Xây dựng Kế hoạch Quốc gia Thích ứng với biến đổi khí hậu: Nâng cao vai trò của tổ chức xã hội

Đăng ngày: 28-05-2019 | Lượt xem: 1295
Để xây dựng Kế hoạch Quốc gia Thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050 - một trong những nguyên tắc căn bản là cần đảm bảo quá trình này có sự tham gia của không chỉ các cơ quan Chính phủ, mà còn có các đơn vị, tổ chức ngoài nhà nước như: tổ chức xã hội, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, và cộng đồng địa phương. Trong đó, các tổ chức xã hội dân sự đang tích cực phát huy thế mạnh về hỗ trợ cộng đồng địa phương phát triển sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nhưng đồng thời cũng cần những “cú hích” để tăng tính bền vững.
T11
Các tổ chức xã hội ngày càng đóng góp nhiều hơn cho các nỗ lực thích ứng với BĐKH tại Việt Nam. Ảnh: MH

Xây dựng mô hình đi kèm đánh giá rủi ro khí hậu

Những năm gần đây, các tổ chức xã hội ngày càng đóng góp nhiều hơn cho các nỗ lực thích ứng với BĐKH tại Việt Nam, chủ yếu thông qua nhiều chương trình, dự án, nghiên cứu cụ thể, thực tiễn ở cả cấp địa phương và quốc gia. Hàng trăm sáng kiến, hành động thích ứng BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở nhiều lĩnh vực đã được triển khai, tập trung hơn ở các khu vực nhạy cảm, rủi ro cao như: trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ; Duyên hải Nam Trung Bộ; Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Những mô hình, sáng kiến này đã được chia sẻ với các cơ quan quản lý Nhà nước, các bên liên quan nhằm nhân rộng ra nhiều địa phương có đặc điểm tương đồng khác.

Trên cơ sở thực tiễn hoạt động của các tổ chức CSO là thành viên Nhóm công tác về Biến đổi khí hậu (CCWG) và Mạng lưới các Tổ chức phi Chính phủ Việt Nam về BĐKH (VNGO&CC), các mô hình đem lại hiệu quả cao nhất đã được đưa vào Báo cáo rà soát các mô hình thích ứng tiêu biểu do tổ chức phi Chính phủ (NGO) hỗ trợ triển khai trong 5 năm trở lại đây. Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội vào quá trình xây dựng Kế hoạch thích ứng quốc gia” do Quỹ Môi trường Toàn cầu tài trợ, việc xếp loại dựa trên Bộ tiêu chí đánh giá các mô hình thích ứng BĐKH cấp cộng đồng theo các mức độ thích ứng: cao, trung bình, thấp. Hầu hết, các mô hình được lựa chọn đều có tính thích ứng cao với những thay đổi của thời tiết, khí hậu, đảm bảo tính bền vững.

Theo các chuyên gia, những mô hình sinh kế do NGO hỗ trợ đều lồng ghép và đánh giá hiệu quả lồng ghép các dự án về ứng phó với BĐKH vào trong các chương trình ứng phó BĐKH và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, do đó, có tính tương tác cao với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan. Kết quả từ việc áp dụng mô hình gắn với thực tiễn là giúp tăng cường bằng chứng về các chiến lược, mô hình thích ứng hiệu quả về chi phí, nguồn lực phù hợp với bối cảnh địa phương, có tiềm năng nhân rộng và giúp nâng cao hiểu biết cho cộng đồng về các chính sách liên quan đến BĐKH.

Một số mô hình áp dụng phương thức hợp tác đồng tài trợ, có đóng góp đối ứng từ địa phương để thúc đẩy trách nhiệm và tính bền vững của các dự án về BĐKH. Bên cạnh đó, giúp tăng cường năng lực của cán bộ địa phương về quản lý dự án, đặc biệt, về tài chính và truyền thông; ưu tiên các hoạt động truyền thông và vận động chính sách để huy động nguồn lực và nhân rộng.

Bắt tay với cơ quan quản lý

Theo Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) Trương Đức Trí, để thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận Paris, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT chủ trì xây dựng Kế hoạch Quốc gia Thích ứng với BĐKH (NAP) giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050. Để có thêm thông tin cũng như các bài học thực tiễn tốt giúp hoạch định Kế hoạch thích ứng Quốc gia có tính khả thi cao, Cục đã khuyến khích và phát huy sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự vào quá trình này ngay từ giai đoạn đầu.

Mới đây, Cục Biến đổi khí hậu cùng với VNGO&CC và CCWG đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực BĐKH cho giai đoạn 2019 - 2023. Theo đó, các Bên sẽ tăng cường hợp tác nhằm nhằm nâng cao nhận thức, năng lực giữa các cơ quan về biến đổi khí hậu; phối hợp chia sẻ các thông tin về dự án ứng phó BĐKH cũng như những kinh nghiệm và bài học thành công của các NGO thực hiện ở địa phương; phối hợp thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực; tăng cường thảo luận, cùng xây dựng các dự án ứng phó BĐKH ở địa phương phù hợp với mục tiêu các bên. Các bên sẽ thường xuyên liên lạc, thảo luận về các hoạt động hợp tác, đề xuất sáng kiến hợp tác mới.

Theo bà Vũ Thị Bích Hợp, Trưởng ban điều hành VNGO&CC, để việc xác định và nhân rộng các mô hình mang tính khả thi cao trong thời gian tới, phù hợp để các địa phương đưa vào kế hoạch thích ứng của riêng mình, chính quyền địa phương cần chủ động tạo điều kiện để các tổ chức xã hội dân sự được tham gia vào quá trình đánh giá cập nhật rủi ro khí hậu cũng như xây dựng, giám sát, đánh giá các mô hình thích ứng; đặc biệt là cởi mở hơn trong việc chia sẻ, tiếp cận cơ sở dữ liệu, thông tin. Bên cạnh đó, các kết quả đánh giá khả năng thích ứng và những sáng kiến thích ứng cần được chính quyền ghi nhận và chia sẻ, truyền thông rộng rãi tại địa phương.

Việc phối hợp xây dựng các thực hành tốt sẽ làm cơ sở để các tổ chức xã hội dân sự Tư vấn kĩ thuật về các phương pháp và công cụ lồng ghép, đảm bảo sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của cộng đồng. Đồng thời, tham gia đối thoại chính sách với Chính phủ và hỗ trợ triển khai các chính sách và kế hoạch hành động ở cấp quốc gia cũng như ở địa phương.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: