Nỗi lo sa mạc hóa

Đăng ngày: 26-06-2020 | Lượt xem: 22243
Sa mạc hóa là một trong những vấn đề đáng lo ngại mà nhiều quốc gia, trong đó, có Việt Nam đang phải đối mặt.

Chủ đề Ngày Thế giới chống sa mạc hóa, khô hạn năm 2020 của Việt Nam là “Tiêu dùng và đất đai,” nhấn mạnh đến những nỗ lực và giải pháp, mô hình góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng hạn hán.

Mối nguy toàn cầu

Từ lâu cộng đồng quốc tế đã nhận thấy sa mạc hóa, hoang mạc hóa là một vấn đề rộng lớn liên quan đến cả ba lĩnh vực: kinh tế, xã hội và môi trường của nhiều quốc gia trên thế giới. Liên Hợp Quốc đã từng cảnh báo, quá trình sa mạc hóa là điển hình cho một trong số những "thách thức môi trường lớn nhất trong thời đại của chúng ta".

Công bố của Liên Hợp Quốc cho thấy, đến năm 2030, ngành công nghiệp thời trang dự kiến sẽ sử dụng thêm 35% đất đai, phần lớn là để trồng nguyên liệu cho thời trang giá rẻ. Số thực phẩm mà chúng ta làm mất hoặc lãng phí hằng năm tương đương sức sản xuất từ 1,4 tỷ ha đất sản xuất. Và với sức tiêu thụ hiện nay, vào năm 2030, chúng ta sẽ cần thêm 300 triệu ha đất để sản xuất lương thực mới có thể đảm bảo an ninh lương thực cho cư dân toàn cầu.

Thế nhưng trong một diễn tiến ngược, tài nguyên hữu hạn là đất đai lại đang bị đe dọa sụt giảm nghiêm trọng. Mỗi năm, hơn 12 triệu ha đất bị mất do suy thoái đất, sa mạc hóa và hạn hán tái diễn. Đây là quá trình đất đai vốn màu mỡ, bị suy thoái do hạn hán, phá rừng hoặc bị canh tác quá mức, hoặc bởi biến đổi khí hậu.

Trong quá trình này, các chất dinh dưỡng trong đất trở nên cạn kiệt đến nỗi đất không còn màu mỡ và cuối cùng trở nên khô cằn. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, chúng sẽ tiến vào quá trình sa mạc hóa và dần mất khả năng sản xuất.

Việt Nam có gần 8 triệu ha đất hoang mạc hóa

Quá trình thoái hóa đất và hoang mạc hóa ở Việt Nam là kết quả của sự xói mòn đất, đá ong hóa, hạn hán, cát bay, cát chảy, đất bị nhiễm mặn, nhiễm phèn. Các vấn đề cơ bản của hoang mạc hóa ở Việt Nam là hạn hán, thoái hóa đất và cồn cát di động theo mùa gió trong năm.

Sa mạc hóa là thách thức môi trường lớn nhất mọi thời đại

Hiện, Việt Nam có khoảng 7,6 triệu ha đất đang chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa dẫn tới sa mạc hóa. Miền Trung cũng có khu vực đất đai bị thoái hóa trên tiến trình trở thành hoang địa cằn cỗi.  Tình trạng sa mạc hóa ngày càng diễn ra nhanh chóng đến mức báo động. Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ là 3 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thực trạng này. Quá trình sa mạc hóa tác động sâu sắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống của người dân.

Việt Nam xuất hiện hiện tượng sa mạc hóa cục bộ ở các dải cát hẹp trải dài dọc theo bờ biển miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận là nơi có diện tích sa mạc hóa lớn nhất cả nước. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi còn nhiều vùng đồi núi trọc đang bị mưa lũ làm lở đất, xói mòn và suy thoái đến khô cằn hoang mạc. Đây là những vấn đề đáng lo ngại, là thách thức lớn đối với nền nông nghiệp hiện nay.

Ngoài phá rừng, đốt cây cỏ làm nương rẫy, khai thác bừa bãi các mỏ quặng, mỏ than cũng gây ra sa mạc hóa cục bộ. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến mỗi năm chúng ta mất trên 100.000 ha đất nông nghiệp loại tốt, chủ yếu là đất lúa ở các tỉnh đồng bằng. Và Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có ít đất nông nghiệp nhất trên thế giới - đứng thứ 159 thế giới từ năm 2002.

Rõ ràng, nếu không có cách ứng xử kịp thời và hiệu quả thì tần suất và mức độ của hoang mạc hóa, sa mạc hóa ở Việt Nam sẽ còn diễn biến phức tạp, gây mối đe dọa lớn cho đất đai nông nghiệp và tác động đến vấn đề tranh chấp, khiếu kiện về đất đai - hiện là một trong những vấn đề “nóng” nhất.

Năm 1994, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tuyên bố lấy ngày 17/6 hàng năm để kỷ niệm Ngày Thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán, đánh dấu ngày thông qua Công ước chống sa mạc hóa.

Hệ lụy từ mất rừng tự nhiên

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất đai ngày càng sa mạc hóa chủ yếu là mất rừng tự nhiên. Mặc dù, Tây Nguyên là một trong 4 vùng có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất nước nhưng liên tục bị thu hẹp do khai thác, phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Đặc biệt, dân số nước ta tăng nhanh tạo sức ép thiếu đất sản xuất. Đất đai bị sa mạc hóa làm cho diện tích rừng liên tục giảm, đất sản xuất bị thu hẹp.

Điều này dẫn đến chất lượng cuộc sống, môi trường sống ngày càng xấu đi. Sản xuất trên diện tích đất thoái hóa cây trồng khó phát triển, chi phí đầu tư cao tác động và gây thiệt hại trực tiếp đến nông dân. Phần lớn những người sống gần rừng có cuộc sống thiếu thốn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số phương thức canh tác lạc hậu nên đất đai dễ bị bạc màu, thoái hóa. Do đời sống của người dân còn nghèo khó, vì mưu sinh nên họ bất chấp lén lút phá rừng làm nương rẫy. Sự phát triển kinh tế thiếu quy hoạch, không đồng bộ ở nhiều vùng, việc di dân khó kiểm soát, mất rừng làm cho sa mạc hóa, hoang mạc hóa ngày càng nhanh đe dọa sự phát triển bền vững.

Việt Nam đã tham gia Công ước Quốc tế về phòng - chống sa mạc hóa nhằm nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư. Để giải quyết tình trạng này, giải pháp hiệu quả nhất là trồng rừng khôi phục lại diện tích bị tàn phá. Chương trình Mục tiêu quốc gia hành động chống sa mạc hóa được chính thức ban hành từ năm 2006.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện mục tiêu này mất khá nhiều thời gian, công sức và gặp không ít khó khăn. Nhận thức của người dân chưa cao, chính sách ưu đãi của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương chưa đủ hấp dẫn để kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế… Vì vậy, chương trình chống sa mạc hóa rất cần sự chung sức của cả cộng đồng.

Việt Nam đã và đang triển khai nhiều biện pháp hiệu quả chống hạn hán tùy điều kiện mỗi vùng, đặc biệt là hệ thống cảnh báo sớm và chủ động ứng phó, triển khai các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Nhờ đó, năm 2019 - 2020 là năm hạn mặn lịch sử, lớn nhất từ trước đến nay ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng chỉ có gần 20% diện tích trồng lúa bị giảm năng suất 30 - 70%.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: