Nhiều giải pháp ngăn hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long

Đăng ngày: 23-04-2021 | Lượt xem: 7460
(PLVN) - Trong tháng 4, hạn hán và xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long lên đến đỉnh điểm. Chính quyền và người dân đang thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng.
Nhiều giải pháp ngăn hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long
 
Cấp nước ngọt lưu động cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đắp đập ngăn hạn mặn đỉnh điểm

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 21-30/4, xâm nhập mặn (XNM) tại các sông ở khu vực Nam Bộ có xu thế tăng dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm trong thời kỳ này ở tương đương với độ mặn cao nhất tuần từ ngày 11 - 20/4. Các tỉnh: An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh chịu ảnh hưởng XNM ở mức độ khác nhau.

Trong khi đa số các khu vực ven biển của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chịu ảnh hưởng nặng do XNM thì Kiên Giang lại khá “an toàn” do đã có hệ thống cống ngăn mặn tương đối hoàn chỉnh. Cà Mau lại chịu tác động mạnh nhất, trừ khu vực trung tâm phía Tây được hệ thống cống ngăn mặn bảo vệ. 

Dòng chảy sông Mê Kông ảnh hưởng lớn tới sự suy giảm nồng độ mặn ở vùng ven biển Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Kiên Giang. Nồng độ mặn ở những vùng này giảm xuống vào tháng 6 trong khi nồng độ mặn ở Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau vẫn giữ nguyên như trong tháng 4.

Trong tương lai, Cà Mau sẽ chịu thiệt hại về kinh tế lớn nhất do XNM, tiếp theo là Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh. Về sản lượng cây ăn quả thì Bến Tre chịu thiệt hại nặng nhất, sau đó là Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang và Trà Vinh.  

Rút kinh nghiệm hạn mặn những năm trước, các địa phương thực hiện phương châm “giữ nước ngọt, điều tiết nước mặn”. Đầu tháng 3/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu đã triển khai điều tiết mạnh nước mặn vào tiểu vùng chuyển đổi để phục vụ nuôi tôm. Song song với việc điều tiết nước, địa phương sẽ vận hành cống âu thuyền Ninh Quới để ngăn mặn xâm nhập qua Sóc Trăng.

UBND tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương thi công đắp 8 đập thép để bảo vệ 2 vùng ngọt hóa là Bảo Định và Gò Công, khoan 16 giếng để tìm nguồn nước cấp tạm cho bà con tại một số khu vực hẻo lánh. Chính quyền địa phương liên tục khuyến cáo, hướng dẫn cho bà con nông dân những giải pháp giảm thiệt hại cho cây trồng nếu bị nước mặn tấn công. Ngoài đập thép tạm ngăn mặn, UBND tỉnh Tiền Giang cũng xây dựng 7 đập ngăn mặn khác trên các tuyến kênh, rạch thông qua tuyến đường huyện 35, gồm: Ông Hổ, cầu Sao, rạch Me, Mỹ Long, Chín Tương, Bà Trà và Ông Mười thuộc huyện Châu Thành và huyện Cai Lậy. 

Tại Bến Tre, tỉnh đã hợp long 3 đập tạm bằng cừ Larsen trên 3 nhánh chính của sông Ba Lai chảy qua địa bàn các xã Thành Triệu, Tường Đa và An Hiệp thuộc huyện Châu Thành để vào khu vực Cái Cỏ - Trạm chính cấp nước nước thô của Nhà máy nước Bến Tre. Hiện nước mặn trên các sông chính là Hàm Luông, Cổ Chiên, Ba Lai đều tăng cao nhưng địa phương vẫn làm chủ được nguồn nước thô cho nhà máy nước quan trọng nhất.

Nhiều vùng đang khát

ĐBSCL là một trong các vùng có tiềm năng nước ngầm lớn nhất nước ta, với 7 tầng chứa nước chính, chiều sâu phân bố từ vài chục mét đến 500-600m. Các khu vực tiềm năng nguồn nước ngọt lớn gồm: Bạc Liêu, Long An, Đồng Tháp, Cà Mau, Trà Vinh, Cần Thơ. Trữ lượng khai thác tiềm năng nước ngọt khoảng 22,5 triệu m3/ngày, trữ lượng tiềm năng nước lợ, mặn khoảng 39 triệu m3/ngày. Trong đó, trữ lượng khai thác an toàn nước ngọt toàn vùng khoảng 4,5 triệu m3/ngày. Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong mùa khô năm 2019-2020, trên 160 công trình cấp nước tập trung vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi XNM khiến khoảng 430.000 người dân trong vùng gặp khó khăn về nước sinh hoạt.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mùa khô năm nay, ÐBSCL cũng được chủ động điều tra, khảo sát thăm dò, tìm kiếm và tổ chức khai thác hợp lý nguồn nước để cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trong mùa khô, trong các đợt XNM; triển khai 35 công trình khai thác nước ngầm có tổng lưu lượng 33.000m3/ngày đêm, cung cấp cho trên 333.000 người dân sử dụng; bàn giao bản đồ nước ngầm cho tất cả các địa phương vùng ÐBSCL cùng hàng chục giếng khoan để các địa phương đầu tư, xây dựng thành các công trình cấp nước tập trung; xây dựng 10 điểm nguồn cấp nước khẩn cấp với tổng công suất 3.700m3/ngày đêm, cung cấp cho 62.000 người ở 7 tỉnh chống hạn, mặn vùng ÐBSCL sử dụng...

Tuy nhiên, vào thời điểm này, nhiều địa phương đã thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Từ đầu tháng 3 đến nay, hơn 16.600 hộ dân ở huyện Giồng Trôm, Bến Tre sử dụng nước máy sinh hoạt từ Nhà máy nước Lương Qưới phải trả tiền nước là 51.500 đồng/m3, tăng gấp 5 lần so với bình thường. Theo lãnh đạo nhà máy, trước đây giá nước chỉ có 9.600 đồng/m3 nhưng nguồn nước của nhà máy bị nhiễm mặn, Công ty CP Cấp thoát nước Bến Tre phải thuê hơn 10 chiếc sà lan (tải trọng trung bình 700 tấn/chiếc) vận chuyển nước ngọt từ thượng nguồn bơm về để phục vụ người dân.

Các xã ven biển thuộc 2 huyện An Biên, An Minh (Kiên Giang) chưa có công trình cấp nước, giếng khoan nhiễm mặn, nước tích trữ bằng mương, đìa, lu, khạp hết mưa vài tháng là trơ đáy nên người dân phải đổi nước từ các xe bồn tự chế với giá từ 60 - 100 ngàn đồng/m3. 

Người dân ở các xã đảo của huyện Kiên Hải, Kiên Lương, Hà Tiên thiếu nước còn trầm trọng hơn. Xã An Sơn, huyện Kiên Hải có hồ chứa 30.000m3 nhưng nắng kéo dài đang trong tình trạng cạn kiệt. Các xã khác của huyện Kiên Hải như: Hòn Tre, Lại Sơn, Sơn Hải, Hòn Nghệ, Tiên Hải, đặc biệt là đảo Nam Du nhu cầu về nước ngọt của người dân đang rất cấp thiết.

Theo Báo Pháp luật Việt Nam

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: