Kho bạc số vào năm 2030

Đăng ngày: 30-10-2021 | Lượt xem: 876
Trong những năm qua, Kho bạc Nhà nước đã xây dựng, vận hành một loạt các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) cốt lõi nhằm phục vụ các chức năng của Kho bạc Nhà nước (KBNN), đồng thời cung dịch vụ điện tử cho đơn vị giao dịch. Đến nay, KBNN cơ bản đã hình thành Kho bạc điện tử và đang hướng đến mục tiêu xây dựng Kho bạc số trong tương lai.

Kết nối thông tin, điều hành thông suốt

Kể từ khi hoàn thành triển khai Hệ thống quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) vào năm 2012, KBNN đã tổ chức vận hành thông suốt trong toàn hệ thống, giúp gắn kết các khâu của quy trình quản lý ngân sách nhà nước, đặc biệt là giữa khâu thực hiện với các khâu khác của quy trình quản lý, cải cách công tác kế toán, chuyển từ kế toán tiền mặt sang kế toán tiền mặt điều chỉnh, đồng thời, hỗ trợ các bộ, ngành trong việc phân bổ ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước tiếp tục phát triển các hệ thống công nghệ thông tin liên quan khác phục vụ chức năng quản lý ngân quỹ nhà nước như: hệ thống kiểm soát chi đầu tư qua KBNN; hệ thống dịch vụ công trực tuyến; hệ thống thanh toán điện tử tập trung; hệ thống kết nối thu ngân sách nhà nước giữa KBNN với các ngân hàng thương mại, cơ quan quản lý các đối tượng nộp ngân sách nhà nước…

Đặc biệt, KBNN đã bắt đầu thực hiện liên thông giữa các hệ thống dịch vụ công trực tuyến, TABMIS, hệ thống kiểm soát chi đầu tư qua KBNN và hệ thống thanh toán điện tử tập trung, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động của đội ngũ công chức KBNN. Trong một năm qua, KBNN đã vận hành trước liên thông hệ thống kế toán hành chính sực nghiệp với hệ thống dịch vụ công trực tuyến với dữ liệu yêu cầu chi ngân sách nhà nước tại Hà Nội và sẽ bắt đầu mở rộng từ quý IV/2021. Khi hoàn thành công việc này, KBNN sẽ có một hệ thống thông suốt, kết nối các ứng dụng kế toán tài chính của đơn vị sử dụng ngân sách đi qua hệ thống kiểm soát chi và kế toán ngân sách nhà nước của KBNN, đến khi thanh toán cho các đối tượng thụ hưởng.

Song song với đó, một loạt các hệ thống CNTT cốt lõi khác cũng được KBNN xây dựng và vận hành trong thời gian qua nhằm phục vụ các chức năng quản lý của KBNN về công tác lập báo cáo tài chính nhà nước, công tác quản lý ngân quỹ, công tác huy động vốn cho đầu tư phát triển thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ.

Nhờ sớm ứng dụng CNTT, đến nay KBNN đã phối hợp chặt chẽ với các hệ thống ngân hàng để đảm bảo công tác thu, chi, thanh toán được thông suốt, tạo thuận lợi cho người nộp NSNN và thanh toán chi trả kịp thời cho các đối tượng hưởng NSNN; duy trì hoạt động ổn định của các hệ thống thanh toán trong nội bộ hệ thống KBNN và thanh toán với các hệ thống ngân hàng đảm bảo thông suốt, kịp thời và an toàn. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của KBNN được đánh giá hoạt động ổn định, thông suốt, phục vụ 100% đơn vị thuộc đối tượng tham gia, với số lượng giao dịch hồ sơ chứng từ chi ngân sách nhà nước phát sinh đạt 99% lượng chứng từ chi của toàn quốc trên TABMIS. Có 90% đơn vị sử dụng ngân sách cài đặt ứng dụng cảnh báo rủi ro trên thiết bị di động để tra cứu kịp thời biến động số dư tài khoản và kết quả xử lý giao dịch hồ sơ chứng từ trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm phòng ngừa rủi ro và công khai minh bạch.

Ngoài ra, để phục vụ hoạt động quản trị nội bộ, KBNN cũng quan tâm triển khai một loạt các hệ thống CNTT như: hệ thống họp trực tuyến toàn ngành; hệ thống quản lý tài chính và kế toán nội bộ; hệ thống thư điện tử; hệ thống định danh người dùng toàn ngành; hệ thống cổng thông tin nội ngành. Được biết, KBNN hiện đang xây dựng hệ thống văn bản điều hành mới theo công nghệ mới, hiện đại, nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao hơn trong tương lai.

Tiếp tục triển khai nhiều hệ thống CNTT hiện đại

Sau 2 năm nghiên cứu và xây dựng, vào đầu tháng 6 vừa qua, Kho bạc Nhà nước đã ban hành Quyết định số 2739/QĐ-KBNN phê duyệt kiến trúc tổng thể CNTT tới kho bạc số. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 đưa KBNN vận hành dựa trên dữ liệu số và đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Kho bạc số.

Để tiến tới các mục tiêu này, KBNN đã đưa ra các bài toán quan trọng, trong đó có lộ trình chuyển đổi và bước đi phù hợp từ hệ thống TABMIS và các hệ thống CNTT hiện tại để hình thành Hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS) có thể liên thông dữ liệu tất cả các cơ quan nhà nước có liên quan và có thể mở rộng, tăng cường dịch vụ cung cấp trên nền tảng số của KBNN.

Bên cạnh đó, KBNN sẽ xây dựng hệ thống CNTT cho phép chuyển đổi mô hình tài khoản Kho bạc duy nhất (TSA) từ nhiều tài khoản con ở các chi nhánh ngân hàng thương mại trên toàn quốc thành tài khoản thanh toán tập trung tại hội sở chính của các ngân hàng thương mại để tăng cường hơn nữa tính hiệu quả, an toàn của ngân quỹ.

KBNN cũng sẽ từng bước xây dựng phân hệ giám sát hoạt động quỹ NSNN, ngân quỹ nhà nước và các hoạt động của KBNN trên nền tảng số. Khai thác và phân tích dữ liệu số trên cơ sở nền tảng dữ liệu lớn, công cụ phân tích phục vụ các quyết định điều hành. Ứng dụng các công nghệ số tiên tiến với kiến trúc kỹ thuật hiện đại, mô hình triển khai cuốn chiếu theo các dịch vụ cung cấp để đạt kết quả sớm nhất.

Vụ KHTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: