Quy hoạch đồng bộ, tạo liên kết giữa các địa phương ven biển đảm bảo sinh kế cho ngư dân

Đăng ngày: 14-06-2021 | Lượt xem: 2059
Môi trường biển của nước ta đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, ô nhiễm dầu, hóa chất… ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và sinh kế của người dân.

Bãi tắm bờ biển Quy Nhơn ô nhiễm nặng, dễ thấy những con sóng đen kịt sau sự cố dầu tràn. Ảnh tư liệu: VTV

Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới và mỗi năm có khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa bị đổ ra biển mỗi năm. Báo cáo hiện trạng môi trường biển của Bộ Tài Nguyên môi trường cũng chỉ ra, mỗi năm các con sông thải ra biển 880 km3 nước và 270-300 triệu tấn phù sa, kéo theo nhiều chất có thể gây ô nhiễm biển. Những khu vực có ngành du lịch phát triển, tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa thường cao hơn so với những khu vực khác…

Chia sẻ với phóng viên Người Đô Thị, GS-TS Đỗ Công Thung, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện tài nguyên và môi trường biển, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, đánh giá: Ô nhiễm môi trường biển của Việt Nam có mấy dạng gồm ô nhiễm dầu, ô nhiễm kim loại nặng, ô nhiễm các chất bảo vệ thực vật và ô nhiễm rác thải, chủ yếu rác thải nhựa (ô nhiễm trắng). Các khu vực biển bị ô nhiễm thường là những khu vực có hoạt động sinh kế phát triển mạnh. Đơn cử, ở khu vực miền Bắc có vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long (tỉnh Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng) là những khu vực có hoạt động du lịch phát triển mạnh nên cũng là khu vực có nhiễm biển cục bộ.

Ô nhiễm chất hữu cơ xảy ra thường xuyên hơn tại những khu vực nuôi trồng hải sản ở khu vực miền Bắc và miền Trung. Nguyên nhân là do tình trạng dư thừa thức ăn hải sản tại các bè hải sản gây ra ô nhiễm chất hữu cơ, hay còn gọi là thủy triều đỏ, khiến hải sản bị chết hàng loạt. Ví dụ như ở khu vực nuôi trồng hải sản ở Hang Vẹm, Cát Bà đã  ảnh hưởng đến sinh kế của những người nuôi trồng hải sản.

Theo ông, hiện trạng ô nhiễm môi trường biển ảnh hưởng đến sinh kế của những người dân ở các địa phương có biển như thế nào?

Theo tôi, có mấy nhóm đối tượng bị ảnh hưởng đến hoạt động sinh kế do ô nhiễm biển:

Thứ nhất là những người dân nghèo, không có bất cứ công cụ sản xuất nào, họ hàng ngày đi nhặt, bắt những hải sản trên biển như hàu, hà với mức thu nhập trên dưới 100 nghìn/ngày. Tuy nhiên, khi môi trường biển bị ô nhiễm, ví dụ như ô nhiễm dầu, bám các vách đá khiến hàu, hà bị chết rất nhiều hoặc bị ám mùi dầu khiến cư dân không thể khai thác, ảnh hưởng trực tiếp đến kế sinh nhai.

Cần có sự đồng quản lý giữa chính quyền địa phương cùng với người dân. Chúng ta có thể phân chia một số khu vực cho người dân tự quản lý và khai thác để bảo vệ môi trường môi trường biển tốt hơn.

Thứ hai, nhóm đối tượng có tư liệu sản xuất là những người nuôi trồng nhỏ ven biển, nuôi hải sản trên các bãi triều. Ô nhiễm môi trường biển đặc biệt là ô nhiễm hóa chất, ô nhiễm hữu cơ và kim loại nặng có thể làm cá, tôm, ngao chết hàng loạt. Nhiều trường hợp, trong một, hai năm đầu người dân có thể thu lợi nhưng sau đó đẩy người dân vào tình trạng mất trắng.

Thứ ba, nhóm đối tượng có tư liệu sản xuất tốt hơn, là những người có ngư cụ, tàu khai thác hải sản tàu. Khi ô nhiễm môi trường xảy ra, cùng với cường lực khai thác ven bờ cao, nguồn lợi hải sản ven bờ suy giảm nghiêm trọng, thậm chí lên đến 80% , thì những tàu thuyền có công suất dưới 30 mã lực chắc chắn bị ảnh hưởng tới sản lượng khai thác.

Không chỉ việc khai thác hải sản gặp khó, mà ngay cả hoạt động nuôi trồng thủy sản của nhiều bà con cư dân ven biển cũng không được thuận lợi do vùng nuôi bị ô nhiễm. Ảnh tư liệu: Zing


Cuối cùng là nhóm đối tượng tham gia vào dịch vụ du lịch ở các bãi biển. Tình trạng ô nhiễm dầu, rác thải nhựa có thể ảnh hưởng khiến nhiều khách du lịch không muốn đến, kéo theo ảnh hưởng đến các ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, làm suy giảm thu nhập của những người làm trong lĩnh vực du lịch.

Mặt khác, ô nhiễm rác thải nhựa tác động đến đa dạng sinh học khu vực ven biển, làm suy giảm nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng trực tiếp đến những ngư dân nghèo bám biển.

Hiện nay, Việt Nam chưa có một nghiên cứu cụ thể, chi tiết về các khu vực bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường biển. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu về các đảo ven bờ, đảo đá vôi chúng tôi nhận thấy những khu vực nào phát triển du lịch, khai thác khoáng sản thì đó là những khu vực bị ô nhiễm môi trường biển. Chẳng hạn, khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, đảo Phú Quốc tình trạng ô nhiễm dầu cao hơn hẳn khu vực ít khách du lịch như ở khu vực miền Trung, Côn Đảo.

Hiện nay, công tác bảo vệ môi trường biển tại các khu bảo tồn biển đang được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, Việt Nam rất chú trọng tới hệ thống 16 khu bảo tồn biển nhằm bảo vệ đa dạng sinh học.Tuy nhiên có một vấn đề cần lưu tâm, là khi chúng ta cấm không cho các ngư dân khai thác hải sản khu vực xung quanh khu bảo tồn biển sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của ngư dân sống xung quanh khu vực này.

Tôi cho rằng, bên cạnh việc cấm khai thác ở khu vực bảo tồn, chúng ta cần tính đến đào tạo, hướng dẫn, tạo sinh kế mới cho ngư dân giúp họ đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống. Có như vậy, các ngư dân mới không làm ảnh hưởng đến giá trị của các khu bảo tồn.

Để hạn chế, tiến tới ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, song vẫn đảm bảo sinh kế cho người dân, theo ông cần thực hiện những giải pháp như thế nào?

Tôi cho rằng, khi thực hiện công tác quy hoạch, cần chú trọng tới tính đồng bộ, tính liên kết vùng giữa các địa phương ven biển. Những địa phương này cần có sự hỗ trợ, liên kết với nhau để phát triển đồng bộ, không triệt tiêu lẫn nhau.

"Phát triển nền kinh tế du lịch hiệu quả qua việc quy hoạch phát triển vùng lồng ghép kế hoạch phát triển du lịch và các lĩnh vực khác để khai thác du lịch biển đảo không mâu thuẫn với các ngành kinh tế khác, như cảng, thuỷ sản, công nghiệp, khai thác tài nguyên..."

ThS-KTS. Nguyễn Thị Hồng Diệp- Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia.

Mặt khác, việc quy hoạch các khu bảo tồn phải đi song song với việc đào tạo hoặc tạo ra những cái sinh kế mới cho ngư dân. Đây là vấn đề nổi cộm nhất. Nếu chúng ta không tính đến sinh kế đời sống của người dân một cách thỏa đáng, thì rất khó đạt kết quả tốt.

Thứ hai, để bảo vệ được các vùng biển tránh khỏi ô nhiễm, mối quan hệ giữa chính quyền với người dân các khu vực đó rất quan trọng. Tôi muốn nói là cần có sự đồng quản lý giữa chính quyền địa phương cùng với người dân. Chúng ta có thể phân chia một số khu vực cho người dân tự quản lý và khai thác để bảo vệ môi trường môi trường biển tốt hơn.

Với những địa phương xác định phát triển du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn, theo ông cần phải làm gì để hài hòa lợi ích giữa bảo vệ môi trường và đảm bảo sinh kế?

Theo quan điểm cá nhân của tôi, để hài hòa lợi ích giữa bảo vệ môi trường và phát triển du lịch, thì cần phải có sự chia sẻ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Các doanh nghiệp du lịch đóng góp kinh phí vào Quỹ môi trường dùng để trang trải cho các hoạt động dọn dẹp môi trường hay xử lý nếu xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường, như sự cố tràn dầu. Đấy là cách phát triển du lịch bền vững vẫn bảo vệ môi trường nước biển.

Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo báo Người đô thị

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: