Nhiều nước phải hứng chịu nguy cơ ngập lụt do nước biển dâng

Đăng ngày: 31-10-2019 | Lượt xem: 1693
Theo một nghiên cứu được công bố mới đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) có thể gây ngập lụt cao gấp ba lần vào năm 2050 so với trước đây. Châu Á và các thành phố ở Bắc Mỹ cũng như châu Âu đều dễ bị ảnh hưởng do nước biển dâng cao.

Nhà ở ngập trong nước lũ sau trận mưa lớn xảy ra tại một thị trấn ở Shantou, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào ngày 2/9/2018. Ảnh: Stringer / File Photo

Nghiên cứu của Tổ chức phi lợi nhuận về khoa học và tin tức khí hậu - Climate Central có trụ sở đặt tại Mỹ đã nhấn mạnh các nước sẽ phải hứng chịu hậu quả nặng nề khi sự nóng lên toàn cầu đang ngày càng đe dọa một số nước đông dân nhất thế giới.

Nghiên cứu cho thấy vùng đất có khoảng 300 triệu người đang sinh sống có khả năng bị ngập lụt ít nhất mỗi năm một lần vào giữa thế kỷ mà không có hệ thống phòng thủ trên biển đầy đủ, ngay cả khi chính phủ quản lý để cắt giảm khí thải. Theo ước tính trước đó, có khoảng 80 triệu người có thể bị ngập lụt, tập trung chủ yếu ở các nước Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ và Việt Nam.

Các nhà nghiên cứu cho biết, họ đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để sửa các lỗi hệ thống trong bộ dữ liệu. Trước đó, dữ liệu cho thấy nhiều vùng ven biển có người sinh sống ở độ cao cao hơn sẽ an toàn hơn nhưng thực tế thì không phải vậy.

“Giờ đây, chúng tôi hiểu rằng mối đe dọa từ mực nước biển dâng và lũ lụt ven biển lớn hơn nhiều so với những gì chúng tôi nghĩ trước đây. Lợi ích từ việc cắt giảm ô nhiễm khí hậu cũng lớn hơn nhiều so với trước đây, điều này làm thay đổi toàn bộ sự cân bằng về lợi ích - chi phí”, ông Cameron Strauss, Giám đốc điều hành của Climate Central và đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.

Mối đe dọa tiềm ẩn khi các quốc gia không thể xây dựng hệ thống phòng thủ ven biển kịp thời khi mực nước biển dâng, buộc hàng triệu người phải di cư. Đây được coi là một trong những tác động gây bất ổn nhất của khủng hoảng khí hậu.

Báo cáo về đại dương của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ đã nhấn mạnh các nguy cơ rủi ro. Mực nước biển có thể tăng thêm 1 mét vào năm 2100 - gấp 10 lần tốc độ trong thế kỷ 20 nếu phát thải cácbon tiếp tục leo thang.

Theo nghiên cứu mới nhất được đăng trên tạp chí Nature Communications, ngay cả khi chính phủ quản lý kiềm chế khí thải, khoảng 237 triệu người ở 6 nước: Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan vẫn có thể phải đối mặt với ngập lụt hàng năm vào giữa thế kỷ nếu không xây dựng các công trình bảo vệ vùng ven biển.

Đến năm 2100, nếu phát thải tiếp tục không được kiểm soát và nguy cơ băng tan nhanh hơn dự  báo thì vùng đất nơi 250 triệu người hiện đang sống ở 6 quốc gia trên sẽ bị ngập lụt khi thủy triều lên cao, khiến mức độ rủi ro tăng gấp 5 lần so với ước tính dựa trên dữ liệu độ cao trước đó.

Một bản đồ có thể phóng to, có tính tương tác do Climate Central công bố để mọi người có thể xem các khu vực lân cận của họ và cũng có thể thấy các khu vực rộng lớn của Hà Lan, London, New York, Miami, Tokyo và các khu vực khác của thế giới công nghiệp hóa có nguy cơ rủi ro do nước biển dâng.

Theo một trích dẫn của các tác giả, nghiên cứu cho thấy, tường biển và đê cho phép 110 triệu người sống dưới dòng thủy triều cao, mà không gây ảnh hưởng đến chúng hoặc các biện pháp phòng thủ trong tương lai.

Nghiên cứu cũng chỉ ra mặc dù mực nước biển dâng do phát thải khí cácbon trong quá khứ nhưng việc giảm thiểu nhanh chóng ô nhiễm khí nhà kính hiện nay có thể giúp thế giới tránh khỏi lũ lụt ven biển tồi tệ hơn vào cuối thế kỷ.

Các tác giả cho biết chính phủ các nước cần khẩn trương tiến hành các cuộc khảo sát để tìm ra mức độ khả thi nhằm kìm hãm nước dâng cao cũng như hành động để đảo ngược lượng khí thải cácbon vốn đã đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái.

“Chúng ta không biết rằng liệu các biện pháp phòng thủ bờ biển ngày hôm nay có thể đáp ứng cho mực nước biển vào ngày mai hay không nhưng mỗi một cảnh báo trong ngày có thể phần nào giúp cứu mạng và tài sản. Mỗi thập kỷ đều cần chuẩn bị ứng phó cho tình trạng mực nước biển dâng”, ông Strauss nhấn mạnh.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: