Ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển kinh tế xanh

Đăng ngày: 27-01-2021 | Lượt xem: 7183
Biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại với mức độ tác động ngày càng tăng trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm cả nước tăng khoảng 0,62 độ C; thiên tai gia tăng cả về cường độ và tần suất.

Trong thông điệp gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến về thích ứng với Biến đổi khí hậu diễn ra ngày 25-26/1/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đã và đang có nhiều biện pháp nhằm tăng cường sức chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra; lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch quốc gia; đầu tư phát triển nguồn nhân lực, tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại.

Tác động nghiêm trọng đến đời sống  

Chú thích ảnh
 

Nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng kết hợp với hạn hán đã làm 20 nghìn ha lúa chết tại tỉnh Bến Tre. Ảnh: Thông Hải/TTXVN

Biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng khốc liệt và khó lường, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội. Tại Việt Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, chịu tác động nghiêm trọng: nếu mực nước dâng 1m, thì 38,9% diện tích đất của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập, khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới.

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Khu vực ven biển và đồng bằng, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam Việt Nam, thường xuyên chịu tác động nghiêm trọng của nước biển dâng, xâm nhập mặn và các hiểm họa liên quan đến khí hậu như bão và áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán. Khu vực miền núi cũng thường xuyên bị lũ quét và sạt lở đất với tần suất ngày càng gia tăng. 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, những biểu hiện của biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long là nhiệt độ có xu thế tăng lên trong toàn khu vực với mức tăng từ 0,4 đến 1,6 độ C/61 năm. Lượng mưa có xu thế gia tăng từ 1,5-20% trong vòng 61 năm nhưng xu thế tăng mưa mùa đông, mùa xuân, giảm ở mùa hè và các tỉnh ven biển. Các hiện tượng cực đoan như số ngày nắng nóng kéo dài; xu thế nước biển dâng từ 3,5-8,7mm/năm; hạn hán tăng từ 0,05-0,2 đơn vị/61 năm.

Nhận định về những tác động của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thắng cho rằng, nước biển dâng là thách thức lớn nhất của đồng bằng châu thổ này. Nếu nước biển dâng cao 100cm, sẽ có tới gần 40% diện tích có nguy cơ bị ngập. Trong đó, các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Hậu Giang (hơn 80%), Kiên Giang (gần 77%) và Cà Mau (gần 58%). Khi đó, ảnh hưởng của nước mặn thường xuyên làm nhiều vùng bảo tồn đất ngập nước như Tràm Chim (Đồng Tháp), U Minh Thượng (Kiên Giang), Láng Sen (Long An), Hà Tiên (Kiên Giang), Bãi Bồi, Đất Mũi (Cà Mau) trở nên kém bền vững hơn. Bên cạnh đó, một số sinh vật có thể bị tiêu diệt, 1/3 “vựa thóc” của cả nước bị ngập, 85% dân cư cần được hỗ trợ về nông nghiệp, đất bị suy thoái, hiện tượng di dân làm xáo trộn quy hoạch đô thị… Cùng với đó, xói lở bờ sông, bờ biển và giảm dòng chảy mùa khô cũng là những vấn đề rất đáng quan tâm.

Tại Vĩnh Long, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nhanh hơn liên tiếp các tháng mùa khô năm 2009, 2010, 2011, 2016 và 2019, độ mặn cao nhất trên các sông lớn của địa bàn. Hai huyện Vũng Liêm và Trà Ôn đều xấp xỉ 5‰. Đặc biệt, mùa khô 2019, mặn xuất hiện sớm, xâm nhập sâu và lập kỷ lục mới vượt đỉnh năm 2016 và kéo dài đến tháng 5. Đỉnh mặn đo được trên sông Cổ Chiên tại hai huyện Vũng Liêm và Mang Thít lên cao từ 6,2-10‰, sông Hậu tại huyện Trà Ôn lên đến 7,8‰. Đặc biệt, phía sông Tiền tại các xã cù lao Bình Hòa Phước, Đồng Phú dù cách cửa biển đến 90km nhưng vẫn xuất hiện nước mặn với nồng độ 4‰. Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Long có hơn 100 điểm sạt lở mất hàng chục ha đất. Thiệt hại do thiên tai ở Vĩnh Long từ đầu năm đến tháng 8/2020 là 334 tỷ đồng.

Năm 2020, tỉnh Cà Mau bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thiên tai gây ra. Hạn hán kéo dài trong mùa khô, kéo theo tình hình sạt lở, sụt lún đất nghiêm trọng. 14 cơn bão và 1 cơn áp thấp nhiệt đới xuất hiện trong năm tuy không ảnh hưởng trực tiếp, nhưng lại xảy ra tình trạng mưa to trên diện rộng kết hợp triều cường dâng cao làm ngập sâu nhiều nơi, kéo dài nhiều ngày. Trong năm qua có 10 đợt triều cường dâng cao với mực nước ở nhiều trạm đo vượt qua mực nước lịch sử. Toàn tỉnh có gần 514 km đường giao thông bị ngập lụt; 1.419 vị trí thuộc nhiều tuyến đường giao thông (chủ yếu là giao thông nông thôn) với chiều dài hơn 46 km bị sụt lún và sạt lở đất ven sông; gần 10km rừng phòng hộ biển Tây Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng... Ước tính tổng thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh khoảng 1.125 tỷ đồng. Trước tình hình thiên tai nguy cấp nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã liên tiếp ban hành hai quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây.

Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với 3 thách thức lớn gồm biến đổi khí hậu, các vấn đề nội tại về phát triển thiếu bền vững và tác động của hoạt động phát triển ở thượng nguồn sông Mê Công. Biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang diễn ra ngày càng nhanh, khốc liệt hơn so với dự báo trước đây, tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân trong vùng. Những thách thức mà vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt có tính chất liên ngành, vượt qua phạm vi của một ngành, ranh giới hành chính của một địa phương. Tuy nhiên các chương trình dự án, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp đã và đang được thực hiện theo góc nhìn riêng rẽ của từng bộ, ngành, địa phương, còn thiên về ứng phó cục bộ, không dựa trên việc xem xét tổng thể liên ngành, liên vùng. 

Chuyển hóa thách thức thành cơ hội phát triển bền vững

Chú thích ảnh
 

Mô hình kết hợp lúa - tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN

Biến đổi khí hậu là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo của đất nước. Tổn thất và thiệt hại sẽ tiếp tục gia tăng, đòi hỏi cần có các hành động gấp rút để kịp thời giảm nhẹ thiệt hại và tăng cường công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu.

Nhằm thể hiện rõ quyết tâm và ý chí chính trị trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng đến phát triển, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách và chiến lược về tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu với tầm nhìn trung và dài hạn. Có thể kể đến như năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg về Phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2053/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu. Theo đó, một trong những nhiệm vụ cần phải xây dựng và triển khai trong năm 2019 là xây dựng Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030. 

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1055/QĐ-TTg về Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở để Việt Nam sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng quản lý, điều phối về tài chính và kỹ thuật, thúc đẩy quá trình tham gia của cộng đồng, khối doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Nhìn chung chính sách về tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu được xác định rõ trong các văn bản ban hành và đang được tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp độ. Với chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam thể hiện quyết tâm và hành động trong phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững đất nước.

Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1982/VPCP-QHQT ngày 24/7/2020 về phê duyệt báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam để đưa ra cam kết mạnh mẽ về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng Chương trình hỗ trợ thực hiện báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (thay thế Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu- SPRCC), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng chính sách thu hút nguồn lực trong nước, quốc tế để thực hiện các nội dung báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định, đề xuất cơ chế giám sát nguồn lực hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành địa phương trên cả nước hiện nay đang khẩn trương xây dựng quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, các kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm trong đó lồng ghép việc thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh nhằm đạt các mục tiêu báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định trong giai đoạn 2021-2030.

Nhằm phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách.

Thực tiễn 3 năm triển khai cho thấy, việc kế thừa các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng với tích hợp, lồng ghép kết quả các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, các dự án phát triển đã tạo đà mạnh mẽ cho Đồng bằng sông Cửu Long. Các nhiệm vụ, giải pháp trong nghị quyết đã bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, thúc đẩy nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều nhiệm vụ, giải pháp tổng thể cả trước mắt và dài hạn, đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy định hình chiến lược phát triển bền vững cho đồng bằng lớn nhất Việt Nam theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn. 

Mặc dù, Việt Nam đã rất nỗ lực nhưng tiềm lực nền kinh tế hiện mới đáp ứng được 30% nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu của quốc gia; trong giai đoạn 2021-2030 cần huy động thêm khoảng 35 tỷ USD. Chia sẻ về sự ủng hộ của Hà Lan, Đại sứ Elsbeth Akkerman tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam và Hà Lan đều là một trong nhiều quốc gia bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu. Do vậy, hai Chính phủ tiếp tục phối hợp, đưa ra các giải pháp phù hợp ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk nhấn mạnh, Ngân hàng Thế giới thời gian qua đã có sự phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong công tác liên quan đến biến đổi khí hậu, cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam hướng tới môi trường xanh, sạch, đẹp và trong lành. 

Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm chuyển hóa những "thách thức" do biến đổi khí hậu thành "cơ hội" phát triển bền vững cho tất cả mọi người...

Theo baotintuc.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: