Những nội dung mới của Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17/05/2021 của Bộ Tài chính quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế

Đăng ngày: 28-06-2021 | Lượt xem: 1028
Ngày 17/5/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế; có hiệu lực từ ngày 02/7/2021(sau đây gọi là Thông tư số 31/2021/TT-BTC). Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều 9 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Trên cơ sở kế thừa các quy định tại Thông tư 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, Thông tư số 31/2021/TT-BTC có một số thay đổi để hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ hơn tạo hành lang pháp lý đầy đủ, cụ thể cho việc triển khai áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế một cách toàn diện, góp phần cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế.

Thông tư  số 31/2021/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế gồm 5 Chương và 26 Điều, trong đó: Chương I và V về quy định chung và tổ chức thực hiện; Chương II, III, IV quy định ba nội dung cốt lõi thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư. Các nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể gồm:

(1) Chương I - Quy định chung có một số điểm mới như sau:

* Về nguyên tắc quản lý rủi ro:

Điều 4 Thông tư số 31/2021/TT-BTC bổ sung nguyên tắc về đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế được thực hiện tự động, định kỳ trên cơ sở các quy định của pháp luật, các quy trình, biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế, dựa trên phân đoạn người nộp thuế, các tiêu chí quy định tại Thông tư và cơ sở dữ liệu về người nộp thuế.

* Phương pháp đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế: Bổ sung Điều 5 Thông tư số 31/2021/TT-BTC hướng dẫn cụ thể về nội dung mà Thông tư 204/2015/TT-BTC trước đây không đề cập tới, gồm có: Phương pháp chấm điểm và phân loại theo điểm; Phương pháp học máy; Phương pháp xếp hạng theo danh mục, đảm bảo sự linh hoạt sử dụng các phương pháp đánh giá.

(2) Chương II. Thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro, gồm có 3 Điều, từ Điều 7 đến Điều 9. Thông tư đã kết cấu lại theo ba (03) mục như sau: Thứ nhất là thông tin quản lý rủi ro (quy định các thông tin mang tính tổng thể); Thứ hai là nguồn thông tin, hình thức thu thập thông tin và xử lý thông tin; Thứ ba là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rủi ro, được xây dựng căn cứ vào Điều 96 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.

(3) Chương III. Đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế trong quản lý thuế, gồm có 3 Điều, từ Điều 10 đến Điều 12 cũng được sửa đổi, bổ sung một số điểm sau:

* Các mức độ tuân thủ pháp luật thuế, rủi ro người nộp thuế: Thông tư phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế thành 4 mức: Mức 1.Tuân thủ cao, Mức 2.Tuân thủ trung bình, Mức 3.Tuân thủ thấp, Mức 4.Không tuân thủ; trong đó đã bổ sung mức 4 để phù hợp theo tiếp cận của OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) với 4 tầng của mô hình tuân thủ tương ứng 4 mức độ tuân thủ - là mô hình đã được áp dụng ở cơ quan thuế của nhiều quốc gia.

 

Đồng thời thực hiện phân loại rủi ro người nộp thuế là doanh nghiệp theo 5 hạng: Hạng 1: Người nộp thuế rủi ro rất thấp, Hạng 2: Người nộp thuế rủi ro thấp, Hạng 3: Người nộp thuế rủi ro trung bình, Hạng 4: Người nộp thuế rủi ro cao, Hạng 5: Người nộp thuế rủi ro rất cao thay vì 06 hạng như tại Thông tư số 204/2015/TT-BTC. Bỏ hạng 6 – người nộp thuế thành lập dưới 12 tháng quy định tại Thông tư 204 sẽ phân loại, giám sát riêng phù hợp với yêu cầu của từng nghiệp vụ khi thực hiện đánh giá rủi ro như để quản lý hoá đơn, quản lý hoàn thuế.

* Bổ sung việc đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế là cá nhân mà Thông tư số 204/2015/TT-BTC trước đây chưa quy định để đảm bảo việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế bao quát được tất cả người nộp thuế.

(4) Chương IV. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, gồm có 12 Điều, Từ Điều 13 đến Điều 24, quy định việc áp dụng các biện pháp quản lý thuế tương ứng với các mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro NNT đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn hiện hành nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế và nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế. Cụ thể:

* Quy định về các biện pháp nâng cao tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế: Bổ sung Điều 14 tại Thông tư 31/2021/TT-BTC về các biện pháp quản lý thuế đối với từng mức độ tuân thủ như sau:

- Đối với trường hợp tuân thủ cao: đưa vào danh sách xem xét, lựa chọn tuyên dương, khen thưởng người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế.

- Đối với các trường hợp cần nâng cao tuân thủ:

+ Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, các đại lý thuế để triển khai các biện pháp hỗ trợ người nộp thuế thực hiện các thủ tục về thuế; tổ chức các chương trình tiếp xúc với người nộp thuế, hội nghị đối thoại, hội thảo, đào tạo giúp người nộp thuế thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế;

+ Nghiên cứu sửa đổi chính sách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, triển khai các biện pháp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ thông tin để việc kê khai, nộp thuế được thuận tiện, tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ cho người nộp thuế;

+ Được phân loại rủi ro và áp dụng các biện pháp quản lý thuế đối với các mức rủi ro người nộp thuế.

Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định bổ sung nội dung này nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế, bên cạnh các biện pháp mang tính xử lý và chế tài xử phạt thì cơ quan thuế cần áp dụng các biện pháp mang tính khuyến khích, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước một cách thuận tiện và giảm thiểu chi phí nhất.

* Áp dụng quản lý rủi ro đối với người nộp thuế là cá nhân: Bổ sung Điều 15 tại Thông tư số 31/2021/TT-BTC, trong đó nêu rõ các biện pháp ứng xử của cơ quan thuế đối với từng mức độ rủi ro người nộp thuế theo các khoản thu nhập mà Thông tư 204/2015/TT-BTC trước đây chưa có hướng dẫn này, gồm có: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; Cá nhân có các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (không bao gồm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh); Cá nhân có các khoản thu liên quan đến đất đai, tài sản gắn liền với đất.

 

* Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý về đăng ký thuế: Điều 16 quy định áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý về đăng ký thuế tương ứng với mỗi mức độ rủi ro trong các trường hợp: Thay đổi thông tin đăng ký thuế làm thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp; Thông báo tạm ngừng hoạt động, kinh doanh; Chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

* Áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế:  Điều 17 hướng dẫn rõ việc kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế phải căn cứ vào mức độ rủi ro về thuế: Thực hiện phân tích hồ sơ, kiểm tra hồ sơ khai thuế có rủi ro cao; Chưa thực hiện kiểm tra đối với hồ sơ khai thuế thuộc loại rủi ro trung bình và rủi ro thấp 

* Áp dụng quản lý rủi ro trong hoàn thuế: Điều 18 sửa đổi thời gian kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế xuống 5 năm theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 cụ thể:

- Kiểm tra, thanh tra trong vòng 1 năm đối với trường hợp rủi ro cao

- Kiểm tra, thanh tra trong vòng 3 năm đối với trường hợp rủi ro trung bình

- Kiểm tra, thanh tra trong vòng 5 năm đối với trường hợp rủi ro thấp.

* Áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế: Tại Điều 19 Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định nguyên tắc lựa chọn các trường hợp thanh tra, kiểm tra theo mức độ rủi ro từ cao xuống và số trường hợp được lựa chọn qua phân tích, đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro không dưới 90% số lượng trường hợp được thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hàng năm.

Điều chỉnh nội dung về việc xây dựng và thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; Danh sách bổ sung, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế theo quy định tại Luật Thanh tra, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, bỏ quy định về “Danh sách thanh tra yêu cầu đạt tỷ lệ từ 1% đến 2% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; danh sách kiểm tra đạt tỷ lệ từ 15%-18% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.” tại Thông tư số 204/2015/TT-BTC.

* Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thu nợ và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế: Điều 21 hướng dẫn bổ sung việc ưu tiên, tăng cường áp dụng các biện pháp về quản lý nợ và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo mức độ rủi ro người nộp thuế.

* Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hóa đơn, chứng từ: Điều 21 hướng dẫn bổ sung cụ thể kiểm tra đối với các trường hợp người nộp thuế có rủi ro cao. Đối với rủi ro trung bình và rủi ro thấp: Thực hiện chọn mẫu để rà soát, kiểm tra, xử lý và tăng cường hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ tốt các quy định pháp luật về hóa đơn.

* Kiểm soát và giám sát trọng điểm đối với người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế: Bổ sung một số trường hợp thuộc diện kiểm soát, giám sát trong điểm: các trường hợp được đánh giá không tuân thủ pháp luật thuế quy định tại Điều 10, người nộp thuế được xếp hạng rủi ro cao, rủi ro rất cao theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư số 31/2021/TT-BTC và người nộp thuế không giải trình, bổ sung thông tin hoặc có giải trình, bổ sung thông tin nhưng không đầy đủ theo yêu cầu và thời hạn tại thông báo bằng văn bản của cơ quan quản lý thuế. Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định bổ sung để đảm bảo xử lý kịp thời kết quả phân loại rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế theo quy định tại các Điều 10, Điều 11 của Thông tư và kết quả rà soát thông tin.

* Giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch nâng cao tuân thủ: Điều 24 được bổ sung mới nhằm tổng kết, đánh giá lại và rút ra được những kinh nghiệm áp dụng quản lý rủi ro cho giai đoạn triển khai tiếp theo, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý rủi ro nói riêng và quản lý thuế nói chung và cải thiện mức độ tuân thủ tổng thể của các nhóm người nộp thuế và các nghĩa vụ thuế khác nhau. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phân cấp trách nhiệm cho các đơn vị quản lý rủi ro giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch nâng cao tuân thủ theo quy định. Việc giám sát, đánh giá được thực hiện thường xuyên, báo cáo định kỳ (6 tháng và hàng năm) và theo yêu cầu về tiến độ triển khai kế hoạch nâng cao tuân thủ

* Về Tiêu chí, chỉ số: Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định các tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế trong Thông tư (tại các Phụ lục I, II, III) đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đánh giá người nộp thuế, đồng thời cũng để người nộp thuế tự so chiếu các tiêu chí đánh giá để hoàn thiện, từ đó nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có trách nhiệm ban hành các Bộ chỉ số tiêu chí để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ. Đồng thời Đơn vị Quản lý rủi ro có trách nhiệm quản lý bộ chỉ số tiêu chí do Tổng cục trưởng ban hành; theo dõi, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung các chỉ số tiêu chí đáp ứng yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ. Tại Thông tư số 204/2015/TT-BTC trước đây chỉ quy định điều kiện đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế; các bộ chỉ số đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, đánh giá rủi ro về người nộp thuế do Tổng cục Thuế xây dựng, trình Bộ Tài chính ban hành.

Trên đây là một số điểm mới hướng dẫn thi hành, triển khai áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế tại Thông tư số 31/2021/TT-BTC. Việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 31/2021/TT-BTC thay thế Thông tư 204/2015/TT-BTC sẽ là bước thay  đổi lớn trong việc áp dụng quản lý rủi ro theo hướng cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thuế.

Vụ KHTC

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: