Phát triển nông nghiệp Việt Nam thích ứng với BĐKH

Đăng ngày: 18-04-2019 | Lượt xem: 1172
(TN&MT) - Năm 2018, cả nước ta có 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh và 30 đợt mưa lớn trên diện rộng, BĐKH ngày càng làm gia tăng thiên tai kéo theo gia tăng rủi ro cho nền nông nghiệp Việt Nam.
1. Mưa lũ gây ngập lụt hoa màu tại Quảng Nam
Mưa lũ gây ngập lụt hoa màu tại Quảng Nam

Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức BĐKH

Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, Việt Nam là nước đứng đầu về những hậu quả nặng nề liên quan tới dân số và tăng trưởng GDP trong 84 quốc gia đang phát triển vùng ven biển, chịu ảnh hưởng của nước biển dâng (nước biển dâng 1cm, năng suất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ giảm 40,5%), đứng thứ 2 về những tác động tới diện tích đất và sản xuất nông nghiệp (giảm 12% diện tích sản xuất đất nông nghiệp ở ĐB sông Hồng và 24% ở ĐB sông Cửu Long).

Dự báo, đến năm 2050, sản lượng lúa xuân giảm 716,6kg/ha, lúa hè giảm 795kg/ha, tương đương giảm 1.475.000 tấn/năm. Một số cây trồng khác có năng suất giảm như: Cà phê giảm 6,6%, gạo giảm 6,6%, sắn giảm 3,6%. Phần lớn, vùng ĐB sông Cửu Long chìm trong nước gây bất lợi lớn đến ngành thủy sản, nuôi trồng thủy sản trong ao, hồ có thể bị thiệt hại hoàn toàn do nước biển dâng.

Hiện nay, các Hợp tác xã (HTX) còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về phòng chống BĐKH, hệ thống cảnh báo về thảm họa thiên nhiên, quản lý đất đai, tài nguyên môi trường. Nhiều HTX chưa tiếp cận các thông tin về những ảnh hưởng của BĐKH đối với nuôi trồng, phát triển sản phẩm của HTX để có kế hoạch, biện pháp ứng phó với BĐKH. Nguồn lực (khả năng tài chính, trình độ nhân lực), công tác quản lý trong HTX không đủ khả năng để cải tiến, thay đổi, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông sản, dù HTX thấy được những tác động tiêu cực của BĐKH.

2. Mô hình hoa treo giàn với công nghệ tưới nhỏ giọt vừa tiết kiệm nước vừa giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường
Mô hình hoa treo giàn với công nghệ tưới nhỏ giọt vừa tiết kiệm nước vừa giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường

Ứng dụng các mô hình thích ứng với BĐKH

Tính đến ngày 31/12/2018, Việt Nam có 22.456 HTX, chủ yếu là các HTX nông nghiệp (chiếm trên 60%), 74 Liên hiệp HTX và 103 ngàn tổ hợp tác. Năm 2018, Liên minh HTX Việt Nam (VCA) triển khai hỗ trợ 77 mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tập trung hỗ trợ con giống, vật tư, máy móc thiết bị… nhằm áp dụng công nghệ kỹ thuật, quy trình vào sản xuất, cung ứng dịch vụ đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho hộ nông dân, thành viên HTX, trị giá 1. 000 đô la/mô hình. Năm 2019, VCA dự kiến triển khai 77 mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị và theo mô hình OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm), dự kiến 2.000 đô la/mô hình tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo đó, một số mô hình điển hình do VCA hỗ trợ đã mang lại hiệu quả cao, thích ứng được với BĐKH ở Việt Nam và góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường.

Mô hình Ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý ô nhiễm chuồng trại chăn nuôi bò sữa: xử lý mùi hôi chuồng trại bằng chế phẩm Vi sinh COSTE MT01; xử lý chất thải rắn chăn nuôi làm phân hữu cơ đa chức năng, biến chất thải thành phân bón cho cây trồng bằng chế phẩm Vi sinh COSTE TV05. Mô hình đã giảm 70% phát thải khí gây mùi hôi thối khó chịu, giảm 50% phát thải khí CH4 trong khu vực chuồng nuôi; giảm mật độ ruồi, muỗi trong khu vực chuồng nuôi, tiêu diệt các mầm bệnh có trong phân chuồng; tạo ra phân hữu cơ phục vụ trồng trọt tại HTX, chủ động nguồn phân hữu cơ.

Mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” cho hiệu quả rất cao, tỉ lệ dịch bệnh thấp, năng suất tăng 3-4 lần so với nuôi truyền thống, không cần xử lý nền đáy khi gối vụ, sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, tận thu nguồn phân cá làm phân hữu cơ cho cây trồng.

Mô hình nhà trồng ứng dụng công nghệ tưới tự động được VCA hỗ trợ hệ thống tưới phun sương tự động cho 500m nhà trồng, đáp ứng được đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng sản xuất theo Vietgap. Đây là mô hình giúp tiết kiệm nước tưới, hệ thống nhà kính giúp ngăn chặn côn trùng phá hoại, hạn chế sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật; tăng năng suất cây trồng, tăng số vòng quay thời vụ; giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thực phẩm do hóa chất bảo vệ thực vật; giảm chi phí nhân công sản xuất.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: