Dự án “Đo đạc địa hình lòng dẫn các sông chính thuộc hệ thống sông Mê Công phục vụ dự báo, phòng tránh thiên tai, sạt lở vùng đồng bằng sông Cửu Long”

Đăng ngày: 20-03-2019 | Lượt xem: 4642
Vụ Kế hoạch - Tài chính xây dựng cơ sở thẩm định trình Lãnh đạo Tổng cục xem xét trình Bộ phê duyệt nội dung và dự toán kinh phí thực hiện Dự án “Đo đạc địa hình lòng dẫn các sông chính thuộc hệ thống sông Mê Công phục vụ dự báo, phòng tránh thiên tai, sạt lở vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Vụ Kế hoạch - Tài chính đề nghị Vụ Quản lý dự báo khí tượng thủy văn (KTTV), Vụ Quản lý mạng lưới KTTV, Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trung tâm Quan trắc KTTV và Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia tham gia ý kiến về nội dung và dự toán kinh phí thực hiện dự án.

Qua thực tiễn cho thấy, các địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện các dự án trước đây trong việc xử lý sạt lở cấp bách, nên kết quả đạt được đến nay chưa cao. Một số giải pháp kỹ thuật nếu không được điều chỉnh kịp thời có thể gây mất ổn định công trình, lãng phí trong đầu tư. Các chuyên gia, nhà khoa học về môi trường dự báo khuynh hướng sạt lở sẽ diễn biến trầm trọng hơn và sẽ không có biện pháp nào ở nội tại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể cưỡng lại được.  Bởi theo dự báo, đến năm 2020, lượng phù sa về ĐBSCL sẽ giảm từ 60 đến 65% so với năm 2017. Nếu theo tốc độ xây dựng hồ đập từ các nước thượng nguồn sông Mê Kông, thì đến năm 2040, lượng phù sa ở vùng ĐBSCL chỉ còn từ 3 đến 5%. Không còn phù sa thì làm gì còn bồi lắng. Khi đó, sạt lở hẳn sẽ nhanh hơn, phức tạp hơn.

Về lâu dài, người dân cần thay đổi tập quán sinh sống ven sông hoặc kênh rạch, hạn chế tải trọng đường bờ, tránh nguy cơ sạt lở. Bên cạnh đó, quy hoạch lại dân cư, sắp xếp di dời dân vùng cảnh báo sạt lở vào các khu dân cư mới ở những vị trí có nền đất ổn định để tránh sạt lở; quản lý chặt các hoạt động xây dựng của người dân sống ven sông, kênh rạch, các hoạt động giao thông thủy bộ... Để giảm nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất, việc tìm phương án phải phù hợp với thực tế, vừa tìm giải pháp chống sạt lở, nhưng phải gắn với công tác ổn định dân cư, an sinh xã hội.

Trong đó, cần thiết phải nâng cấp và hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn và tài nguyên nước; giám sát biến động bùn, cát trên sông Mê Công; kiểm soát chặt chẽ việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, phòng, chống sạt lở bờ sông, nhất là việc khai thác cát, sỏi trên sông; cùng với đó khoanh vùng các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất, hạn chế khai thác quá mức. Trên cơ sở đó, triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình nước sạch nông thôn, đầu tư, xây dựng hệ thống cấp nước tập trung được khai thác từ nguồn nước mặt, qua đó giảm dần việc khai thác nước dưới đất phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân như hiện nay.

Tin KHTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: