Phát triển hạ tầng nông thôn an toàn trước biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 21-11-2018 | Lượt xem: 1044
(TN&MT) - Trước những tác động tiêu cực ngày càng phức tạp và lâu dài của biến đổi khí hậu (BĐKH), tỉnh Nam Định đang tăng cường tuyên truyền nguy cơ mất an toàn nhà ở do BĐKH, nước biển...

Tỉnh đang từng bước xây dựng các công trình công cộng kiến tạo không gian sinh hoạt tập trung cho cộng đồng và cũng là nơi tập kết sơ tán người phục vụ cứu hộ trong mùa mưa bão. Đối với các công trình này, Sở Xây dựng yêu cầu phải bố trí không gian rộng rãi, có sân chơi thể thao, nền nhà cao từ 1,5-2m có thể tận dụng làm nơi tránh lụt, ứng cứu thảm họa thiên tai.

nong thon moi

Tỉnh Nam Định đang tăng cường tuyên truyền nguy cơ mất an toàn nhà ở do BĐKH, nước biển dâng và phổ biến các mô hình nhà ở thích nghi, có sức chống chọi tốt với BĐKH và nước biển dâng. Ảnh minh họa

Các xã, thị trấn cũng đang tăng cường công tác trồng rừng phòng hộ, cải tạo các tuyến sông, kênh rạch bằng cách tạo các dải cây xanh cách ly 7-10m dọc kênh rạch, sông ngòi bảo vệ mương tiêu thoát nước. Hệ thống các trục đường dong, ngõ xóm được người dân chủ động thiết kế mở rộng với hệ thống thoát nước rãnh dọc các dãy nhà theo ô bàn cờ đảm bảo tiêu thoát nước nhanh nhất.

Việc xây dựng kiến trúc nhà ở nông thôn an toàn thích ứng với BĐKH được thực hiện theo chủ trương, tận dụng và kế thừa cơ sở hạ tầng hiện có, cải tạo nâng cao nền để phòng chống ngập. Tỉnh chú trọng phát triển các điểm dân cư tập trung tại các xã và thị trấn có điều kiện thuận lợi đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật chung; hạn chế phát triển các điểm dân cư nhỏ lẻ, phân tán; dịch chuyển các điểm dân cư tự phát, manh mún, nhỏ lẻ gần sông, biển vào các khu vực ở tập trung sâu trong đất liền có cao độ nền đảm bảo an toàn tránh trú khi xảy ra mưa bão lớn, tạo điều kiện tốt cho sinh hoạt và sản xuất cũng như công tác cứu hộ.

Kiến trúc nhà ở cũng dần thích nghi theo hướng tiết kiệm, tiện nghi chống chịu tốt với mưa bão như nhà hình khối đơn giản, kiên cố, nhà có gác xép, nhà có thể trống tầng 1 hoặc nền nhà cao với đặc điểm là hiên nhà rộng, thoát nước mái nhanh, chân nền, chân tường ốp đá để tránh bị hư hại khi bị ngập.

Cùng với sự chủ động của địa phương, tỉnh cơ quan quản lý, các ngành chức năng Trung ương nghiên cứu, đưa ra bộ tiêu chí và cách quản lý về xây dựng phát triển các dạng nhà ở chịu ảnh hưởng của BĐKH và thiên tai, đặc biệt là nước biển dâng, cho các vùng nông thôn ven biển. Xây dựng các mô hình điểm nhà ở sinh thái, gắn kết chặt chẽ với môi trường, bền vững, mang đặc trưng bản địa.

Nguồn: Báo TN&MT

 
 
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: