Ứng phó biến đổi khí hậu trong bối cảnh mới

Đăng ngày: 26-03-2022 | Lượt xem: 6408
Hội thảo trực tuyến “Ứng phó biến đổi khí hậu trong bối cảnh mới” do Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu phối hợp cùng tổ chức WWF Việt Nam, Nhóm Công tác về Biến đổi khí hậu của Tổ chức phi chính phủ (CCWG); Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) Việt Nam và Liên minh Hành động vì Khí hậu Việt Nam (VCCA) đồng tổ chức.

Hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ và cập nhật thông tin về các chiến lược, chương trình, kế hoạch quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thảo luận tình hình triển khai các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, xác định các khoảng trống, ưu tiên và định hướng ứng phó biến đổi khí hậu để đạt được các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu trong bối cảnh mới.

Ảnh minh họa

Hội thảo nhấn mạnh vai trò của nhóm các tổ chức xã hội dân sự về biến đổi khí hậu tại Việt Nam cho quá trình phục hồi xanh. Họ đang giúp tư vấn cho chính phủ, các nhà tài trợ và đối tác phát triển về các chính sách và cơ chế thực thi mang tính bao trùm. Các tổ chức này cũng thúc đẩy và giám sát việc xây dựng chính sách, thực hiện các dự án; đánh giá và truyền thông về mặt lợi ích, cũng như tác động tiềm tàng của BĐKH và nhiên liệu hóa thạch đến cộng đồng và nhóm dễ bị tổn thương; triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về tác động của BĐKH lên các mặt xã hội và sức khỏe; giới thiệu các mô hình, công nghệ và thực hành tốt đến các nhà hoạch định chính sách...

Đại diện hai mạng lưới VCCA và CCWG cũng đã chia sẻ một số khuyến nghị được tổng hợp từ khảo sát với các tổ chức để thúc đẩy quá trình xây dựng và thực hiện chính sách khí hậu. Theo đó, cần thúc đẩy sự phối hợp giữa các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính trong triển khai các Chương trình, chiến lược về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, sản xuất và tiêu dùng bền vững, mua sắm công bền vững hướng tới đạt được các cam kết của VN tại COP26.

Tại địa phương, cần có các hướng dẫn thực hiện cụ thể giúp các địa phương triển khai các chính sách quốc gia phù hợp với điều kiện của mình theo lộ trình rõ ràng nhằm lồng ghép ứng phó với BDKH vào các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội các cấp.

Cần tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch cụ thể và thực tiễn nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức của người dân về chính sách, các chương trình ứng phó với BĐKH cấp quốc gia và địa phương. Các thông tin và hình thức truyền tải rõ ràng, dễ hiểu hướng tới huy động sự tham gia của từng cá nhân, cộng đồng, các tổ chức xã hội và đối tác đóng góp cho các mục tiêu khí hậu quốc gia.

Các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương nhất bởi BĐKH như trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, các cộng đồng Dân tộc thiểu số, nông thôn, miền núi… cần tham gia nhiều hơn vào quá trình xây dựng, triển khai các chính sách tại địa phương và cộng đồng.

Tạp chí KTTV tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: