Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì Hội thảo truyền thông về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL

Đăng ngày: 17-06-2019 | Lượt xem: 1243
Trong khuôn khổ Diễn đàn Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2019, chiều 17/6 tại Hội trường Thành ủy TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã chủ trì Hội thảo truyền thông về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. Hội thảo nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của báo chí đối với những tác động biến đổi khí hậu lên đồng bằng sông Cửu Long, cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về quản lý đồng bằng thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như đưa ra những định hướng hỗ trợ của các đối tác phát triển cho phát triển đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ trưởng Thành
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu chủ trì Hội thảo

Tham dự Hội thảo có GS.TS. Mai Trọng Nhuận, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu; GS.TS Trần Thục - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu; bà Madhu Raghunath, Trưởng nhóm Phát triển bền vững, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; ông Robbert Moree, Điều phối viên chương trình Đồng bằng, Cố vấn chính của Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý Nước, Hà Lan cùng các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế. Hội thảo thu hút sự có mặt của lãnh đạo, đại diện lãnh đạo và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trong nước.

Về phía Bộ TN&MT, dự hội thảo có: Thứ trưởng Lê Công Thành; Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường; Vụ trưởng Vụ Thi đua, khen thưởng và tuyên truyền Vũ Minh Sơn; Giám đốc Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường Nguyễn Việt Dũng; Viện trưởng Viện chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Thế Chinh; Viện trưởng Viện khoa học KTTV và BĐKH Nguyễn Văn Thắng… cùng lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.

Các diễn giả
Các diễn giả điều hành Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết: Biến đổi khí hậu đang là thách thức toàn cầu và lớn nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả các quốc gia trên thế giới. Việt Nam chúng ta cũng không phải ngoại lệ. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức về chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu của toàn xã hội thông qua truyền thông, báo chí và sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế là vô cùng quan trọng, cần thiết.

Theo Thứ trưởng, trong thời gian qua, chủ đề về tài nguyên và môi trường nói chung và thích ứng biến đổi khí hậu nói riêng luôn được các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm, thường xuyên tổ chức thông tin, tuyên truyền; đồng thời, các cơ quan truyền thông cũng đã ưu tiên thời lượng, dung lượng đăng phát, đổi mới phương thức truyền thông; qua đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đối khí hậu, nâng cao trách nhiệm, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạch định chiến lược, chính sách và tổ chức thực hiện chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, truyền thông về biến đổi khí hậu cũng đang gặp phải các khó khăn, hạn chế, như việc hiểu về các vấn đề của biến đổi khí hậu chưa thực sự đầy đủ và toàn diện; phương pháp truyền thông chưa thực sự phong phú, hấp dẫn, thu hút người dân; dung lượng, thời lượng, nội dung truyền thông về biến đổi khí hậu chưa thực sự đáp ứng so với yêu cầu thực tiễn hiện nay. Đặc biệt là tính lan tỏa, tính chuyên nghiệp của truyền thông về biến đổi khí hậu chưa cao; chưa thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền.

Các chuyên gia
Các chuyên gia tham dự Hội thảo

Do đó, theo Thứ trưởng Lê Công Thành, tại Hội thảo hôm nay, với các bài trình bày của các diễn giả là các nhà khoa học, lãnh đạo cơ quan báo chí truyền thông, đối tác phát triển quốc tế có nhiều kiến thức khoa học, kinh nghiệm về biến đổi khí hậu, sẽ là cơ hội tốt để nâng cao hiệu quả truyền thông, tăng cường nguồn lực cho hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu; góp phần thu hút sự quan tâm, vào cuộc một cách mạnh mẽ của hệ thống chính trị trong các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu thời gian tới.

“Thay mặt Lãnh đạo Bộ TN&MT, tôi mong muốn các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển; các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam, với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong các hoạt động nhằm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam” - Thứ trưởng Lê Công Thành nói.

Nhân dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2019, Thứ trưởng Lê Công Thành chúc các bạn nhà báo, phóng viên, các cơ quan thông tấn báo chí đạt nhiều thành công mới trong hoạt động truyền thông; phát huy tốt nhất bản lĩnh chính trị và năng lực chuyên môn để có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp sự phát triển bền vững của đất nước.

Quang cảnh
Quang cảnh Hội thảo chiều 17/6 tại TP.HCM

Tại Hội thảo, các chuyên gia, lãnh đạo các cơ quan báo chí chia sẻ với các nhà báo về các nội dung: Thuận thiên để thích ứng, biến “nguy” thành “cơ” (Nhà báo Lê Quốc Hưng - Giám đốc cơ quan thường trú VOV tại ĐBSCL) Chia sẻ, mong đợi từ truyền thông về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL (GS.TS Mai Trọng Nhuận); Vai trò trách nhiệm của báo chí với BĐKH ở ĐBSCL: Phát triển Mê Công xanh (Nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ TP.HCM); Thích ứng với các vấn đề về nước và khí hậu tại các nước đồng bằng (ông Robbert Moree, Điều phối viên chương trình Đồng bằng, Cố vấn chính của Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý Nước, Hà Lan); Định hướng hỗ trợ của các đối tác phát triển cho ĐBSCL (bà Madhu Raghunath, Trưởng nhóm Phát triển bền vững, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam)…  

Về thuận thiên để thích ứng, Nhà báo Lê Quốc Hưng - Giám đốc cơ quan thường trú VOV tại ĐBSCL cho biết, thực tế khách quan về sức tàn phá của biến đổi khí hậu là điều ai cũng hiểu, nhưng để biết đầy đủ và thực hiện theo phương thức sống thuận thiên thì rất cần sự đóng góp của các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông. “Báo chí truyền thông đã, đang và sẽ luôn đồng hành, sát cánh, phản ánh trung thực nhất đời sống xã hội ở ĐBSCL” - Nhà báo Lê Quốc Hưng cho hay.

Còn theo bà Madhu Raghunath, Trưởng nhóm Phát triển bền vững, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, trong thời gian tới, các đối tác phát triển cũng cam kết tăng cường hỗ trợ để làm cho các hệ thống sản xuất tại ĐBSCL trở nên thích ứng hơn với khí hậu và gia tăng sự phát triển bền vững môi trường… "Để làm được điều này, chúng tôi cần sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan truyền thông trong việc cùng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP và triển khai chương trình hành động tổng thể" - bà Madhu Raghunath nói.

Hội thảo đang diễn ra, Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.

Theo Báo TNMT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: