Cần cơ chế đặc thù bảo vệ môi trường sông Nhuệ - Đáy

Đăng ngày: 25-12-2020 | Lượt xem: 3212
Sáng 25-12, tại Hà Nội, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy giai đoạn 2008-2020 và định hướng trong giai đoạn tiếp theo.

Chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy Võ Tuấn Nhân; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông. Cùng dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy...

Quang cảnh hội nghị.

Các địa phương tích cực vào cuộc

Lưu vực sông Nhuệ - Đáy có diện tích tự nhiên 7.388km², nằm trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Sông Nhuệ có chiều dài 74km, sông Đáy dài khoảng 237km...  

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn 2008-2020, tuy có sự nỗ lực quản lý và kiểm soát ô nhiễm của các địa phương và bộ, ngành nhưng chất lượng nguồn nước mặt sông Nhuệ - Đáy vẫn chưa được cải thiện. Có tới 64% số điểm quan trắc trên hai sông cho chỉ số chất lượng nước (WQI) ở mức xấu đến rất xấu, trong đó, 31% số điểm quan trắc chất lượng nước bị ô nhiễm nặng.

Đặc biệt, vào mùa khô, chất lượng nguồn nước trên sông Nhuệ đoạn qua địa bàn Hà Nội đến Hà Nam có chỉ số chất rắn, chất hữu cơ, kim loại nặng, hợp chất ni-tơ... đều vượt quy chuẩn cho phép hàng chục lần, không sử dụng được vào mục đích sản xuất…

Lý giải về thực trạng trên, đại diện Tổng cục Môi trường chỉ rõ, lượng nước chủ yếu chảy vào lưu vực sông Nhuệ - Đáy là nước thải chưa được xử lý gây ô nhiễm (khoảng 2.000 nguồn thải, với tổng lưu lượng nước thải xả hàng triệu mét khối một ngày đêm)...

Trước thực trạng ô nhiễm này, các bộ, ngành và UBND 5 tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy. Trong đó, các địa phương đã triển khai khoảng 70 dự án bảo vệ môi trường: Tỉnh Hòa Bình triển khai dự án nạo vét một số hồ, thủy vực, trồng rừng đầu nguồn sông Nhuệ - Đáy; tỉnh Hà Nam xây dựng trạm xử lý nước rỉ rác tại xã Thanh Thủy, trạm xử lý nước thải cụm công nghiệp Cầu Giát, 3 trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho thành phố Phủ Lý...; tỉnh Ninh Bình đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế, khu công nghiệp, làng nghề… 

Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã xây dựng 8 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề tập trung với công suất gần 300.000 m³/ngày đêm. Hà Nội cũng đang triển khai xây dựng dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, công suất 270.000 m³/ngày đêm, hệ thống xử lý nước thải tập trung tại làng nghề Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) 500 m³/ngày đêm, nhà máy xử lý nước thải Vân Canh 4.000 m³/ngày đêm, Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) 8.000 m³/ngày đêm... Khi hệ thống xử lý nước thải này đi vào hoạt động sẽ xử lý cơ bản nguồn nước thải ra lưu vực hai sông...

Mặc dù các địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo vệ môi trường, nhưng theo Tổng cục Môi trường, trong quá trình triển khai Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy vẫn gặp không ít khó khăn…

Điển hình như hoạt động của Ủy ban Bảo vệ môi trường các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; cơ chế giám sát, đánh giá của ủy ban còn bất cập; công tác phối hợp giữa các địa phương trong việc giải quyết các vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra... 

Sông Đáy đoạn chảy qua quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Hùng Thập

Cơ chế đặc thù cho lưu vực sông Nhuệ - Đáy

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố đề xuất nhiều giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ các địa phương xây dựng các trạm quan trắc môi trường nước trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy để có cơ sở dữ liệu chính xác xây dựng phương án xử lý; kiến nghị thành phố Hà Nội tăng nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải làng nghề, nước thải đô thị để hạn chế xả thải gây ô nhiễm dưới hạ lưu...

Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn kiến nghị các bộ, ngành và các địa phương kiên quyết không cấp phép cho dự án sản xuất gây ô nhiễm môi trường, đồng thời xử lý nghiêm những doanh nghiệp, hộ sản xuất xả thải chưa qua xử lý ra môi trường… 

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy cần xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 8 và 9 của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó ưu tiên lưu vực sông Nhuệ - Đáy để thay thế Quyết định số 174/2006/QĐ-TTg ngày 28-7-2006 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy đã kết thúc năm 2020. 

Về nguồn lực tài chính, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đề xuất Chính phủ có cơ chế chính sách đặc thù cho lưu vực sông nói chung và lưu vực sông Nhuệ - Đáy nói riêng. Đặc biệt, Chính phủ có chính sách hỗ trợ trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đầu nguồn; có cơ chế ưu tiên nguồn vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải sinh hoạt đô thị và rác thải sinh hoạt; ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để xử lý ô nhiễm...

Mặt khác, các địa phương trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy cần có giải pháp bảo vệ môi trường nước sông trên cơ sở tiếp cận quản lý tổng hợp theo lưu vực gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước...

Theo hanoimoi.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: