Tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước - Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn

Đăng ngày: 04-05-2020 | Lượt xem: 1953
Quản lý, sử dụng tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do ngân sách cấp

1. Nguồn tài sản trang bị để triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

- Nhà nước giao hoặc điều chuyển tài sản;

- Thuê tài sản;

- Mua sắm tài sản.

2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chủ trì:

- Quản lý, sử dụng tài sản để thực hiện nhiệm vụ đúng mục đích; thực hiện lập, mở sổ theo dõi riêng tài sản, quản lý, lưu trữ hồ sơ về tài sản theo quy định; đăngnhập đầy đủ thông tin về tài sản vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.

- Thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo quy định của pháp luật. Kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản được bố trí từ nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

- Kiểm kê và thực hiện chế độ báo cáo tài sản theo yêu cầu của cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

- Khi kết thúc nhiệm vụ, tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ lập phương án xử lý tài sản trình cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 32 Quy chế này xem xét, quyết định.

Xử lý tài sản trang bị khi kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ do ngân sách cấp

1. Hình thức xử lý:

a) Giao tài sản cho tổ chức chủ trì là cơ quan, đơn vị: theo hình thức ghi tăng tài sản và giá trị tài sản;

b) Bán trực tiếp cho tổ chức, cá nhân chủ trì: cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

c) Giao quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân chủ trì: Trường hợp tổ chức, cá nhân chủ trì quy định tại điểm a khoản 1 Điều này không nhận mua tài sản và được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, trừ nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia giao BộTài nguyên và Môi trường quản lý), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia được giao quản lý) xem xét, quyết định. Tổ chức, cá nhân chủ trì có trách nhiệm hoàn trả giá trị tài sản thông qua việc thương mại hóa kết quả.

d) Trường hợp tổ chức, cá nhân chủ trì không nhận giao hoặc mua tài sản thì xử lý theo các hình thức sau:

- Điều chuyển;

- Bán;

- Thanh lý;

- Tiêu hủy.

2. Thẩm quyền quyết định xử lý tài sản trang bị của nhiệm vụ khoa học và công nghệ

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định:

- Giao tài sản theo hình thức ghi tăng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đối với tổ chức chủ trì là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; hoặc đối với tổ chức chủ trì là doanh nghiệp có một phần vốn nhà nước trong trường hợp doanh nghiệp chấp nhận điều chỉnh cơ cấu vốn.

- Điều chuyển tài sản trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Quy chế này.

b) Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ:

- Quyết định giao tài sản của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia (trừ nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia giao Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý) cho tổ chức chủ trì là cơ quan, đơn vị quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này.

- Quyết định bán tài sản của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia cho tổ chức, cá nhân chủ trì quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này;

- Quyết định giao quyền sử dụng tài sản của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia cho tổ chức, cá nhân chủ trì quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này;

- Quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định bán, thanh lý, tiêu hủy tài sản của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia trong trường hợp bán, thanh lý, tiêu hủy.

c) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:

- Quyết định giao tài sản, bán trực tiếp tài sản, giao quyền sử dụng, điều chuyển tài sản của nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc phạm vi quản lý của Bộ cho tổ chức chủ trì là cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Đối với tài sản là xe ô tô và tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản được thực hiện sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính.

d) Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định:

- Bán tài sản là nhà, đất theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Điều chuyển tài sản của nhiệm vụ khoa học và công nghệ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

3. Trình tự, thủ tục xử lý tài sản trang bị khi kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ

a) Bảo quản, kiểm kê, lập phương án xử lý tài sản:

- Tổ chức, cá nhân chủ trì có trách nhiệm bảo quản tài sản và hồ sơ của tài sản từ ngày kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Hợp đồng hoặc từ ngày có quyết định chấm dứt thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho đến khi hoàn thành việc xử lý tài sản theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

- Chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày nhiệm vụ khoa học và công nghệ kết thúc theo Hợp đồng hoặc ngày có quyết định chấm dứt thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tổ chức, cá nhân chủ trì phải hoàn thành việc kiểm kê tài sản, lập phương án xử lý tài sản, gửi Tổng cục Khí tượng Thủy văn. Việc kiểm kê phải lập thành biên bản theo Mẫu số 08/TSC-KKTS kèm theo Quy chế này.

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phương án đề xuất của tổ chức, cá nhân chủ trì, Tổng cục Khí tượng Thủy văn có trách nhiệm lập 01 bộ hồ sơ gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính của Bộ. Hồ sơ bao gồm:

+ Văn bản đề nghị xử lý tài sản của nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã kết thúc: 01 bản chính;

+ Biên bản kiểm kê tài sản: 01 bản chính;

+  Danh mục tài sản đề nghị xử lý (chủng loại, số lượng, nguyên giá, giá trị còn lại) và đề xuất phương án xử lý tài sản, trong đó ghi rõ hình thức xử lý tài sản theo khoản 1 Điều này: 01 bản chính.

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định, Vụ Kế hoạch- Tài chính của Bộ có trách nhiệm thẩm định phương án xử lý tài sản để trình Bộ trưởng quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Lãnh đạo Bộ ký văn bản đề nghị xử lý gửi Bộ Tài chính trong trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc Thủ tướng Chính phủ.

c) Căn cứ phương án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức thực hiện việc xử lý tài sản theo quy định.

4. Giao tài sản cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ

- Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giao tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện việc bàn giao. Việc bàn giao phải lập thành biên bản theo Mẫu số 01/TSC-BBGN kèm theo Quy chế này.

- Sau khi có biên bản bàn giao tài sản, tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm: kế toán, quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Giá trị tài sản giao là giá trị tài sản theo sổ kế toán;

 

- Trường hợp tổ chức chủ trì tại điểm a Khoản 1 Điều 32 Quy chế này sau khi nhận bàn giao tài sản không sử dụng, để lãng phí tài sản thì cơ quan, người có thẩm quyền giao tài sản quy định tại khoản 2 Điều này quyết định thu hồi; việc xử lý thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Tổ chức chủ trì không sử dụng tài sản, để lãng phí tài sản bị xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Bán tài sản

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định bán tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ trì thực hiện việc bán tài sản, việc tổ chức thực hiện bán tài sản được quy định như sau:

- Bán trực tiếp cho tổ chức, cá nhân chủ trì:

+ Cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm ký Hợp đồng bán tài sản với tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Việc xuất hóa đơn bán tài sản cho người mua thực hiện theo quy định của pháp luật về Hóa đơn bán tài sản công;

+ Giá bán tài sản được xác định là giá trị còn lại của tài sản theo sổ kế toán.

- Bán đấu giá:

+ Cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm xác định và phê duyệt giá khởi điểm, ký hợp đồng thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật về bán đấu giá tài sản;

Trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để tổ chức bán đấu giá thì thủ trưởng cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá do Lãnh đạo cơ quan quyết định thành lập Hội đồng làm Chủ tịch; các thành viên khác bao gồm đại diện cơ quan tài chính cùng cấp, đại diện cơ quan chuyên môn kỹ thuật (nếu cần) và các thành viên khác có liên quan;

+ Cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm ký Hợp đồng bán tài sản với tổ chức, cá nhân mua được tài sản. Việc xuất hóa đơn bán tài sản cho người mua thực hiện theo quy định của pháp luật về Hóa đơn bán tài sản công.

- Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ bán tài sản: toàn bộ số tiền thu được từ bán tài sản được nộp vào tài Khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước, cụ thể:

+ Tài khoản tạm giữ của cơ quan quản lý tài sản công thuộc Bộ Tài chính với tài sản là nhà, đất thuộc thẩm quyền bán của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

+ Tài khoản tạm giữ của Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với những tài sản không phải là nhà, đất thuộc thẩm quyền bán của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Các chi phí liên quan đến việc bán tài sản được sử dụng từ nguồn thu từ bán tài sản. Trường hợp số thu từ bán tài sản không đủ thì được lấy từ nguồn kinh phí của cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

6. Điều chuyển tài sản

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định Điều chuyển tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ trì, phối hợp với tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ và các cơ quan có liên quan (nếu có) tổ chức thực hiện bàn giao tài sản cho đơn vị được tiếp nhận. Việc bàn giao, tiếp nhận được thực hiện theo quy định tại Điều 20 Quy chế này.

- Chi phí phát sinh trong quá trình bàn giao, tiếp nhận (nếu có) do cơ quan tiếp nhận tài sản chi trả.

7. Thanh lý tài sản

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định thanh lý tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ tổ chức thực hiện việc thanh lý tài sản. Phương thức, trình tự, thủ tục thanh lý tài sản thực hiện theo quy định tại Điều 22 Quy chế này.

- Các chi phí liên quan đến việc thanh lý tài sản được sử dụng từ nguồn thu từ thanh lý tài sản (nếu có). Trường hợp số thu từ thanh lý tài sản không đủ thì được lấy từ nguồn kinh phí của cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

8. Tiêu hủy tài sản

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tiêu hủy tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện xử lý tài sản theo hình thức tiêu hủy của cấp có thẩm quyền. Việc tiêu hủy thực hiện theo quy định tại Điều 23 Quy chế này.

- Các chi phí liên quan đến việc tiêu hủy tài sản được sử dụng từ nguồn kinh phí của cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

9. Xử lý tài sản được trang bị của nhiệm vụ khoa học và công nghệ chưa hết thời hạn thực hiện theo Hợp đồng nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc không còn sử dụng được hoặc nhiệm vụ không hoàn thành theo Hợp đồng

- Đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ chưa hết thời hạn thực hiện theo Hợp đồng nhưng có tài sản không còn nhu cầu sử dụng hoặc không còn sử dụng được, hoặc nhiệm vụ không hoàn thành theo Hợp đồng, tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải kiểm kê, đề xuất phương án xử lý tài sản trình cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Hình thức, trình tự, thủ tục xử lý tài sản được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này.

10. Xử lý tài sản được trang bị gắn liền, không thể tách rời với tài sản kết quả sau khi kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tài sản được trang bị của nhiệm vụ thực hiện theo hình thức khoán đến sản phẩm cuối cùng

Hình thức, trình tự, thủ tục xử lý tài sản được trang bị gắn liền, không thể tách rời với tài sản kết quả, tài sản được trang bị của nhiệm vụ thực hiện theo hình thức khoán đến sản phẩm cuối cùng sau khi kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 32 Quy chế này.

Quản lý, sử dụng tài sản trang bị thực hiện nhiệm vụ ngân sách hỗ trợ

- Nhà nước thực hiện quyền sở hữu đối với Phần tài sản tương ứng với Phần vốn đóng góp tại nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

- Việc quản lý, sử dụng và xử lý tài sản với nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngân sách hỗ trợ được thực hiện theo Hợp đồng ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó phải thể hiện rõ phần quyền sở hữu tài sản thuộc về Nhà nước và hình thức xử lý theo hình thức quy định tại Điều 34 Quy chế này.

- Cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ ngân sách hỗ trợ quyết định hình thức xử lý Phần quyền sở hữu tài sản thuộc về nhà nước.

Xử lý phần tài sản trang bị thuộc về nhà nước với nhiệm vụ khoa học công nghệ do ngân sách hỗ trợ

1. Các trường hợp xử lý

a) Nhà nước giao không bồi hoàn phần tài sản trang bị thuộc về nhà nước cho tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với:

- Nhiệm vụ được Nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng số vốn;

- Chương trình khoa học và công nghệ khác theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ có quy định về việc nhà nước chuyển giao không bồi hoàn tài sản trang bị.

b) Bán phần sở hữu của nhà nước cho tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ hoặc bán cho tổ chức, cá nhân khác theo sự thỏa thuận của các đồng chủ sở hữu đối với trường hợp không thuộc quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

c) Giao quyền sử dụng phần tài sản thuộc về nhà nước cho tổ chức, cá nhân chủ trì đối với trường hợp tổ chức, cá nhân chủ trì quy định tại điểm b khoản 1 Điều này không nhận mua tài sản mà không bán được cho tổ chức, cá nhân khác. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ) quyết định việc giao. Tổ chức chủ trì có trách nhiệm hoàn trả giá trị tài sản thông qua việc thương mại hóa kết quả.

Trình tự, thủ tục giao quyền sử dụng phần tài sản trang bị thuộc về nhà nước được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 32 Quy chế này.

2. Giao không bồi hoàn phần quyền sở hữu tài sản trang bị thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

a) Tổ chức, cá nhân chủ trì có trách nhiệm bảo quản tài sản và hồ sơ của tài sản từ khi kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Hợp đồng hoặc ngày có quyết định chấm dứt thực hiện nhiệm vụ cho đến khi hoàn thành việc xử lý tài sản theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

b) Chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày nhiệm vụ khoa học và công nghệ kết thúc theo Hợp đồng hoặc ngày có quyết định chấm dứt thực hiện nhiệm vụ, cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ và tổ chức, cá nhân chủ trì có trách nhiệm thanh lý hợp đồng và thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản. Việc bàn giao, tiếp nhận thực hiện theo Mẫu số 01/TSC-BBGN kèm theo Quy chế này.

c) Định kỳ hàng năm, Tổng cục Khí tượng Thủy văn có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Bộ kết quả việc chuyển giao không bồi hoàn Phần tài sản thuộc về nhà nước để công khai và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

3. Bán phần sở hữu của Nhà nước về tài sản trang bị thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

- Nhà nước bán phần quyền sở hữu về tài sản trang bị đối với các trường hợp không thuộc điểm b khoản 1 Điều này cho tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Trường hợp tổ chức, cá nhân chủ trì không nhận mua thì các đồng sở hữu thống nhất phương án xử lý bán cho tổ chức, cá nhân khác.

- Giá bán tài sản được xác định là giá trị còn lại của phần tài sản theo sổ kế toán nhân với tỷ lệ hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ. Trường hợp không xác định được giá trị còn lại, tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính và các cơ quan khác có liên quan thành lập Hội đồng định giá hoặc thuê tổ chức có đủ Điều kiện hoạt động thẩm định giá để xác định giá bán tài sản. Giá bán tài sản phải đảm bảo phù hợp với giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ.

- Cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm ký Hợp đồng bán tài sản với tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; xuất Hóa đơn bán tài sản công theo quy định.

- Trường hợp bán cho tổ chức, cá nhân khác thì các đồng sở hữu tài sản của nhiệm vụ thống nhất trách nhiệm ký Hợp đồng bán tài sản với tổ chức, cá nhân mua được tài sản; việc xuất Hóa đơn thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Tiền bán tài sản sau khi trừ đi các chi phí có liên quan phải được nộp một lần trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng bán tài sản. Trường hợp tài sản có giá bán từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản và tổ chức, cá nhân mua được có đề nghị thì cơ quan, người có thẩm quyền quyết định bán tài sản xem xét, quyết định cho người mua được nộp nhiều lần; mức nộp hàng năm tối thiểu bằng tiền bán tài sản chia cho số năm sử dụng còn lại của tài sản đó theo chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản cố định tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước.

Toàn bộ số tiền thu được từ bán tài sản được nộp vào tài khoản tạm giữ quy định tại khoản 5 Điều 32 Quy chế này.

Các chi phí liên quan đến việc bán tài sản được sử dụng từ nguồn thu từ bán tài sản. Trường hợp số thu từ bán tài sản không đủ thì được lấy từ nguồn kinh phí của cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Tin KHTC

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: