Phát triển nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 01-03-2021 | Lượt xem: 3516
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong 5 nước trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Dưới tác động của BĐKH toàn cầu, đến năm 2030 nhiệt độ trung bình có thể tăng thêm 0,7 độ C so với nhiệt độ trung bình trong giai đoạn 1980-1999, lượng mưa trung bình hàng năm tăng 2%/năm so với trung bình giai đoạn 1980-1999 và lượng mưa phân bố ngày càng tập trung vào mùa mưa, ít hơn vào mùa khô. Những thay đổi này có thể tạo ra tác động trái chiều lên sản xuất nông nghiệp.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng thích ứng với biến đổi khí hậu tại phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn.

Thanh Hóa là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng lớn của BĐKH; với diện tích đất tự nhiên đứng thứ 5 toàn quốc, hệ thống sông ngòi dày đặc, địa hình có độ dốc lớn. Mặt khác, Thanh Hóa có chiều dài bờ biển 102 km, thường xuyên chịu ảnh hưởng của các cơn bão nhiệt đới và hiện tượng nước biển dâng, gây nhiễm mặn và mất dần đất canh tác. Theo “Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam” của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: Khi nước biển dâng 50cm do BĐKH, Thanh Hóa có thể bị ngập mất 0,51% diện tích đất và nếu kịch bản nước biển dâng 100cm thì Thanh Hóa có thể bị ngập 1,43% diện tích đất. Ngoài ra, BĐKH còn làm cho nhiệt độ tăng lên ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mùa vụ có thể bị thay đổi ở một số vùng; trong đó, vụ đông có thể bị rút ngắn lại hoặc thậm chí không còn vụ đông, vụ mùa kéo dài hơn. Nhiệt độ tăng làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, dịch bệnh dẫn đến giảm năng suất và sản lượng, tăng nguy cơ và rủi ro đối với nông nghiệp và an ninh lương thực.

Trước nguy cơ đó, để nông nghiệp phát triển bền vững trong điều kiện BĐKH, những năm qua, ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp để thích ứng với những thay đổi về khí hậu, ứng phó với thiên tai ngày một gia tăng và khó lường. Theo đó, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với BĐKH. Chuyển giao các giống cây trồng mới, chế độ canh tác phục vụ sản xuất hàng hóa theo mô hình canh tác nông nghiệp thông minh, thích ứng với BĐKH. Bố trí hệ thống trồng trọt theo hướng đa dạng hóa cây trồng, kỹ thuật canh tác, gắn thâm canh tăng năng suất với bảo vệ tài nguyên môi trường và kiểm soát rủi ro do tác động tiêu cực của BĐKH. Bên cạnh đó, nhân rộng các mô hình, biện pháp canh tác tiên tiến thích ứng với BĐKH, như: thực hành nông nghiệp tốt, quản lý cây trồng tổng hợp, kỹ thuật canh tác 3 giảm, 3 tăng; nhân rộng hệ thống canh tác lúa cải tiến. Xây dựng quy trình canh tác cho các cây trồng chủ lực tại mỗi vùng, bảo đảm năng suất, bảo vệ đất, có khả năng thích nghi với các điều kiện bất lợi của BÐKH như hạn hán, ngập úng, xâm lấn mặn, rét hại... Nghiên cứu, ứng dụng các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, tăng cường sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp theo hướng thân thiện, bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính... Ưu tiên hàng đầu là nghiên cứu phát triển các giống mới có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu để nâng cao giá trị. Phát triển các mô hình chăn nuôi hỗn hợp như mô hình vườn ao chuồng, mô hình sản xuất lương thực, năng lượng từ chăn nuôi, mô hình thích ứng chăn nuôi dựa vào sinh thái, thực hành chăn nuôi tốt, nông nghiệp thông minh với khí hậu, chăn nuôi công nghệ cao và khép kín; phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) thích ứng với BĐKH.

Nhờ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp thích ứng với BĐKH, đến nay tỷ lệ sử dụng các giống lúa tiến bộ kỹ thuật đạt 90%; trong đó, diện tích lúa lai ước đạt 102.500 ha, chiếm 44% diện tích lúa toàn tỉnh, trong đó, có nhiều giống lúa đạt năng suất, chất lượng cao, thích ứng với BĐKH, như: Nhị Ưu 838, Bắc Thơm số 7, Nam Dương 99... Du nhập tuyển chọn được giống rau, quả mới vào sản xuất; ứng dụng thành công công nghệ nhà kính, nhà màng để sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình VietGAP, với diện tích 870.000m2,... tỷ lệ sử dụng các giống tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thích ứng với BĐKH đối với rau màu đạt 80%. Du nhập và trồng thử nghiệm một số giống cây ăn quả mới từ các địa phương khác, như: cam V2, bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn... Những loại cây trồng này bước đầu được đánh giá sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu ngày càng biến đổi phức tạp.

Mô hình trồng hoa trong nhà lưới thích ứng với biến đổi khí hậu tại phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa.

Trong quá trình thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp thích ứng với BĐKH, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương nhận thấy, thời gian qua, vùng ven biển là nơi thường xuyên hứng chịu tác động do tình trạng BĐKH. Do đó, nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH trong phát triển nông nghiệp đã được đẩy mạnh, nhất là NTTS. Điều này được minh chứng bằng việc trong giai đoạn 2016-2020, đã có 134,56 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và tỉnh đầu tư thực hiện các dự án phát triển NTTS thích ứng với BĐKH. Theo đó, nhiều dự án NTTS thích ứng với BĐKH đã được triển khai thực hiện và đưa vào hoạt động, như: Khu NTTS Hoằng Phong (Hoằng Hóa); vùng NTTS Đông - Phong - Ngọc (Hà Trung); cơ sở hạ tầng vùng NTTS các xã Minh Lộc, Hòa Lộc (Hậu Lộc); vùng NTTS an toàn tập trung tại các xã Nga Tân (Nga Sơn), Hoằng Lưu (Hoằng Hóa), với tổng diện tích 300 ha. Bên cạnh đó, hiện Chi cục Thủy sản đã xây dựng Kế hoạch phát triển thủy sản giai đoạn 2021-2025. Trong đó, dự kiến, nguồn vốn huy động đầu tư phát triển thủy sản giai đoạn 2021-2025 là 1.264 tỷ đồng, để đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cá, bến cá, nơi tránh trú bão cho tàu cá; hạ tầng vùng nuôi cá thâm canh, tôm thẻ chân trắng, nuôi an toàn sinh học... nhằm chủ động ứng phó với BĐKH và nước biển dâng.

Không chỉ đối với vấn đề NTTS, các địa phương vùng ven biển cũng đã và đang chủ động, nỗ lực thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp toàn diện thích ứng với BĐKH. Điển hình như huyện Hậu Lộc, mỗi năm có khoảng 2.000 đến 2.500 ha đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn do BĐKH. Vì vậy, để phát triển sản xuất cho vùng chịu ảnh hưởng của BĐKH, huyện đã lựa chọn và sử dụng các loại giống có khả năng chịu mặn đưa vào gieo cấy thay cho các giống lúa thông thường. Đồng thời, chuyển đổi diện tích trồng lúa bị nhiễm mặn sang trồng các loại cây màu hàng hóa có khả năng chịu hạn, như: ớt chỉ thiên, khoai tây, lạc, dưa lê... Huyện Nga Sơn có tới hơn 4.000 ha, chiếm tới 57% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp trong mỗi vụ đã và đang chịu ảnh hưởng bởi tình trạng BĐKH. Do vậy, để chủ động phát triển nông nghiệp trong điều kiện BĐKH, huyện Nga Sơn đã hỗ trợ các địa phương thực hiện cải tạo đất cho vùng bị ảnh hưởng bởi BĐKH, xây lắp các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất; chuyển đổi diện tích trồng cói, trồng lúa thông thường sang trồng các giống lúa chịu hạn, chịu mặn, thích ứng với BĐKH, hoặc chuyển sang phát triển trang trại tổng hợp và NTTS... Tại các xã có diện tích chuyển đổi sang trồng các giống lúa có khả năng chịu mặn, chịu hạn, năng suất đã tăng từ 58,43 tạ/ha/vụ lên 65 tạ/ha/vụ. Những diện tích chuyển sang phát triển trang trại chăn nuôi, bình quân cho thu lãi từ 200 đến 500 triệu đồng/trang trại/năm. Diện tích chuyển sang NTTS theo hướng chuyên canh, công nghiệp, lãi bình quân đạt từ 500 đến 700 triệu đồng/ha/vụ.

Hiệu quả từ các mô hình đã phần nào chứng minh được định hướng đúng đắn khi phát triển nông nghiệp thích ứng với BĐKH.

Theo baothanhhoa.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: