Tăng cường năng lực thể chế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 04-01-2019 | Lượt xem: 1396
(TN&MT) – Chiều 4/1 tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019. Trước những yêu cầu cấp thiết về công tác ứng phó BĐKH cả trong nước và quốc tế, dự kiến năm nay, Cục sẽ mở mới các nhiệm vụ chuyên môn về xây dựng hướng dẫn tích hợp lồng ghép nội dung BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh; đánh giá hiện trạng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam; đánh giá hiệu quả hoạt động của các hoạt động ứng phó với BĐKH tại đồng bằng sông Cửu Long để đề xuất các giải pháp ưu tiên.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; ban lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu và các đơn vị trực thuộc Cục.

 thu truong

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại Hội nghị

Hoàn thành tốt các nhiệm vụ

Trình bày báo cáo Tổng kết công tác năm 2018 của Cục Biến đổi khí hậu, Phó Cục trưởng Phạm Văn Tấn cho biết, năm 2018, Cục Biến đổi khí hậu đã chủ động đề ra chương trình công tác thực hiện các nhiệm vụ được Bộ giao phó. Đến nay, Cục đã hoàn thành đúng tiến độ và đạt yêu cầu theo chương trình, đặc biệt là đối với một số nhiệm vụ lớn do Thủ tướng Chính phủ giao và các vấn đề liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu đang được xã hội quan tâm.

Trong xây dựng thể chế, tham mưu hoạch định chính sách, Cục đã chủ trì xây dựng và hoàn thiện dự thảo “Nghị định của Chính phủ quy định lộ trình và phương thức  giảm nhẹ phát thải KNK”, trình Bộ để trình Chính phủ đúng tiến độ theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật 2018. Việc rà soát sửa đổi, bổ sung Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hệ thống quốc gia kiểm kê khí nhà kính được tiến hành đồng thời để tích hợp vào dự thảo Nghị định. Bên cạnh đó, Cục đã phối hợp với Bộ Công Thương soạn thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch của Bộ Công Thương – Bộ TN&MT quy định về quản lý nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập - tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

Năm qua, Cục đã phối hợp, tham gia Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Chính sách pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH năm 2018; đoàn công tác của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khảo sát dự án điện gió tỉnh Bạc Liêu và tình hình sạt lở do BĐKH ở khu vực Đất Mũi, Bạc Liêu. Công tác kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về BĐKH được thực hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung vào các dự án theo cơ chế phát triển sách (CDM). Trong thời gian diễn ra kỳ họp quốc hội, Cục đã tích cực chuẩn bị các nội dung liên quan đến công tác ứng phó BĐKH để trả lời kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu Quốc hội.

ban anh dao

Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường phát biểu tại Hội nghị

Trong công tác chuyên môn, Cục Biến đổi khí hậu đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, đối tác phát triển, các chuyên gia, nhà khoa học xây dựng Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL; Kế hoạch hành động của Bộ TN&MT thực hiện Nghị quyết 120; Kế hoạch quốc gia về thích ứng BĐKH giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; dự thảo Thông báo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam cho công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH.

Trong năm 2018, Cục đã tích cực triển khai các hoạt động thực hiện Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; triển khai rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC), đồng thời, phối hợp với các đối tác phát triển và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện 2 đợt giám sát triển khai các hành động chính sách các năm 2016, 2017, 2018 thuộc Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SPRCC) và đề xuất Khung Chính sách năm 2019. Bên cạnh đó, Cục cũng phối hợp với các Bộ ngành xây dựng và cập nhât cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu; tích cực triển khai Chương trình Mục tiêu Ứng phó BĐKH và Tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, năm 2018, Cục đã tham gia Ban công tác đàm phán quốc tế về BĐKH; Ủy ban Hỗ hợp thực hiện cơ chế tín chỉ chung JCM với Nhật Bản; Tổ chức Mạng lưới trung tâm công nghệ khí hậu (CTCN). Đặc biệt, tích cực phối hợp với các bên liên quan triển khai thực hiện kết quả hội nghị COP 23 và chuẩn bị tốt các nội dung cho Đoàn Việt Nam tham dự COP 24 vào tháng 12/2018. Các Dự án ODA đã được tích cực triển khai trong năm và đạt được mục tiêu, đảm bảo tiến độ, chất lượng theo kế hoạch. Việc thực hiện các đề tài khoa học cũng hoàn thành theo kế hoạch đề ra từ đầu năm.

Tăng cường vai trò của cơ quan đầu mối BĐKH

Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu ứng phó BĐKH và TTX giai đoạn 2016 – 2020, Cục đã chủ động phối hợp tốt với Sở TN&MT, Ủy ban các tỉnh, địa phương liên quan tham mưu Bộ hướng dẫn các địa phương rà soát hoàn thiện mục tiêu và kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình. Về thực hiện Thỏa thuận Paris, đến nay, 50/63 tỉnh, thành phố đã có Kế hoạch chi tiết thực hiện Thỏa thuận.

anh 3

Quang cảnh Hội nghị

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, theo ông Tấn, Cục Biến đổi khí hậu sẽ chú trọng hoàn thiện thể chế chính sách, đôn đốc việc triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cập nhật thông tin, dữ liệu mới ở trong nước và quốc tế để phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Từ đó, tăng cường vai trò của cơ quan đầu mối quốc gia, tăng cường phối hợp các Bộ, ngành địa phương trong ứng phó BĐKH.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành biểu dương những thành tích Cục Biến đối khí hậu đạt được trong năm 2018, đặc biệt, lãnh đạo Cục đã nhận định được hướng đi cũng như cụ thể các công việc cần triển khai.

Thứ trưởng đề nghị Cục chủ động xây dựng các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành Nghị định về lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải, đề xuất phương án đánh giá kiểm kê phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Về hợp tác quốc tế, Việt Nam chuẩn bị thực hiện nghĩa vụ bắt buộc cắt giảm phát thải khí nhà kính theo quy định của Thỏa thuận Paris, vì vậy, cần tăng cường năng lực cho đoàn Việt Nam tham gia các kỳ họp COP để không chỉ học hỏi, mà phải tham gia đàm phán các điều khoản, tranh luận, đưa quan điểm bảo vệ quyền lợi của VIệt Nam.

Hạn chế hiện nay là hệ thống chính sách BĐKH còn ít, bởi vậy, Thứ trưởng đề nghị Cục sẽ xây dựng kế hoạch tăng cường thể chế về BĐKH để có lộ trình thực hiện cụ thể. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường sẽ được rà soát, sửa đổi trong năm 2019, trong đó có các quy định về lĩnh vực BĐKH nên cần có những góp ý cụ thể từ Cục. Bên cạnh đó, Cục Biến đổi khí hậu cần phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu vấn đề kinh tế biến đổi khí hậu, làm cơ sở hoạch định chính sách sau này.

Tại Hội nghị, Cục trưởng Tăng Thế Cường khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng và các góp ý, đưa vào Chương trình công tác năm 2019 để có kế hoạch triển khai cụ thể trong thời gian tới.
 

Trọng tâm năm 2019, Cục Biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục hoàn thiện Nghị định quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải KNK (hiện đã trình Chính phủ) và các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành. Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương điều phối Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020 và hoàn thành NAP; đẩy nhanh tiến độ rà soát, cập nhật NDC

Bên cạnh việc mở mới các nhiệm vụ chuyên môn, Cục tiếp tục phối hợp với các bộ ngành và cơ quan liên quan trong việc xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu; nghiên cứu triển khai các nội dung được nêu tại Văn bản COP 24 và phối hợp với các đối tác quốc tế triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam, đề xuất việc tham dự các đợt họp tiếp theo về đàm phán quốc tế về BĐKH…

Ngoài ra, Cục sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hai sự kiện quan trọng sẽ diễn ra trong năm 2019 là Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long và Hội nghị Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Hà Lan về thích ứng với BĐKH và quản lý nước. Tiếp tục thực hiện đảm bảo tiến độ các dự án ODA đang triển khai: Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các bon tại Việt Nam; Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia; kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn 2...

Nguồn: Báo TN&MT

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: