Ưu tiên đánh giá nhân rộng mô hình thích ứng biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 09-04-2019 | Lượt xem: 1148
(TN&MT) - Thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ cần nhiều giải pháp mang tính đồng bộ như cơ chế chính sách, quy hoạch, huy động nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ và đánh giá nhân rộng các mô hình có tính thích ứng.
bien nha noi PLJG
Ảnh minh họa

Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, các Bộ ngành, địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và thiết thực, trong đó hình thành, phát triển các mô hình thích ứng, có tính thực tiễn cao.

Điển hình trong vùng như phát triển các mô hình nuôi tôm bền vững; chuyển đổi nông nghiệp bền vững; chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng; nâng cao chất lượng giống, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành được các vùng sinh thái nuôi tôm nước lợ; nghiên cứu, chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng; phát triển giống lúa có khả năng chịu mặn cao, phát triển giống cây ăn quả thích ứng với hạn hán, phát triển các giống cá nước ngọt chất lượng cao, phù hợp với đặc điểm của từng vùng sinh thái, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với mặt hàng trọng điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Triển khai mô hình chuyển đổi nông nghiệp bền vững theo hướng đảm bảo cơ cấu sản xuất thủy sản - cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái và triển khai hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn các tỉnh như Long An, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; đẩy mạnh ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm thuộc ngành nghề chế biến nông, thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hình thành hoạt động tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn gắn với quản lý tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường; phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh mô hình sáng kiến thích ứng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long tổ chức việc hướng chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn” và khai thác hợp lý tiềm năng tài nguyên nước lợ, nước mặn ở vùng ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo các ý kiến của chuyên gia, việc đánh giá hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 120-NQ-CP của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương khu vực cũng cần  ưu tiên tập trung đánh giá các mô hình và tuyên truyền nhân rộng mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là các mô hình sáng kiến trực tiếp liên quan đến sinh kế người dân khu vực đồng sông Cửu Long.

Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT cho biết, để Nghị quyết 120NQ-CP đi vào cuộc sống, cần tăng cường phối hợp tổ chức hoạt động tuyên truyền phổ biến, nhân rộng và đánh giá các mô hình, dự án hiệu quả và phù hợp về ứng phó biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Báo TN&MT

 
 
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: