Rà soát, đề xuất tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công; đề xuất phương án xử lý tài sản công

Đăng ngày: 08-03-2023 | Lượt xem: 1304

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký các Quyết định: số 3957/QĐ-BTNMT ngày 30 tháng 12 năm 2022 về việc phê duyệt điều chuyển tài sản công cho các đơn vị kiện toàn tổ chức bộ máy theo Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường; số 4001/QĐ-BTNMT ngày 30 tháng 12 năm 2022 về việc giao, điều chỉnh tên đơn vị thực hiện dự án đầu tư công; nhiệm vụ chi thường xuyên theo các đơn vị quy định tại Nghị định số 68/2022/NĐ-CP. Để việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, định mức, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, Bộ yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện các nội dung sau:

1. Đối với các đơn vị có thay đổi cơ cấu tổ chức theo Nghị định số 68/2022/NĐ-CP: Căn cứ vào: (i) chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, (ii) số biên chế được giao, (iii) nhu cầu về tài sản phục vụ hoạt động chuyên môn; đơn vị thực hiện rà soát, báo cáo đề xuất tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công (cụ thể: diện tích làm việc, diện tích chuyên dùng, máy móc thiết bị và xe ô tô) theo quy định hiện hành, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Thời hạn các đơn vị gửi báo cáo rà soát, đề xuất về Bộ trước ngày 31 tháng 3 năm 2023 để tổng hợp, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

2. Đối với tài sản của các dự án hiện đã đến thời hạn (hoặc quá hạn) xử lý nhưng chưa xử lý: Đơn vị khẩn trương đề xuất phương án xử lý tài sản theo quy định. Các đơn vị tiếp nhận tài sản của các dự án, nhiệm vụ theo Quyết định số 4001/QĐ-BTNMT ngày 30 tháng 12 năm 2022 nêu trên cần rà soát tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản của đơn vị và tài sản của các dự án, nhiệm vụ được tiếp nhận để kịp thời đề xuất phương án xử lý, không bỏ sót dẫn đến thất thoát tài sản công.

3. Đối với tài sản đơn vị không còn nhu cầu sử dụng: Rà soát và đề xuất phương án xử lý theo quy định.

4. Đối với các tài sản công đã đủ điều kiện thanh lý theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Quy chế Quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tại Quyết định số 889/QĐ-BTNMT ngày 07 tháng 4 năm 2020, đơn vị khẩn trương rà soát và đề xuất phương án thanh lý để trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định. Cụ thể:

- Đối với tài sản công hết hạn sử dụng theo quy định của pháp luật: Trong trường hợp tài sản còn sử dụng được và đơn vị còn nhu cầu sử dụng thì không bắt buộc phải thanh lý; với tài sản không còn sử dụng được, đơn vị đề xuất phương án thanh lý; với tài sản còn sử dụng được và đơn vị không còn nhu cầu sử dụng, đơn vị có thể thanh lý hoặc đề xuất điều chuyển, thu hồi.

- Đối với tài sản công chưa hết hạn sử dụng nhưng bị hư hỏng đến mức không thể sử dụng, mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không hiệu quả (dự toán chi phí sửa chữa lớn hơn 30% nguyên giá tài sản): đơn vị đề xuất phương án thanh lý.

- Nhà làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất phải phá dỡ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Đơn vị phải có trách nhiệm đề xuất thanh lý tài sản để trả lại mặt bằng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (thực hiện dự án đầu tư, thu hồi đất theo quy hoạch....). Sau khi có quyết định phê duyệt thanh lý tài sản, đơn vị phải nghiêm túc triển khai thực hiện, không để hiện tượng tận dụng sử dụng lại nhà cửa đã được phê duyệt thanh lý để bố trí cho cán bộ ở tạm, làm nhà kho....mà không phá dỡ theo quy định.

Thủ trưởng đơn vị phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trong trường hợp có phát sinh liên quan đến việc tận dụng lại tài sản không phá dỡ để sử dụng.

Vụ KHTC

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: