Trái đất đối mặt với tuyệt chủng nếu càng nóng lên và biến đổi khí hậu gia tăng: Nhân loại đang ở giữa Cuộc Đại tuyệt chủng lần thứ 6?

Đăng ngày: 09-05-2019 | Lượt xem: 1559
Các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo Trái đất bước vào Cuộc Đại tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 và có nhiều bằng chứng gần đây cho thấy, nhân loại có thể đang ở giữa chu kỳ của Cuộc này.
Anh 1 trang 6
Con người trực tiếp gây ra Cuộc Đại tuyệt chủng lần 6

Con người đang can thiệp thô bạo

Những Cuộc Đại tuyệt chủng trước đây có thể bị thúc đẩy bởi yếu tố tự nhiên hay vũ trụ nhưng Cuộc Đại tuyệt chủng lần thứ 6 này là kết quả hành động của con người.

Dưới bàn tay can thiệp của con người, hầu như tất cả các hệ sinh thái trên Trái đất đều đã biến đổi. Đặc biệt, trong vòng 50 năm qua, các hệ sinh thái đã thay đổi với tốc độ nhanh chóng hơn bao giờ hết. Ngày nay, sự thay đổi chóng mặt đó đang diễn ra rõ rệt ở các nước đang phát triển. Chẳng hạn như việc khai thác kiệt quệ nguồn thủy sản trên diện rộng hay sự lạm dụng tài nguyên nước vào sản xuất nông nghiệp đã làm các hệ sinh thái bị ảnh hưởng.

Chính phủ Úc vừa xác nhận loài gặm nhấm nhỏ, có tên khoa học là Bramble Cay melomys, đã trở thành động vật có vú đầu tiên trên thế giới tuyệt chủng vì "biến đổi khí hậu do con người gây ra".

Bramble Cay melomys từng sống tại một hòn đảo nhỏ nằm trên rạn san hô Great Barrier tọa lạc ở eo biển Torres, giữa bang Queensland - Úc và Papua New Guinea, với hàng trăm cá thể vào những năm 1970. Tuy vậy, số lượng của loài gặm nhấm màu nâu này sụt giảm nhanh chóng đến mức bị chính quyền Bang Queensland liệt vào danh sách có nguy cơ bị tuyệt chủng vào năm 1992. Chính phủ Úc xác nhận: Sự tuyệt chủng của Bramble Cay melomys là một thảm kịch.

 Các hệ sinh thái phụ thuộc vào những vòng tuần hoàn cơ bản của sự sống như các chu trình nước, các bon và các chất dinh dưỡng. Các hoạt động của con người đã làm thay đổi những chu trình này thông qua việc sử dụng ngày càng cạn kiệt nguồn tài nguyên nước ngọt, thải khí CO2và dùng quá nhiều phân bón. Điều này không những làm tổn thương chính các hệ sinh thái mà còn ảnh hưởng đến nguồn lợi mà các hệ sinh thái đó mang lại cho con người.

Các quần thể động thực vật đã giảm về số lượng, diện tích vùng cư trú của chúng cũng thu hẹp. Hiện, có đến 1/4 các loài động vật có vú trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng. Trong vòng 100 năm qua, hoạt động của con người đã gây ra tình trạng tuyệt chủng nhiều hơn là do các quá trình tự nhiên gây ra từ 50 - 1.000 lần. Các bằng chứng về khảo cổ học ngày càng cho thấy, có nhiều loài giống nhau đã từng phân bố ở các vùng miền khác nhau trên Trái đất nhưng giờ đã không còn tồn tại. Một số loài quý hiếm đã biến mất và những loài phổ biến lan tràn đến các khu vực mới, tính đặc thù về di truyền của các loài cũng đã giảm đi, cụ thể là các cây trồng và vật nuôi.

Hàng loạt dấu hiệu đáng lo

Trong một nghiên cứu mới công bố hồi đầu năm 2019 trên ScienceDirect, các nhà khoa học đã dựa vào tổng cộng 73 khảo sát trước đây về sự suy giảm số lượng côn trùng trên toàn thế giới và đưa ra kết luận: Cứ mỗi năm, số lượng côn trùng lại giảm đi 2,5%.

Đây thực sự là một con số đáng báo động, đe dọa nghiêm trọng tới hệ cân bằng sinh thái trên phạm vi toàn Trái đất. Nếu không được ngăn chặn, rất có thể con người sẽ không còn được nhìn thấy một con côn trùng nào nữa trong vòng 100 năm tới. Francisco Sánchez-Bayo, đồng tác giả nghiên cứu đang làm việc tại Đại học Sydney cho biết: Trong 10 năm, chúng ta sẽ mất đi 1/4. Trong 50 năm, chỉ còn một nửa, và 100 năm sau sẽ chẳng còn gì”.

Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Các loài côn trùng thụ phấn như ong, bướm... vốn có vai trò lớn đối với hệ sinh thái. Khi chúng biến mất, thực vật sẽ khó tồn tại hơn, chưa kể nhiều loài chim, bò sát, cá... thậm chí là cả con người cũng chịu ảnh hưởng.

Chưa dừng lại ở đó, IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế) cảnh báo, hiện, có khoảng 27% các loài sinh vật trên Trái đất đang có mặt trong sách Đỏ, với hạng mục nguy cơ bị tuyệt chủng. Trong đó, 40% lưỡng cư, 25% động vật và 33% các loài san hô đang bị đe dọa. IUCN dự đoán rằng, trong vòng 100 năm tới, 99,9% các loài nguy cấp và 67% loài đang bị đe dọa hiện nay sẽ hoàn toàn biến mất.

Theo thống kê từ WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên), khoảng 17% diện tích rừng Amazon đã bị phá hủy trong 5 thập kỷ qua, nghĩa là khu rừng mất ít nhất 70.000 km2 mỗi năm. Trong đó, phần lớn là vì con người chặt hạ để trồng trọt và chăn nuôi. Hiện tại, Amazon đang là hệ sinh thái đa dạng nhất thế giới, với hơn 80% các loài động vật quý hiếm đang có mặt ở đây. Việc rừng bị chặt hạ sẽ đẩy chúng vào con đường tuyệt chủng nhanh chóng, chưa kể còn góp phần khiến cho Trái đất ngày càng nóng lên.

Theo một nghiên cứu từ năm 2018, 50 năm nữa, kể cả khi con người hoàn toàn biến mất, Trái đất cũng phải mất đến 3 - 5 triệu năm nữa mới có thể phục hồi đến ngưỡng như thời điểm hiện tại. Và nếu để hồi phục như thời điểm con người chưa xuất hiện, phải mất đến 7 triệu năm. Các đại dương đang hấp thụ rất nhiều nhiệt lượng từ khí quyển Trái đất. Theo ước tính, nhiệt lượng tăng thêm trong khí quyển do khí nhà kính mang đến đã bị các đại dương hấp thụ đến 93% và điều này khiến san hô và các loài thủy sinh bị hủy diệt nhanh chóng.

Năm 2018, nhiệt độ tại các đạidương đang tăng nhanh hơn bình thường đến 40%. Quá trình này làm tăng nồng độ Acid trong nước biển, khiến san hô bị nhuộm trắng và vĩnh viễn không thể hồi phục. Nhiệt độ tăng làm băng 2 cực tan ra và hiển nhiên nước biển cũng dâng lên. Theo báo cáo của Bộ Môi trường Úc vào đầu tháng 2/2019, loài chuột Bramble Cay tại Queensland đã chính thức tuyệt chủng vì nguyên nhân này.

Chắp nối dữ kiện trên cho thấy, tất cả những gì loài người gây ra với thiên nhiên hoang dã là vô cùng đáng trách. Và chúng ta phải có trách nhiệm lớn về những vấn đề môi trường toàn cầu này. Nó không chỉ đơn giản là sự an toàn của các loài động thực vật mà còn là sự an toàn của toàn bộ sự sống trên Trái đất.

Kể từ năm 1880, nhiệt độ trung bình của Trái đất đã tăng 0,8oC và 2/3 mức tăng đó đã xảy ra kể từ năm 1975. Bên cạnh đó, nhiệt độ của các đại dương trên Trái đất đang tăng. Theo kịch bản hiệu ứng nhà kính như hiện tại, vào năm 2100, sự nóng lên ở các đại dương sẽ đạt gần 20% sự nóng lên như ở cuối Kỷ Permi và đến năm 2300, nó sẽ đạt từ 35 đến 50%.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: