Một số chủ trương chính sách lớn năm 2019 của Bộ TNMT nghiên cứu và định hướng

Đăng ngày: 27-02-2019 | Lượt xem: 908

Về thể chế, chính sách, Ngành sẽ tập trung sửa đổi Luật bảo vệ môi trường năm 2014; tổng kết đánh giá việc thi hành Luật khoáng sản năm 2010, Luật Tài nguyên nước năm 2012. Thể chế hoá các cam kết quốc tế về môi trường mà Việt Nam đã tham gia; chủ động phòng ngừa ô nhiễm, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, coi rác thải là tài nguyên; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với các dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, kiểm soát chặt chẽ các dự án tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong điều kiện hội nhập quốc tế. Tạo đột phá về cải cách thủ tục hành chính, triển khai các cơ chế thí điểm về đất đai.

Thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết cơ bản các điểm nóng phát sinh về khiếu nại, tố cáo. Tăng cường thanh tra đột xuất để giải quyết tình trạng nhũng nhiễu, hành dân gây bức xúc trong dư luận. Tổ chức lực lượng thanh tra theo vùng để nắm bắt và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật. Đa dạng hoá các kênh thông tin để tiếp nhận phản ánh kiến nghị. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành. Triển khai tổ công tác liên ngành để giải quyết các vụ việc phức tạp kéo dài, các điểm nóng phát sinh.

Chuẩn bị hạ tầng phục vụ quản lý thông minh dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0. Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quản lý địa chính 3D; tập trung xây dựng Trung tâm dữ liệu cho vùng ĐBSCL kết nối liên vùng và tiểu vùng Mê Công. Tập trung xây dựng dữ liệu nền địa lý, dữ liệu địa hình, không gian (NSDI), cung cấp các dịch vụ vệ tinh, kết nối vạn vật sẵn sàng cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xây dựng đô thị thông minh, tự động hoá trong các hoạt động vận tải, giám sát các hoạt động đánh bắt thuỷ, hải sản và phục vụ các mục đích phát triển KT-XH. Lập, quản lý quy hoạch theo không gian, từng bước tích hợp các quy hoạch có sử dụng đất bao gồm cả không gian ngầm và trên không; đảm bảo thuận lợi trong tiếp cận thông tin quy hoạch của người dân. Ứng dụng công nghệ tự động trong quan trắc, giám sát tài nguyên nước và các hoạt động khai thác, sử dụng nước, quan trắc KTTV, giám sát biến đổi khí hậu. Quản lý môi trường trên nền tảng internet vạn vật. Nghiên cứu khai thác và đưa vào sử dụng các nguồn năng lượng mới như địa nhiệt, khí đá phiến, khí hóa than, năng lượng biển,...Ứng dụng công nghệ viễn thám trong điều tra cơ bản về tài nguyên, giám sát lãnh thổ, biển, hải đảo; quản lý, giám sát môi trường, nguồn nước xuyên biên giới, biến động diện tích đất rừng, các khu vực có nguy cơ sạt lở.

 

Nâng cao chỉ số tiếp cận, sử dụng bền vững, phát huy hiệu quả các nguồn lực tài nguyên. Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, đổi mới công tác định giá đất, giải quyết các vấn đề trong khai thác nguồn lực đất đai. Tập trung cải cách TTHC, kết nối liên thông thủ tục hành chính về đất đai với cơ quan thuế trên toàn quốc. Tăng cường tạo quỹ đất sạch để đấu giá, thực hiện thuê đất đối với các đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính. Thực hiện công tác kiểm kê đất đai, quỹ đất công ích; tập trung xử lý các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, giải quyết vấn đề đất đai của nông, lâm trường. Tăng cường trách nhiệm của cấp cơ sở trong quản lý tài nguyên đất đai, quy hoạch đất đai.

Từng bước phát huy giá trị địa chất, địa mạo, khoáng sản chiến lược. Điều chỉnh các Chiến lược, quy hoạch khoáng sản. Tập trung điều tra khoáng sản ở các vùng có nhiều tiềm năng, các khoáng sản chiến lược. Đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Nghiên cứu, điều tra tai biến địa chất phục vụ quy hoạch phát triển KT-XH, phòng tránh các nguy cơ sạt lở, sụt lún. Ngăn chặn khai thác cát sỏi, phòng chống sạt lở bờ sông, ven biển. Đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia thông qua quản lý thông minh, sử dụng bền vững tài nguyên nước. Tổ chức kiểm kê, đánh giá nhu cầu sử dụng nước, lập quy hoạch tài nguyên nước quốc gia. Tăng cường khả năng trữ nước thông qua các giải pháp phi công trình dựa vào xu thế tự nhiên. Triển khai các cơ chế điều phối, giám sát liên ngành với sự tham gia giám sát của cộng đồng. Nghiên cứu cơ chế giải quyết tranh chấp, xung đột, chủ động tham mưu chủ trương, đối sách của Việt Nam trong các vấn đề xuyên biên giới, tăng cường vai trò của Việt Nam tại Uỷ hội sông Mê Công quốc tế.

Điều tra cơ bản để vươn ra, làm chủ biển. Huy động nguồn lực để triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, trong đó ưu tiên đầu tư cho tăng cường năng lực nghiên cứu biển, phát triển đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia chuyên sâu; đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản; xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo, dự báo thiên tai biển. Triển khai đánh giá tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng ở một số vùng trọng điểm. Ngăn ngừa, giảm rác thải nhựa và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển. Tăng diện tích các khu bảo tồn biển và ven biển đạt tối thiểu 4,2% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi rừng ngập mặn ven biển.

Tin KHTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: