Quảng Ninh (Quảng Bình): Nỗi lo mất đất canh tác, mất nhà cửa vì sạt lở bờ sông quá nhanh

Đăng ngày: 08-12-2017 | Lượt xem: 1074
“Cứ vào mùa mưa bão, nơi đây lại bị nước sông lấn thêm 5 - 6m. Giải pháp công trình kè bê-tông cũng bị hư hại, tê liệt”. Người dân thôn Bắc Cổ Hiền (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh...

Dòng sông Long Đại chảy qua địa bàn xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh chừng 14km. Từ cấu tạo của địa hình và dòng chảy cộng thêm tác động kinh doanh, sản xuất, khai thác khoáng sản của con người khiến hai bên bờ sông bị sạt lở từng ngày. Toàn xã có khoảng 8km bờ sông bị sạt lở nhưng chỉ có gần 2 km được xây dựng bờ kè. Nạn sạt lở ở đây không chỉ diễn ra trong mùa mưa lũ. Các thôn bị sạt lở hiện nay gồm là Đồng Tư, Tây Hiền, Bắc Cổ Hiền, Đông Cổ Hiền và Cổ Hiền. Trung bình mỗi năm, sông lấn vào đất liền từ 5 - 6m, một diện tích không nhỏ đất nông nghiệp và đất rừng bị sông lấy đi.

Tại thôn Đồng Tư và Bắc Cổ Hiền, sạt lở ăn sâu tạo thành vách dựng đứng cao trên 2m; nhiều đoạn bờ kè bê-tông bị biến dạng, vỡ nát. Hệ thống rọ đá, lưới thép nhiều đoạn đã không còn.

Kè bê-tông bị biến dạng ở nhiều điểm, mất liên kết và vỡ vụn.

Bà Nguyễn Thị Nga (thôn Bắc Cổ Hiền) cho biết: Nhà tôi có 2 sào đất trồng sắn, trồng ngô và rau màu. Mấy năm nay sạt lở, nguy cơ từng mét đất bị sông cuốn đi càng cận kề. Bờ kè do Nhà nước xây lên cho thấy hiệu quả vì giảm thiểu được sức nước tàn phá đất ven sông, nhưng 2 - 3 năm gần đây tuyến kè bị hư hỏng nhiều chỗ.

Đa phần nhân dân đã được vận động di dời đến nơi địa thế an toàn hơn, cách xa sông. Một bộ phận dân cư vẫn bám trụ lại. Một số công trình như Trạm y tế xã, Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật huyện Quảng Ninh, nghĩa trang xã có vị trí ngay sát ven sông.

Người dân nơi đây cho biết, hiện tượng sạt lở đã xảy ra hàng chục năm nay. Nghiêm trọng hơn, bờ kè kiên cố chống xói lở cũng hư hỏng nặng khiến người dân nhấp nhổm khi mùa mưa bão đang gần kề. Bên cạnh sạt lở do dòng chảy của sông, một nguyên nhân nữa gây nên sạt lở do người nhân cung cấp là từ hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông ảnh hưởng đến dòng chảy và địa hình tại các xã có dòng Long Đại chảy qua như tại Hiền Ninh, Duy Ninh, Xuân Ninh, Trường Xuân...

Trong khi nhiều người dân đối mặt với nguy cơ mất đất ở, đất canh tác thì giải pháp chống sạt lở của chính quyền địa phương năm nào cũng tạm thời. Bởi lẽ thiếu kinh phí tu sửa và bão lũ ngày càng cực đoan.

Sạt lở đất ven sông, nguy cơ mất nhiều diện tích đất canh tác và công trình.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh cho biết: Sạt lở đất ven sông tại địa phương diễn ra đã lâu và thường xuyên, diện tích đất canh tác bị mất đi hàng năm rất lớn. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế của nhân dân. Hiện có 5 thôn trực tiếp bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất gồm: Đồng Tư, Tây Hiền, Bắc Cổ Hiền, Đông Cổ Hiền và Cổ Hiền. Nguyên nhân cơ bản do dòng chảy của sông Long Đại rất mạnh. Phần khác cũng từ hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông gây nên. Tuyến kè bê-tông hạn chế sạt trượt bờ sông cũng bị hư hại nhiều điểm, có chỗ bị khoét sâu.

Khi được đề nghị nêu rõ thực trạng khai thác cát trái phép từ các tàu hút ở khu vực lòng sông ven xã Hiền Ninh. Ông Nguyễn Ngọc Hùng chia sẻ và khẳng định: Chúng tôi đã quán triệt nhân dân địa phương không tham gia vào hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép. Tuyên truyền nhân dân địa phương nỗ lực bảo vệ an toàn đê, điều. Bởi hút cát ven sông rất dễ gây sạt lở bờ. Đối với sự có mặt của các tàu hút cát, thì đa phần là tàu hút cát lậu, hút cát trái phép ở các khu vực khác đến.

Rọ đá, lưới thép không thấy còn hiện hữu; có điểm kè bị khoét tạo hố sâu kiểu hàm ếch.

Vấn đề sạt lở bờ sông vốn đã phức tạp lại càng phức tạp hơn, đây không chỉ còn là diễn biến tự nhiên như trước mà thực sự đã trở thành hiện tượng thiên tai khó lường trước và là vấn đề bức xúc hiện nay vì thiệt hại về dân sinh, kinh tế.

Một trong những biện pháp được xem là căn cơ và ít tốn kém là, biện pháp phi công trình. Cùng với đó, tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; tránh xảy ra hệ lụy khó lường.

Nguồn: Báo Xây Dựng
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: