên nồng nặc. Những bã củ dong trong quá trình sản xuất được người dân xả thẳng ra cống, nổi lên thành váng dày và phân hủy, bốc mùi khắp nơi.
 

o nhiem duong lieu 1

Một hệ thống tiêu thoát nước thải đen đặc bã củ rong ở xã Dương Liễu

Trong khi môi trường của Miền Làng dần thay đổi theo hướng tích cực thì tình trạng ô nhiễm ở Miền Bãi ngày càng nghiêm trọng. Quan sát của PV thấy rằng, nước thải và chất thải trong quá trình sản xuất miến dong ở khu vực này thải ra môi trường mà không có hệ thống xử lý nước thải. Nước thải dưới mương lẫn với bã của dong đặc quánh lại và đông cứng như đất. Mùi hôi thôi bốc lên khắp làng. Theo tìm hiểu của PV, 10 tấn củ dong riềng sẽ thải ra môi trường tới gần 7 tấn cặn bã và nước thải. Con kênh T2 chảy qua địa phận làng nghề từ lâu đã bị ô nhiễm trầm trọng, nước thải đen kịt bốc mùi hôi thối và những chất cặn bã đóng thành tảng, gây tắc dòng chảy.
 

Không chỉ gây ô nhiễm trong quá trình chế biến, các sản phẩm miến dong sau thì hình thành cũng được sấy khô hết sức thủ công. Người dân chủ yếu đem ra phơi nắng ở khắp mọi nơi, từ ngoài cánh đồng đến đường trong làng, ngay cả đến đường đê, đường quốc lộ cũng được tận dụng làm nơi phơi miến. Bụi bặm, ruồi muỗi bám đầy vào những sản phẩm được phơi thủ công và mất vệ sinh kia.
 

o nhiem duong lieu 2

Bã thải trong quá trình sản xuất được vứt ngay bên rệ đường 

Chia sẻ với PV, bác Nguyễn Thị Thúy, một người dân sống ở khu vực Miền Bãi cho biết: “Do bã của củ dong sau khi lấy hết tinh bột không sử dụng được vào việc gì nên người dân xả thẳng xuống cống theo đường nước thải. Hiện các hộ ở đây đều sản xuất nhỏ lẻ nên không có hệ thống lắng cặn nên mương nào, cống nào cũng hôi thối và bị tắc nghẽn như vậy. Thực trạng này diễn ra bao năm qua nhưng do là làng nghề nên dù có hôi thối thì mọi người cùng phải chịu đựng chứ không biết làm thế nào”.
 

Muốn sản xuất thì không được xả thải trực tiếp?
 

Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Phí Đình An – Chủ tịch UBND xã Dương Liễu cho biết: “Tại xã chúng tôi, tình trạng bức xúc nhất hiện nay là nước thải từ chế biến tinh bột củ dong, củ sắn gây mùi hôi thối. Bã thải của củ sắn hiện được thu gom để chế biến thức ăn chăn nuôi cho cá, bò sữa trong khi bã củ dong hiện không sử dụng được vào việc gì. Quá trình sản xuất, các hộ không có hệ thống lắng cặn nên bã thải củ dong cùng nước thải được xả thẳng ra môi trường gây nên tình trạng ô nhiễm và tắc nghẽn dòng chảy. Hằng năm, UBND xã chi gần 500 triệu đồng để tổ chức thu gom, nạo vét, khơi thông dòng chảy tất cả hệ thống tiêu thoát của xã”.
 

o nhiem duong lieu 3

Miến được phơi ngay trên bờ đê bụi bặm

Cũng theo vị chủ tịch xã này, từ khi có nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà, cống rãnh trong làng ít bị ứ đọng. Tuy nhiên, nhà máy trên với công suất 20.000 m3/ngày đêm chỉ giúp xử lý nước thải trên địa bàn Miền Làng và một số xã lân cận. Khu vực Miền Bãi hiện chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải mà chỉ có hệ thống tiêu thoát chảy thẳng ra sông Đáy. Tất cả những hộ sản xuất ở Miền Bãi đều xả thải trực tiếp ra hệ thống tiêu thoát để đổ ra sông Đáy.
 

“UBND xã Dương Liễu và UBND huyện Hoài Đức đã đề nghị TP. Hà Nội có kế hoạch thu gom hết nước thải và chất thải trong quá trình sản xuất nông sản của làng nghề. UBND huyện cũng chỉ đạo xã có kế hoạch xử lý môi trường, tuyên truyền cho người dân có ý thức bảo vệ môi trường. Đặc biệt, từ tháng 10/2018, UBND xã đã ban hành quy định yêu cầu các hộ dân làm nghề chế biến nông sản cam kết không được xả thải trực tiếp nếu muốn tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên, để thay đổi phải có thời gian, không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Chính quyền xã rất mong muốn được huyện và thành phố đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải cho 4 thôn Miền Ngoài để vấn đề môi trường sớm được giải quyết”. – ông Phí Đình Anh cho biết thêm.
 

Như vậy, việc cải thiện chất lượng môi trường ở làng nghề là mong mỏi chính đáng của người dân cũng như chính quyền UBND xã Dương Liễu. Mong rằng, UBND huyện Hoài Đức và UBND TP. Hà Nội sẽ sớm có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án bảo vệ môi trường nhằm ổn định cuộc sống người dân cũng như phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững.

Kỳ sau: Làng nghề kim khí Đại Tự: Nơm nớp nỗi lo ô nhiễm nguồn nước

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: