Ứng phó biến đổi khí hậu ở ĐBSCL: Đẩy mạnh liên kết vùng

Đăng ngày: 13-02-2020 | Lượt xem: 10692
Việc thực hiện liên kết vùng đươc coi là một trong những giải pháp quan trọng trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện trường vụ sạt lở mới tại khu vực sạt lở Quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với tất cả các lĩnh vực, các vùng, miền của Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với quy mô, phạm vi ảnh hưởng vượt quá khả năng ứng phó độc lập của từng địa phương.

Vì vậy, việc đẩy mạnh việc thực hiện liên kết vùng đươc coi là một trong những giải pháp quan trọng trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long

Biến đổi khí hậu - Thách thức lớn

Theo nghiên cứu về “Biến đổi khí hậu và những tác động đến phát triển bền vững tiểu vùng sinh thái ven biển Đồng bằng sông Cửu Long,” của các nhà khoa học Nguyễn Văn Hồng, Phan Thị Anh Thơ, Nguyễn Thị Phong Lan thuộc Phân viện Khoa học Khí tượng và Biến đổi khí hậu và Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long khu vực này luôn đối mặt với lũ và ngập lụt ở vùng thượng du, xâm nhập mặn ở vùng ven biển, đất phèn và sự lan truyền nước chua ở những vùng trũng thấp; thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt ở những vùng gần biển; xói lở bờ sông, bờ biển xảy ra ở nhiều nơi và ngày càng trở nên nghiêm trọng và ô nhiễm nguồn nước, kể cả nước mặt và nước ngầm…

Xu thế biến đổi này đang làm thay đổi vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên, tác động lớn đến tài nguyên nước. Thay đổi chế độ dòng chảy trong sông và triều cường sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới phạm vi xâm nhập mặn tại đây, đặc biệt trong những năm kiệt.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2016, nếu mực nước biển dâng 100cm và không có các giải pháp ứng phó, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nguy cơ ngập đến 38,9% diện tích. Trong đó các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,86%) và Cà Mau (57,69%).

Mặt khác, dự báo dân số ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể tăng từ 17 triệu người hiện nay lên đến khoảng 30 triệu người vào năm 2050. Công nghiệp hóa, đô thị hóa sẽ ngày càng phát triển và sẽ thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, đồng thời làm tăng nhu cầu về nước sạch cũng như phát sinh nhiều nước thải hơn.

Đây sẽ là áp lực lớn đối với nguồn nước, nhất là giải quyết vấn đề nước ngọt, ô nhiễm nguồn nước, nhất là ở các kênh, rạch nhỏ, chảy qua các khu đô thị, khu công nghiệp.

Cùng với đó, nhu cầu lương thực và nước ngọt cũng ngày càng tăng, đồng thời kéo theo những vấn đề về suy giảm chất lượng nước, ô nhiễm nguồn nước. Những vấn đề về xung đột giữa nhu cầu nước ngọt cho nông nghiệp và nhu cầu nước mặn, nước lợ để nuôi tôm đang diễn ra ở nhiều nơi.

Việc phát triển hạ tầng chống lũ, thủy lợi, giao thông đô thị, khu công nghiệp... đã làm biến đổi sâu sắc chế độ lũ như vốn có trước đây. Việc phát triển hệ bờ bao, khu dân dân cư vượt lũ... làm giảm không gian chứa lũ, thoát lũ làm gia tăng nguy cơ ngập, lụt ở nhiều khu vực.

Diện tích chứa lũ giảm đồng thời mực nước biển dâng sẽ làm tăng mực nước lũ ở khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian dài.

Ở các khu vực trung và hạ lưu, do phát triển công nghiệp và đô thị hóa cao, diện tích chứa lũ giảm và nước biển dâng làm tăng nguy cơ ngập lũ. Cung cấp nước sạch chỉ đảm bảo được cho 60-65% dân số đô thị và tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều đối với nông thôn.

Nguồn nước để cấp nước ở các khu vực nông thôn đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn là mặn và ô nhiễm nguồn nước. Nước thải chưa được xử lý, ô nhiễm công nghiệp và cơ sở hạ tầng sinh hoạt hạn chế gây ra các vấn đề về chất lượng nước và những rủi ro về sức khỏe, đồng thời không đảm bảo việc cung cấp nước.

Nếu không kiểm soát hiệu quả các vấn đề về xử lý nước thải, chất thải thì trong tương lai không xa nhiều nơi có nước nhưng không thể sử dụng do bị ô nhiễm, đặc biệt là các kênh, rạch nhỏ.

Bên cạnh đó, hệ thống ngăn mặn, giữ ngọt chưa đồng bộ hoặc việc vận hành chưa hợp lý cũng sẽ là vấn đề lớn trong việc bảo đảm nguồn nước ngọt cho canh tác và sinh hoạt. Sự gia tăng dân số tăng nhanh và việc phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong những thập kỷ qua đã làm giảm đáng kể giá trị tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều vùng đất ngập nước như rừng ngập mặn, ao, hồ, đầm phá và vùng đồng cỏ ẩm ướt đang biến mất để nhường chỗ cho hệ thống tưới tiêu, trồng rừng, ruộng muối, phát triển công nghiệp và nuôi tôm.

Ngoài ra, việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên là một mối đe dọa lớn đối với hệ sinh thái. Việc cải tạo đất và nước, thâm canh nông nghiệp, cùng với tác động sinh thái tiêu cực do chiến tranh để lại đã làm giảm đáng kể diện tích rừng tự nhiên, đất ngập nước và các môi trường sống tự nhiên khác.

Do có các công trình bảo vệ bờ ven biển nên diện tích các khu vực ngập triều ven biển bị thu hẹp, làm cho diện tích rừng ngập mặn ngày càng giảm đi và điều này làm cho tình hình xói lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng hơn.

Diện tích rừng ngập mặn đang bị thu hẹp lại, diện tích nuôi tôm gia tăng, nhất là khai thác nước ngầm bị mặn để nuôi trồng thủy sản... đang làm phức tạp thêm tình hình nhiễm mặn, nhất là các khu vực ven biển.

Kết quả “Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong” cho thấy, các bậc thang thủy điện dòng chính dự kiến sẽ gây nhiều tác động bất lợi ở mức lớn tới nghiêm trọng, nếu không có các biện pháp giảm thiểu.

Đó là các vấn đề về suy giảm dòng chảy mùa cạn trong thời đoạn ngắn hạn; suy giảm phù sa, bùn cát (tổng lượng phù sa bùn cát và dinh dưỡng bị giảm tới 65%). Nếu tính chung cả các thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong thì lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn lại khoảng 15 triệu tấn, chưa đến 10% so với điều kiện tự nhiên); xâm nhập mặn sẽ gia tăng tại hầu hết các vùng ven biển.

Tác động lên chế độ dòng chảy gây tác động về xâm nhập mặn lớn nhất, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học và gây bất lợi cho hoạt động giao thông thủy trên toàn tuyến.

Xâm nhập mặn, sạt lở - Tác động của biến đổi khí hậu

Ung pho bien doi khi hau o DBSCL: Day manh lien ket vung hinh anh 2
Bản đồ dự báo phân bố độ mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia)

Trong những năm gần đây, nguồn nước thượng lưu sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long đã thay đổi quy luật tự nhiên bởi việc xây dựng, vận hành các hồ chứa thủy điện thượng lưu, dẫn đến xâm nhập mặn có những thay đổi lớn, gây khó khăn lớn trong việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể là thời gian xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm hơn trước đây từ 1-1,5 tháng. Giai đoạn trước năm 2012, mặn thường xâm nhập đáng kể từ tháng 2 đến tháng 4, đỉnh mặn xuất hiện vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 (là tháng có dòng chảy kiệt nhất, gió Chướng hoạt động mạnh nhất).

Nhưng những năm gần đây do dòng chảy thượng nguồn đầu mùa khô về thấp, xâm nhập mặn xuất hiện từ cuối tháng 12 năm trước, đỉnh mặn xuất hiện vào tháng 2 hoặc đầu tháng 3.

Giai đoạn trước năm 2012, ranh mặn 4g/l chỉ vào từ 35-45 km, năm sâu nhất đến 60 km. Từ năm 2012 đến nay, xâm nhập mặn với ranh mặn 4g/l thường xuyên vào sâu hơn, ở mức 50- 60km, điển hình như đợt xâm nhập mặn kỷ lục năm 2016, chiều sâu xâm nhập mặn cao nhất lên tới 90km, dẫn đến hàng loạt cửa lấy nước được xây dựng trước đây ở khoảng cách cửa sông 35-50km không thể lấy nước ngọt được. Ngoài ra, các cửa cống thường có cửa van tự động đóng mở theo chênh lệnh mực nước thượng/hạ lưu đã gây tác động không nhỏ đến việc chủ động vận hành.

Với các đặc điểm về địa hình, địa chất, tác động của các yếu tố thượng nguồn, từ biển và phát triển vùng đồng bằng, tác động của biến đổi khí hậu làm gia tăng sạt lở bờ sông, vùng cửa sông ven biển.

Giai đoạn trước năm 2010, Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên xảy ra hiện tượng sạt lở. Tại một số khu vực đã ghi nhận những thiệt hại do sạt lở gây ra, nhất là những khu vực tập trung dân cư như thị xã Tân Châu, thành phố Long Xuyên (An Giang); thị xã Hồng Ngự, thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp); thành phố Vĩnh Long (Vĩnh Long). Tuy vậy, xu thế chung là ổn định, không gia tăng quá mức và vùng ven biển có xu thế bồi là chính.

Từ năm 2010 tới nay, sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp và có mức độ gia tăng cả về phạm vi và mức độ nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng vùng ven biển và làm suy thoái rừng ngập mặn ven biển.

Trung bình hằng năm, xói lở đã làm mất khoảng 300ha đất, rừng ngập mặn ven biển. Hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834km; trong đó, sạt lở bờ sông 512 điểm với tổng chiều dài khoảng 566km (chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch); sạt lở bờ biển 52 điểm với tổng chiều dài 268km.

Liên kết vùng ứng phó với biến đổi khí hậu

Ung pho bien doi khi hau o DBSCL: Day manh lien ket vung hinh anh 3
Cánh đồng lúa mất trắng ở Bạc Liêu do hạn hán và xâm nhập mặn. (Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm/TTXVN)

Trước những thách thức nêu trên, các chuyên gia Viện Địa lý nhân văn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề xuất một số giải pháp về liên kết vùng.

Cụ thể là hoàn thiện cơ chế điều phối vùng Đồng bằng song Cửu Long nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích phát triển giữa các bên liên quan, giữa các ưu tiên trước mắt với mục tiêu lâu dài giảm thiểu các xung đột lợi ích giữa các địa phương, các tiểu vùng trong khu vực, giữa các lĩnh vực kinh tế.

Đẩy mạnh vai trò liên kết vùng trong việc hoạch định các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ cho các địa phương kỹ thuật trong việc lập quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với thế mạnh của địa phương và có sự liên kết vùng nông nghiệp, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư.

Tăng cường thực hiện các chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản tại Đồng bằng song Cửu Long (các hiện tượng xói lở, xâm nhập mặn, điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất...), đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Trung tâm Tích hợp dữ liệu vùng; xây dựng hệ thống thông tin, quản lý cơ sở dữ liệu về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, tạo sự liên kết, phối hợp, điều phối trong hoạt động chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đẩy mạnh thu hút, huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững, tìm kiếm cơ hội khai thác dòng vốn nước ngoài. Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt và giao vốn đầu tư công cho những công trình, dự án trọng điểm, có quy mô vùng, liên vùng tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội bền vững toàn vùng; tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai thực hiện các dự án.

Mặt khác các địa phương ở Đồng bằng song Cửu Long cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trong vùng, đổi mới hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Các địa phương khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã thành viên đầu tư vào những dự án sản xuất hiện đại, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, quy mô lớn, ứng phó với thách thức từ thiên tai và biến đổi khí hậu. Xây dựng đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng các xu hướng dịch chuyển sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường./.

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: