Ứng phó với biến đổi khí hậu: Làm từ cộng đồng dân cư

Đăng ngày: 16-01-2018 | Lượt xem: 1039
Để góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Thành phố Hải Phòng đã triển khai xây dựng các mô hình...

Các hoạt động tham gia bảo vệ môi trường được người dân hưởng ứng tích cực

Văn Phong là địa phương của huyện Cát Hải nằm ven biển, chịu tác động của biến đổi khí hậu, vùng trọng điểm mỗi khi có bão về.

Thời tiết diễn biến phức tạp, đã gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất muối của diêm dân, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó do trình độ dân trí của người dân không đồng đều, ý thức của nhân dân còn hạn chế đã khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. 

Nhằm phát huy vai trò tự quản của người dân ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Thành phố Hải Phòng đã chọn xã Văn Phong, huyện Cát Hải để xây dựng mô hình điểm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại cộng đồng dân cư vùng ven biển hải đảo.

Việc xây dựng mô hình hướng tới phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tổ chức vận động nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Thực hiện việc xây dựng mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu và nuớc biển dâng tại cộng đồng dân cư vùng ven biển hải đảo, Uỷ ban MTTQ xã Văn Phong đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu với các nội dung trọng tâm tuyên truyền, vận động và phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về biến đổi khí hậu, tác động của biến đổi khí hậu, tham gia hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Các hoạt động tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được Ban chỉ đạo tổ chức triển khai lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các tiêu chí tham gia bảo vệ môi trường được cụ thể hóa vào nội dung của cuộc vận động động, coi đây là tiêu chí để đánh giá công nhận gia đình văn hóa. 

Bên cạnh đó các tổ chức thành viên của Mặt trận cũng hưởng ứng tích cực với các phong trào, mô hình hoạt động được tổ chức lồng ghép gắn với tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, như “đoàn kết bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp”, “Khu dân cư xã, phường ven biển, hải đảo an toàn, lành mạnh” đã góp phần tích cực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu từ chính cộng đồng khu dân cư.

Đến nay 3/3 thôn của xã Văn Phong đã thành lập tổ thu gom rác thải, có lịch trình thu gom, vận chuyển rác đến nơi tập trung có hiệu quả. Các khu dân cư tổ chức thành lập 22 tổ liên gia tự quản nhằm giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, đảm bảo giữ vệ sinh môi trường. Toàn xã đã có gần 90% hộ gia đình không vi phạm nội dung bản cam kết thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Thành phố Hải Phòng, từ thành công trong việc xây dựng mô hình sẽ tiến hành rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức triển khai, nhân diện rộng trên địa bàn thành phố cùng với mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” qua đó góp phần nâng cao nhận thức cũng như thay đổi hành vi, thói quen của người dân, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, Thành phố Hải Phòng cũng ưu tiên thực hiện chương trình nâng cao nhận thức và năng lực ứng phó về biến đổi khí hậu cho cơ quan quản lý các cấp và cộng đồng dân cư.

Thành phố tập trung triển khai các dự án phục hồi và phát triển rừng phòng hộ ven biển, ven sông. Lựa chọn và nhân rộng một số mô hình sinh kế bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho cộng đồng dân cư ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học vùng biển Cát Bà và Bạch Long Vĩ…  
 
Nguồn: Đại đoàn kết
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: