Quảng Nam: Mưa bão cận kề, thấp thỏm nỗi lo sạt lở bờ sông

Đăng ngày: 10-10-2018 | Lượt xem: 925
(TN&MT) - Thấp thỏm, lo âu là tâm trạng mà hàng trăm hộ dân sống dọc bờ sông Ly Ly, thôn An Lạc, xã Duy Thanh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đang phải đối mặt khi tình trạng sạt lở đang ngày c
Bờ sông Ly Ly đã ăn sát vào vườn và nhà của ông Huỳnh Tấn Bốn

Bờ sông Ly Ly đã ăn sát vào vườn và nhà của ông Huỳnh Tấn Bốn

Cứ sau mỗi đợt mưa lũ, bờ sông Ly Ly chạy qua nhà ông Huỳnh Tấn Bốn, thôn An Lạc, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên lại lở thêm vài mét. Bây giờ từ móng nhà ông đến bờ sông chỉ còn cách 3m. Ông Bốn chia sẻ, chưa bao giờ ông nghĩ gia đình mình lại có ngày phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ như lúc này khi phải chứng kiến từng mét đất, căn nhà cứ lần lượt bị “hà bá” nuốt chửng.

“Mỗi khi vào mưa lũ nước sông Ly Ly dâng cao chảy xiết lại gây sạt lở. Chừ mép sông đã vào gần sát vườn và nhà cửa của các nhà hộ dân ở đây. Căn nhà vợ chồng tôi tích góp cả đời xây dựng chừ cũng sắp ùm xuống sông”- ông Bốn buồn bã cho biết.

Theo những người dân sinh sống tại khu vực này cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở ven bờ sông Ly Ly là do thay đổi dòng chảy của con sông cộng với trên địa bàn xã Duy Thành những năm qua xuất hiện nhiều đợt mưa lũ bất thường. Để hạn chế xói lở bờ sông, những năm qua, người dân ở đây đã trồng tre giữ đất, tuy nhiên, cứ sau một đợt mưa lũ thì các bụi tre này đều trôi theo dòng nước. Từ 5 năm trở lại đây đã có hàng chục hộ dân phải di dời. Nếu tình trạng sạt lở tiếp diễn như hiện nay thì nhà cửa của hàng trăm hộ dân sinh sống dọc bờ sông Ly Ly thể bị sụp xuống sông vào bất cứ lúc nào.

Khoảng cách từ bờ sông Ly Ly đến nhà của các hộ dân chỉ còn vài mét

Khoảng cách từ bờ sông Ly Ly đến nhà của các hộ dân chỉ còn vài mét

“Việc trồng tre chỉ là biện pháp tạm thời thôi, còn muốn khắc phục tình trạng sạt lở này, thì phải có bờ kè kiến cố mới chống xói lở được. Người dân mong chính quyền các cấp quan tâm xây dựng bờ kè để người dân yên tâm sinh sống”- ông Phan Thới, người dân thôn An Lạc cho biết.

Ông Dương Văn Quang- Trưởng thôn An Lạc cho biết, bờ sông Ly Ly qua địa phận thôn An Lạc năm nào cũng bị sạt lở vào mùa mưa, có những năm ăn sâu vào tận 10m. Hiện toàn thôn có 260 hộ dân thuộc đội 8 và đội 9, thôn An Lạc bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc sạt lở đất ven sông, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.

“Do bờ sông hình chữ S nên vào mùa mưa lũ, nước tràn về dội vào ngay khúc cua của thôn An Lạc, từ đó đất cứ bị cuốn theo. Nhiều nơi khác, sông bị sạt lở do nạn hút cát nhưng ở đây không xảy ra tình trạng trên”- ông Quang nói.

Ông Trần Thanh Thư- Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết, đoạn sông Ly Ly chảy qua thôn An Lạc có tổng chiều dài sạt lở là gần 8km. Hiện nay, địa phương mới chỉ xây được đoạn kè 400 m từ cầu Ba Ra lên đội 9, thôn An Lạc. Việc xây dựng tuyến kè chống sạt lở đòi hỏi kinh phí rất lớn, ngoài khả năng của địa phương.

Người dân thôn An Lạc dùng cọc tre đóng ven bờ sông chống xói lở

Người dân thôn An Lạc dùng cọc tre đóng ven bờ sông chống xói lở

“Trước mắt, vào mùa mưa lũ, xã đã lên các phương án, tổ chức lực lượng di dời dân cùng tài sản đến nơi an toàn nếu có trường hợp xấu xảy ra. Về vấn đề ổn định cuộc sống lâu dài, chính quyền xã cũng quy hoạch khu dân cư ở thôn Thi Thại có diện tích 2 ha và bố trí được 15 hộ dân vào ở. Thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục vận động những hộ dân trong vùng sạt lở gần bờ sông Ly Ly thuộc thôn An Lạc chuyển đến khu vực khu dân cư mới này để sinh sống”- ông Thư cho biết thêm.

Được biết, hiện nay trên địa bàn huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam có 10 điểm sạt lở, đe dọa khoảng 640 hộ dân sinh sống dọc ven sông ở địa phương, huyện Duy Xuyên đã có kế hoạch di dời những hộ dân này đến nơi an toàn khi vào mưa bão đến.

Đây cũng là thực trạng chung diễn ra tại nhiều điểm nóng về sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Theo ông Trương Xuân Tý- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, mạng lưới sông của tỉnh có hình nan quạt; đặc biệt lòng sông uốn khúc rất mạnh kết hợp với tốc độ và thời gian truyền lũ trên 2 nhánh sông chính của tỉnh là Vu Gia, Thu Bồn những năm gần đây đều rất lớn là một trong những nguyên nhân gây xói lở. Tỉnh Quảng Nam vừa hoàn thành việc rà soát, tổng hợp tình hình sạt lở bờ sông và lập danh mục các dự án kè để đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn, đưa vào danh mục đầu tư trung hạn.

Trước mắt, các địa phương quy hoạch lại các cụm dân cư, cảnh báo những khu vực có khả năng xói lở nghiêm trọng để di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: