Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán Ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước

Đăng ngày: 06-04-2020 | Lượt xem: 1171

Sửa đổi Khoản 1, Khoản 2 Điều 20

“1. Khi cần thiết, chứng từ điện tử có thể chuyển sang chứng từ giấy, nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24/12/2018 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.

2. Khi cần thiết, chứng từ giấy có thể chuyển sang chứng từ điện tử, nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24/12/2018 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính”.

Sửa đổi điểm đ Khoản 3 Điều 22 như sau:

“đ) Đối với chứng từ chi, trường hợp đơn vị rút nhiều mục, không lập được trên một trang giấy thì đơn vị có thể viết vào trang sau (mặt sau) hoặc lập nhiều bộ chứng từ (lưu ý 1 chứng từ chỉ được lập tối đa trên 2 trang giấy). Trường hợp chứng từ được viết trên 2 trang giấy thì tại trang sau, đơn vị phải viết cách lề trên khoảng 1/4 trang giấy.

Trường hợp chứng từ chi được lập trên dịch vụ công, không giới hạn số lượng trang trên một chứng từ chi”.

Sửa đổi Khoản 2 Điều 26 như sau:

“2. Đối với chứng từ kế toán giao dịch với Kho bạc Nhà nước, đơn vị giao dịch phải chuyển đến KBNN không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày lập được ghi trên chứng từ kế toán. Trường hợp quá thời hạn 5 ngày làm việc, đơn vị Kho bạc Nhà nước đề nghị đơn vị lập lại chứng từ phù hợp với thời gian giao dịch với Kho bạc Nhà nước”.

Sửa đổi Điều 29 như sau:

“Hệ thống tổ hợp tài khoản kế toán được xây dựng trên nguyên tắc bố trí các phân đoạn mã độc lập, mỗi đoạn mã chứa đựng các thông tin khác nhau theo yêu cầu quản lý. Tổ hợp tài khoản kế toán được quy định cố định về cấu trúc và thống nhất cho toàn hệ thống, gồm bộ sổ trung tâm thanh toán, bộ sổ của các tỉnh, thành phố và bộ sổ hợp nhất toàn hệ thống.

Danh mục các giá trị chi tiết cho từng đoạn mã sẽ được bổ sung, sửa đổi tùy theo yêu cầu thực tế. Các giá trị mã số cụ thể của các đoạn mã trong Hệ thống tổ hợp tài khoản kế toán được cấp duy nhất 1 lần trong hệ thống (không cấp lại mã hiệu đã sử dụng trong quá khứ) trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với mỗi mã số, hệ thống sẽ ấn định giá trị duy nhất trong suốt thời gian vận hành hệ thống.

Trong quá trình vận hành TABMIS, Tổng Giám đốc KBNN chịu trách nhiệm quy định cấp mới, bổ sung, sửa đổi giá trị của các đoạn mã (mã quỹ, mã tài khoản kế toán, mã hạch toán chi tiết, mã KBNN, mã nguồn ngân sách nhà nước và mã dự phòng) theo yêu cầu quản lý và quy trình nghiệp vụ”.

Sửa đổi Khoản 2 Điều 61 như sau:

“2. Thời điểm chốt số liệu báo cáo quyết toán thu, chi NSNN hàng năm: được chia làm 3 giai đoạn:

a) Chốt số liệu hết thời gian chỉnh lý quyết toán: Số liệu được lấy đến hết ngày 31/01 năm sau. Báo cáo được lưu dưới dạng file và giấy tại đơn vị KBNN nơi lập báo cáo.

b) Chốt số liệu chuyển nguồn: Số liệu được lấy đến hết ngày 31/3 năm sau. Báo cáo được lưu dưới dạng file và giấy tại đơn vị KBNN nơi lập báo cáo.

c) Chốt số liệu quyết toán lần cuối cùng: Số liệu được lấy hết ngày 30/11 năm sau. Báo cáo được lưu dưới dạng file và giấy tại đơn vị KBNN nơi lập báo cáo. Trường hợp sau ngày 30/11 vẫn còn điều chỉnh số liệu quyết toán năm trước theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì phải có thuyết minh”.

Sửa đổi Khoản 2 Điều 64 như sau:

“2. Việc đối chiếu giữa đơn vị có giao dịch với KBNN và KBNN được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 18/2020/TT-BTC ngày 31/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký và sử dụng tài khoản tại KBNN”.

Sửa đổi Điều 68 như sau:

“Đối với các khoản tạm thu, tạm chi ngoài ngân sách, các khoản tạm ứng, đi vay, cho vay của các cấp ngân sách, các khoản tạm ứng cho các đơn vị dự toán, đơn vị KBNN cần phối hợp với cơ quan tài chính đồng cấp và các đơn vị dự toán làm thủ tục để xử lý theo quy định của các văn bản hướng dẫn công tác khóa sổ kế toán, lập báo cáo quyết toán của Bộ Tài chính.

Đối với các khoản tạm thu, tạm giữ khi có văn bản xử lý của cấp có thẩm quyền thì xử lý ngay theo văn bản đó, nếu chưa có văn bản xử lý thì chuyển số dư sang năm sau để tiếp tục theo dõi, xử lý”.

Sửa đổi Khoản 5 Điều 79 như sau:

“5. Giám đốc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh quyết định chức danh ủy quyền kế toán trưởng cho người đủ điều kiện, tiêu chuẩn thực hiện nhiệm vụ kế toán tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh và các Kho bạc Nhà nước cấp huyện trực thuộc.

Đối với Kho bạc Nhà nước cấp huyện, có thể giao nhiệm vụ cho cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn giúp việc cho Kế toán trưởng, thay mặt Kế toán trưởng giải quyết các công việc khi được ủy quyền theo quy định và chịu trách nhiệm về các công việc trong thời gian được ủy quyền. Giám đốc Kho bạc Nhà nước cấp huyện trình Giám đốc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh quyết định việc giao nhiệm vụ cho cán bộ giúp việc Kế toán trưởng tại đơn vị mình, số lượng cán bộ được ủy quyền kế toán trưởng của một đơn vị Kho bạc Nhà nước tùy thuộc vào quy mô hoạt động của đơn vị Kho bạc Nhà nước cấp huyện và do Giám đốc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh quyết định”.

Tin KHTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: