Tại sao Hội nghị thượng đỉnh BĐKH diễn ra ở Ba Lan rất quan trọng?

Đăng ngày: 03-12-2018 | Lượt xem: 1364
(TN&MT) – Hàng ngàn người đang tham dự Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) diễn ra từ ngày 2-14/12 tại Katowice, Ba Lan.

Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH lần thứ 24 (COP 24) diễn ra từ ngày 2-14/12 tại Katowice, Ba Lan

Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH lần thứ 24 (COP 24) diễn ra từ ngày 2-14/12 tại Katowice, Ba Lan

"Các cuộc đàm phán khí hậu sắp tới là vòng đàm phán quan trọng nhất kể từ khi Hiệp định Paris về BĐKH được thông qua 3 năm trước đây", Lou Leonard, Phó chủ tịch cấp cao về biến đổi khí hậu và năng lượng của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Toàn cầu (WWF) trao đổi với CNBC qua email.

Thỏa thuận Paris đạt được tại COP21 hồi năm 2015 sẽ tạo ra nhiều sự kiện tại Katowice. Chính tại COP21, các nhà lãnh đạo thế giới cam kết đảm bảo sự ấm lên toàn cầu ở mức thấp hơn 2 độ C so với mức tiền công nghiệp. Họ cũng đồng ý theo đuổi nỗ lực để hạn chế nhiệt độ tăng đến 1,5 độ C.

Theo LHQ, COP24 rất quan trọng bởi năm nay đánh dấu thời hạn đã được các bên ký kết của Hiệp định Paris đồng ý thông qua một "chương trình làm việc để thực thi” các cam kết mà họ đã thực hiện trong năm 2015.

Các cam kết khác được thực hiện tại Paris bao gồm tăng tài chính cho hành động khí hậu và phát triển "kế hoạch khí hậu quốc gia" vào năm 2020.

"Mọi người từ khắp nơi trên thế giới sẽ được biết những gì các nhà lãnh đạo thế giới thực hiện tại vòng đàm phán này. Đây là thử nghiệm lớn nhất mà chúng tôi biết về cam kết của các quốc gia đối với Thỏa thuận Paris" - Leonard nói.

Mức phát thải cao

Trong cuộc đàm phán, một số báo cáo đã vẽ ra bức tranh toàn cảnh về trạng thái hiện tại của hành tinh chúng ta.

Vào hôm 27/11, Cơ quan Môi trường Liên Hiệp Quốc đã công bố Báo cáo khoảng cách phát thải trong năm 2018 của cơ quan này. Báo cáo chỉ ra rằng trong năm 2017 tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm đạt mức cao kỷ lục 53,5 gigatonnes tương đương với CO2.

Ngày 29/11, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết nhiệt độ toàn cầu trung bình trong năm 2018 được dự báo ở mức cao thứ tư trong kỷ lục. WMO cũng cho rằng 20 năm ấm nhất trong kỷ lục đã xảy ra trong 22 năm qua, với "top bốn" năm ấm nhất diễn ra trong bốn năm qua.

Trong một tuyên bố mạnh mẽ, Phó Tổng thư ký WMO Elena Manaenkova đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề về hành tinh đang nóng lên.

“Sự nóng lên tạo nên sự khác biệt đối với sức khỏe con người và tiếp cận với thực phẩm và nước ngọt, đến sự tuyệt chủng của động vật và thực vật, đến sự tồn tại của các rạn san hô và sinh vật biển” – bà Elena Manaenkova nhấn mạnh.

Việc phải làm

Ông Leonard nói với CNBC rằng vẫn còn thời gian để ngăn chặn "những tác động tồi tệ nhất" của biến đổi khí hậu và tạo ra một "tương lai an toàn hơn”.

Theo ông, nếu các nước không trình các mục tiêu quốc gia mạnh mẽ hơn trước năm 2020 thì sẽ rất "khó" để đưa ra các mục tiêu của Hiệp định Paris nhằm hạn chế sự ấm lên ở mức an toàn hơn.

"Như các báo cáo gần đây cho thấy rất rõ ràng, nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề về biến đổi khí hậu, sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và sức khỏe của chúng ta", ông khẳng định.

“Nếu bây giờ chúng ta tiếp tục chờ đợi, cộng đồng của chúng ta sẽ phải hứng chịu những vụ cháy rừng lớn hơn, sóng nóng lâu hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn và năng suất cây trồng giảm. Chúng ta không đủ khả năng chống chọi trong tương lai” - ông Leonard nhấn mạnh.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: