Tiềm năng lợi thế về khí hậu, thủy văn cần phát huy cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Định; những tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

Đăng ngày: 08-07-2019 | Lượt xem: 2193
Với tiềm năng lợi thế về khí hậu, thủy văn và những tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong thời gian tới, tỉnh Bình Định cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo, cảnh báo KTTV, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết thủy văn nguy hiểm như: Bão, ATNĐ, mưa lớn diện rộng, lũ , cảnh báo lũ quét, sạt lở đất đá, Gió mùa Đông Bắc, khô hạn, hạn hán…. trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Bình Định là một tỉnh Duyên hải Miền Trung. Phía bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía nam giáp tỉnh Phú Yên, phía đông giáp Biển Đông, phía tây giáp tỉnh Gai Lai. Là tỉnh có nhiều thuận lợi giao lưu với bên ngoài bởi cảng biển Quy Nhơn  (1 trong 10 cảng biển lớn của nước ta), sân bay Phù Cát, hệ thống Quốc lộ 1A, 1D, đường sắt Bắc Nam chạy qua và đường Quốc lộ 19 nối cảng biển Quy Nhơn với Trung tâm vùng Bắc Tây Nguyên, vùng Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Bờ biển Bình Định dài 134km chạy từ thành phố Quy Nhơn đến Hoài Nhơn, một bên là núi một bên là biển với nhiều bãi tắm đẹp, cấu trúc khá đặc biệt xen kẽ rất nhiều đầm, vịnh, đều là vị trí thuận lợi để phát triển du lịch và nuôi trồng hải sản. Tỉnh Bình Định nằm gọn bên sườn phía đông của dãy Trường Sơn có địa hình dốc và phức tạp. Hướng dốc chủ yếu từ Tây sang Đông và các thung lũng xen kẽ tạo thành các lưu vực sông riêng biệt.

Trong thời kỳ cuối hạ đầu đông, gió Đông Bắc đối lập với hướng núi, theo đó là những nhiễu động như front cực đới, những xoáy thấp, bão và hội tụ nhiệt đới cuối mùa đã thiết lập mùa mưa ở Bình Định và các tỉnh ven biển Trung Bộ, trong khi đó các nơi khác trong cả nước đã bước vào mùa khô.

Chính phần núi phía tây của tỉnh, phần cuối cùng của sườn đông Trường Sơn là tác nhân động lực cưỡng bức luồng không khí từ phía biển thổi vào trong thời kỳ này đã tạo ra sự chênh lệch lớn về lượng mưa so với đồng bằng.

Vào mùa hạ, một hệ quả ngược lại đã xảy ra với hướng gió của luồng gió mùa mùa hạ. Trong khi mùa mưa đang diễn ra trong phạm vi cả nước thì các tỉnh duyên hải Trung Bộ do hiệu ứng "phơn" ở sườn khuất gió của Trường Sơn, đang là mùa khô kéo dài với những ngày thời tiết khô nóng đặc biệt ở vùng đồng bằng và các thung lũng thấp, bên cạnh đó vùng núi phía tây của tỉnh có dịu mát hơn và được thừa hưởng một phần mùa mưa Tây Nguyên.

Phân phối theo không gian và thời của lượng mưa ở Bình Định rất không đồng đều (70-75% lượng mưa tấp trung trong 4 tháng mùa lũ). Lượng mưa năm trung bình đo đạc được ở nơi nhiều mưa nhất và ít mưa nhất chênh lệch nhau rất lớn đạt 2422mm. Vùng núi Vĩnh Sơn và vùng núi phía bắc tỉnh là hai khu vực có lượng mưa lớn nhất tỉnh, với tổng lượng mưa năm trung bình từ 2220 - 3030mm trong đó trung tâm mưa lớn nhất thuộc huyện miền núi An Lão. Vùng mưa lớn thứ hai là vùng núi Vĩnh Kim thuộc trung lưu sông Kôn, huyện Vân Canh thượng nguồn sông Hà Thanh và các huyện ven biển phía bắc tỉnh từ 2000 - 2180mm. Những vùng còn lại như vùng ven biển phía nam tỉnh,  huyện Tây Sơn, phía đông huyện miền núi Vĩnh Thạnh và lưu vực hạ lưu sông Kôn lượng mưa năm trung bình đạt từ 1700 - 1880mm trong đó tâm mưa thấp nhất là khu vực Tân An  và các xã phía đông huyện Tuy Phước với lượng mưa năm trên dưới 1700mm.

Bình Định có mạng lưới sông suối phát triển, mật độ 0,65-0,92km/km2. Tỷ lệ che phủ tán rừng hiện nay chiếm khoảng trên 50%, do cấu trúc địa hình, địa chất phức tạp, sườn dốc phân cắt mạnh, khí hậu chịu tác động mạnh của địa hình. Vì thế Bình Định phải hứng chịu nhiều các tai biến tự nhiên. Bình Định chịu hầu hết các loại hình thiên tai xuất hiện: Bão, ATNĐ, gió mùa Đông Bắc, Không khí lạnh, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, nắng nóng, hạn hán, dông sét, xâm nhập mặn… Nghiêm trọng nhất là Bão, ATNĐ, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất đá, nắng nóng, hạn hán. Hàng năm thiên tai đã cướp đi nhiều sinh mạng con người, phá huỷ nhiều nhà cửa, tài sản, cây trồng các loại, đường giao thông, công trình thuỷ lợi. Ngoài ra, tác động của con người vào môi trường, sinh thái ngày càng lớn như: Việc đô thị hóa nhanh chóng, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông, khai thác chế biến khoáng sản và vật liệu xây dựng. Tập quán canh tác nông nghiệp lạc hậu, khai thác lâm sản không đúng quy hoạch. Đặc biệt là các vụ cháy rừng đã có những tác động mạnh làm suy thoái môi trường, góp phần thêm vào những thay đổi khí hậu địa phương trong bối cảnh chung của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tuy nhiên, thiên nhiên cũng ưu đãi cho địa phương nhiều thế lợi về biển đảo, đây là tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Hàng năm đã có hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ ngơi tại Bình Định.

Vì vậy, trong thời gian tới, cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo, cảnh báo KTTV, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết thủy văn nguy hiểm như: Bão, ATNĐ, mưa lớn diện rộng, lũ , cảnh báo lũ quét, sạt lở đất đá, Gió mùa Đông Bắc, khô hạn, hạn hán…. trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Vụ KHTC

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: